[Y học cổ truyền] Thiết chẩn

THIẾT CHẨN

 

Thiết chẩn là phương pháp khám bệnh gồm bắt mạch (mạch chẩn) và thăm khám tứ chi và các bộ phận của cơ thể (xúc chẩn)

  1. Mạch chẩn:

1.1.  Phương pháp bắt mạch:

  • Chuẩn bị:

– Người bệnh: người bệnh yên tĩnh, thanh thản, không lo lắng. Hai tay dể xuôi, lòng bàn tay ngửa lên trên, mạch không bị ép. Tốt nhất là bắt mạch vào lúc sáng sớm khi mới ngủ dậy.

– Thầy thuốc: thoải mái, không bị phân tán tư tưởng

              Vị trí bắt mạch: cổ tay người bệnh, chỗ động mạch quay đi qua, gọi là Thốn khẩu. Đoạn động mạch quay đi qua cổ tay này chia làm 3 bộ: Bộ thốn, Bộ quan và Bộ xích. ở ngang mỏm trâm trụ là Bộ quan, trên bộ quan là Bộ thốn, dưới bộ quan là Bộ xích.

Ngừơi thầy thuốc đầu tiên đặt ngón tay giữa vào bộ quan (mốc là mỏm trâm trụ), sau đó đặt ngón trỏ vào bộ thốn, rồi sau cùng đặt ngón nhẫn vào bộ xích. Thường 3 ngón tay, đặt vừa khít nhau, nếu ngừơi bệnh cao quá, thì đặt 3 ngón tay xa nhau ra một chút

  • Các cách bắt mạch:

– Tổng khán: xem chung cả 3 bộ để nhận định tình hình chung

– Vi khán: xem từng bộ vị để chẩn đoán bệnh chứng của từng tạng phủ khác nhau. Bên cổ tay trái người bệnh bộ thốn tương ứng với tạng tâm, bộ quan tạng can, bộ xích tạng thận (âm). Bên cổ tay phải bộ thốn tương ứng với tạng phế, bộ quan tạng tỳ, bộ xích tạng thận (dương).

Thường phối hợp cả hai cách xem, tổng khán trước, rồi vi khán sau

– Khi bắt mạch, cần dùng lực các ngón tay khác nhau để xem xét tỷ mỉ. Khi ngón tay đặt nhẹ thì gọi là khinh án, khi ngón tay đã hơi dùng lực thì gọi là trung án. Khi ngón tay đã dùng lực ấn sâu xuống thì gọi là trọng án

1.2. Đặc điểm và bệnh chứng khi bắt mạch:

1.2.1. Mạch bình thường: là một hơi thở (một tức) có 4 – 5 nhịp mạch đập (khoảng 70 – 80 lần/phút), không ra nông cũng không ở sâu, không to không nhỏ, mạch đều đặn thì gọi là mạch hoà hoãn

1.2.2. Một số biểu hiện bệnh lý thường gặp của mạch;

  • Độ nông sâu của mạch: mạch phù và mạch trầm

– Mạch phù: đặt ngón tay nhẹ đã cảm thấy cảm giác mạch đập rõ, ấn dần xuống mạch đập yếu đi, thường bệnh ở biểu.

Phù mà có lực là biểu thực, phù mà vô lực là biểu hư.

Mắc bệnh ngoại cảm, sợ lạnh, phát sốt, không ra mồ hôi, mạch phù khẩn là biểu thực hàn. Cũng bị bệnh ngoại cảm, sợ gió, phát sốt, ra mồ hôi, mạch phù nhược là biểu hư hàn. Bệnh truyền nhiễm cấp tính thời kỳ đầu đa số thấy mạch phù

–  Mạch trầm: đặt ngón tay nhẹ chưa thấy cảm giác mạch đập, dùng lực ấn ngón tay xuống sâu (trung án), mới có cảm giác mạch đập, thường bệnh đã vào lý.

Mạch trầm có lực là lý thực. Mạch trầm vô lực là lý hư.

  • Tần số mạch: mạch trì và mạch sác

– Mạch trì: là một hơi thở có 3 mạch đập (khoảng dưới 60 lần/phút), thuộc về hàn chứng

Mạch phù trì là biểu hàn, mạch trầm trì là lý hàn.

Mạch trì có lực là thực hàn, mạch trì vô lực là hư hàn.

Nếu ngừơi bệnh xuất hiện lưng gối đau mỏi, đi ngoài lỏng vào lúc sáng sớm, đau bụng, lưỡi nhuận, mạch trầm trì vô lực là biểu hiện hội chứng thận dương hư- thuộc lý hư hàn

–  Mạch sác: là một hơi thở có trên 5 mạch đập (khoảng trên 90 lần/phút), thuộc về nhiệt chứng

Mạch sác có lực là thực nhiệt, mạch sác tế nhược là âm hư sinh nội nhiệt.

  • Cường độ mạch: mạch hư và mạch thực

– Mạch thực: là mạch đập cho cảm giác cứng, đầy, chắc, như lốp xe bơm căng, đập có lực (hữu lực), thuộc thực chứng, do nhiệt, hoả, thực tích…

Thực hoạt là đàm thấp ngưng kết. Mạch thực huyền là can khí uất kết

– Mạch hư là mạch đập cho cảm giác mềm, không đầy, ấm mạnh thường mất, vô lực, thuộc hư chứng, do khí, huyết, hoặc âm, dương hư.

  • Tốc độ tuần hoàn trong lòng mạch: mạch hoạt và mạch sáp

– Mạch hoạt: là mạch đến đi rất lưu lợi, có cảm giác như dưới ngón tay có những hạt châu lăn. Thường gặp ở trẻ em, phụ nữ khi có kinh hay có thai. Những người bị đàm thấp (vô hình do rối loạn lipit máu và hữu hình do ho khạc đờm), thực ngưng…

– Mạch sáp: là mạch đến đi rất khó khăn, đến như là chưa đến, đi như là chưa đi. Do huyết hư, khí trệ hoặc hàn ngưng.

  • Độ cứng mềm của mạch: mạch huyền và mạch khẩn :

– Mạch huyền: căng, như sờ sợi dây đàn, cứng, thế mạch khẩn cấp, có lực. Đại diện cho can thực (can phong, can khí uất kết…), còn gặp trong các chứng có đau. Mạch huyền hoạt là đàm ẩm.

–  Mạch khẩn : căng, như sờ trên sợi dây thừng (không thẳng băng, có chỗ lồi chỗ lõm), thế mạch khẩn cấp, có lực. Cũng thừơng gặp trong các chứng bệnh có đau, hàn chứng.

Bị ngoại cảm phong hàn mạch phù khẩn, khi lý hàn mạch trầm khẩn.

Chứng tý thể hàn tý với các khớp đau dữ dội, cố định một chỗ, chườm nóng đỡ đau, đa số là mạch huyền khẩn.

Khi có biểu hiện xơ cứng động mạch thì cũng xuất hiện mạch khẩn

Ngoài ra còn có một số loại mạch khác như hồng, kết, đại, súc… nhưng trên lâm sàng ít gặp hơn.

  1. Xúc chẩn :

Xúc chẩn là phương pháp thăm khám bằng sờ nắn trong YHCT. Ngừơi thày thuốc sờ nắn vùng bụng, tứ chi, da thịt (bì phu, cơ nhục) để tìm các biểu hiện bất thường.

2.1.  Sờ vùng bụng (phúc chẩn):

– Bụng đau, ấn xuống đau giảm là thiện án, thuộc hư chứng, ấn xuống đau tăng là cự án, thuộc thực chứng.

– Có u cục ở bụng, cứng, có hình thể dưới tay là huyết ứ,  mềm, di động, ấn tan, không có hình thể dưới tay là khí trệ

– Bụng dưới nóng, chân tay lạnh là giả hàn; lạnh, chân tay lạnh là nội hàn;      ấm, chân tay lạnh là ngoại hàn

2.2. Sờ da thịt (bì phu và cơ nhục): chủ yếu để tìm hiểu độ ấm – lạnh

– Da: nhuận hay khô, có mồ hôi hay không, lạnh hay nóng

Da mới sờ thấy nóng, ấn sâu và để lâu bớt dần là nhiệt ở biểu.

Xem có phù, nổi gai, ban chẩn, nốt phỏng không ?

– Cơ nhục: có co cứng cơ là thực chứng, cơ mềm hay nhẽo là hư chứng

2.3. Sờ tứ chi:

–  Mu bàn tay, lưng nóng là ngoại cảm phát sốt

–  Lòng bàn tay, bàn chân ấm nóng hơn mu là âm hư sinh nội nhiệt.

–  Tay chân lạnh là dương hư

–  Trẻ em sốt cao, đầu chi lạnh có thể xuất hiện co giật

–  Khi đại tiện lỏng, mạch tế nhưựoc, tay chân lạnh là đại tiện lỏng khó cầm, tay chân còn nóng ấm dễ cầm hơn

– Sờ nắn các khớp để xem có gãy xương không, các khớp có sưng, nóng, hạn chế vận động hay cứng khớp, biến dạng không ?

2.4. Sờ đường đi của kinh mạch: tìm các điểm phản ứng ở du huyệt và khích huyệt. Bệnh lý của đường kinh thường xuất hiện sớm nhất những dấu hiệu phản ứng trên huyệt khích và huyệt du của đường kinh đó. Trong YHCT gọi là kinh lạc chẩn.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận