Xót xa con phải nhập viện cấp cứu vì mẹ nhỏ nhầm cồn 90 độ rửa mũi

Chỉ vì sự bất cẩn và nhầm lẫn tai hại của cha mẹ đã khiến những đứa trẻ này phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

Mẹ nhầm tai hại khiến con bị hại

Tối ngày 17/8 vừa qua, bé trai Đỗ Đình P. 12 tháng tuổi (Đống Đa, Hà Nội) đã phải nhập viện điều trị viêm phổi khẩn cấp do sơ suất của người mẹ lấy nhầm lọ cồn 90 độ để bơm rửa mũi cho con.

Em bé 1 tuổi phải nhập viện điều trị viêm phổi vì mẹ rửa mũi nhầm bằng cồn 90 độ.

Được biết, hai ngày trước, P. có hiện tượng chảy nước mũi nhiều, gia đình đã tự rửa mũi cho bé bằng cách lấy xi lanh y tế hút dung dịch nước muối sinh lý bơm trực tiếp vào để rửa mũi cho bé. Tuy nhiên, sau khi nhỏ mũi, thấy con quấy khóc khác thường, gia đình xem lại mới phát hiện đã lấy nhầm cồn 90 độ đựng trong lọ có kích cỡ, hình dáng và nhãn mác gần giống với lọ nước muối để bơm rửa mũi cho con. Ngay sau đó, bố mẹ bé đã xử trí bằng cách rửa lại mũi cho bé nhiều lần bằng nước sạch, nhưng bé vẫn tiếp tục ho và quấy khóc nên bố mẹ đưa vào khoa nhi, Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.

Bé P. nhập viện trong tình trạng chảy nước mũi, ho nhiều, mũi hai bên đỏ, thở khò khè…, được chẩn đoán bị viêm phổi.

Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa Nhi cho biết, việc nhỏ cồn vào mũi trẻ vô cùng nguy hại. Nó có thể dẫn đến bỏng niêm mạc mũi, kích thích niêm mạc mũi. Nặng hơn, nếu hít phải nhiều có thể dẫn đến ngộ độc cồn, viêm phổi. Trung bình mỗi năm khoa Nhi tiếp nhận khoảng 10 trường hợp nhỏ nhầm cồn. Các bậc phụ huynh nên hết sức chú ý vì chai cồn và chai nước muối rất giống nhau về hình thức và kích cỡ.

Mặc dù đã liên tục cảnh báo trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhưng PGS Dũng cho biết, gần như tháng nào Khoa Nhi cũng phải tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhi bị các sự cố do sơ xuất trong gia đình như: bị nhỏ nhầm cồn vào mũi, uống nhầm dầu máy khâu, dầu hỏa… do đựng vào chai trà xanh, Lavie, C2…

Trước đó, vào hồi tháng 9/2015 cũng đã có trường hợp tương tự như trên xảy ra. Nạn nhân là bé Lê Vũ Ngọc K, 28 tháng tuổi, ở Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội. Tai nạn xảy ra do mẹ bé K bất cẩn đã hút nhầm cồn 90 độ vào xi lanh sau đó rửa mũi cho con, hậu quả là bé K phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Bé K. thường được mẹ cho vệ sinh mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý Natriclorid 0,9% (chai 500ml) bằng cách hút vào xy lanh rồi bơm rửa mũi cho trẻ. Tuy nhiên, do bất cẩn, mẹ bệnh nhi Ngọc K đã hút nhầm cồn 90 độ để bơm rửa mũi trẻ.

Các cha mẹ nên hết sức chú ý vì chai cồn và chai nước muối rất giống nhau về hình thức và kích cỡ (Ảnh minh họa)

Các cha mẹ nên hết sức chú ý vì chai cồn và chai nước muối rất giống nhau về hình thức và kích cỡ (Ảnh minh họa)

Theo đó, mẹ bé K đã bơm khoảng 20ml vào mũi con. Sau khi nhỏ mũi, trẻ khóc nhiều kèm theo chảy nước mũi nhiều. Bé được mẹ gây nôn và cho rửa mũi nhiều lần nhưng không thấy đỡ nên sau 1 tiếng, mẹ đã cho bé nhập viện.

Vào hồi tháng 6/2014, bé T.H.L.B. ở Q.Thủ Đức, TP.HCM đã được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 cấp cứu vì bị ngộ độc với naphazolin – thành phần chính trong thuốc nhỏ mũi bé dùng. Trước đó, thấy bé bị sổ mũi nên ba bé đã tự ra nhà thuốc mua thuốc về nhỏ mũi cho bé nhiều lần trong ngày và không ngờ sau đó bé bị vã mồ hôi, da tái xanh, cha mẹ bé phải lập tức đưa bé vào viện cấp cứu.

Trẻ có thể tử vong do cha mẹ lạm dụng thuốc nhỏ mũi, xịt mũi

Những trường hợp trẻ bị ngộ độc thuốc nhỏ mũi là do các bậc cha mẹ tự ra mua thuốc về nhỏ mũi cho trẻ, không đọc hướng dẫn trước khi dùng, sử dụng không đúng thuốc và nhỏ mũi quá liều cho trẻ.

Nếu trẻ bị ngộ độc thuốc nhỏ mũi có chứa naphazolin thường xuất hiện triệu chứng ngộ độc sau khi nhỏ mũi được 30 phút hoặc vài giờ như da tái xanh, chóng mặt, nhức đầu, vã mồ hôi, cao huyết áp, co mạch… Tác dụng của thuốc nhỏ mũi có chứa naphazolin là gây co mạch. Khi bị nghẹt mũi, các mạch máu trong mũi bị giãn ra, sung huyết làm các niêm mạc bị phồng lên, gây nghẹt. Nếu nhỏ thuốc có chứa naphazolin vào sẽ làm các mạch máu trong mũi co lại, giúp mũi thông thoáng, giảm hiện tượng nghẹt mũi. Tuy nhiên, khi nhỏ nhiều thuốc này sẽ thấm qua niêm mạc mũi, gây co mạch máu ở nhiều nơi khác trong cơ thể, làm tăng huyết áp, dẫn tới tăng nhịp tim, gây vã mồ hôi, chóng mặt, xuất huyết não… Nếu không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Vì vậy, ngoại trừ thuốc nhỏ mũi chỉ có thành phần nước muối sinh lý natri chloride 0,9% được dùng thoải mái cho trẻ em, các thuốc nhỏ mũi còn lại cha mẹ cần phải sử dụng theo chỉ định của bác sĩ. Nếu tự ý sử dụng những loại thuốc có chứa naphazolin có thể gây ngộ độc, còn sử dụng những loại thuốc nhỏ mũi có chứa corticoid thời gian dài sẽ làm thay đổi vi khuẩn trong mũi, gây tổn thương niêm mạc mũi, giảm khứu giác, bội nhiễm, nhiễm nấm… Chưa kể việc tự ý sử dụng thuốc còn gây ra việc nhờn thuốc ở trẻ.

Những điều cần lưu ý khi rửa mũi, xịt mũi cho trẻ

Cha mẹ chỉ nên rửa mũi, nhỏ mũi khi trẻ bị ngạt mũi, viêm mũi, có nước mũi trong.

Cha mẹ chỉ nên rửa mũi, nhỏ mũi khi trẻ bị ngạt mũi, viêm mũi, có nước mũi trong.

Các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ nên thận trọng khi rửa mũi cho trẻ bởi cồn, nước ép tỏi đặc đều có thể gây nóng rát, bỏng niêm mạc mũi hay nhiệt độ dung dịch nhỏ quá nóng hay lạnh sẽ gây co thắt niêm mạc, mạch máu, thậm chí gây bỏng niêm mạc mũi nếu quá nóng.

Cha mẹ chỉ nên rửa mũi, nhỏ mũi khi trẻ bị ngạt mũi, viêm mũi, có nước mũi trong… và nên kiểm tra, ngâm 1-2 phút trong nước ấm 35 – 40 độ để làm tan giá (mùa đông) và chỉ nhỏ 1/3 -1 lọ nước muối ấm vào mỗi bên mũi theo độ tuổi. Sau đó dùng dụng cụ hút mũi hút sạch nước muối ra. Lặp lại lần nữa rồi mới nên nhỏ các loại thuốc trị sổ mũi, ngạt mũi theo chỉ định của bác sĩ.

Ngoài ra, cha mẹ không nên rửa mũi cho trẻ thường xuyên nếu mũi con bình thường không viêm. Bởi lẽ, nếu rửa mũi cho trẻ quá nhiều sẽ làm mất đi lớp thảm nhầy bảo vệ mũi vốn có, gây tổn thương niêm mạc mũi, khiến mũi dễ viêm hơn.

Không xịt nước muối quá mạnh tay, không nên sử dụng xi lanh để rửa mũi vì có thể gây áp lực lớn lên niêm mạc mũi. Hiện nay trên thị trường có bán sẵn dụng cụ rửa mũi với đầu ống được thế kế tròn, mềm an toàn cho bé. Trong trường hợp vẫn phải sử dụng xi lanh, mẹ nên quấn 1 miếng gạc vào đầu xi lanh để đảm bảo an toàn cho con.

Với những lần rửa mũi đầu, trẻ có thể không hợp tác nên giãy giụa rất nhiều, mẹ không nên mất bình tĩnh và cố gắng làm đúng theo hướng dẫn để tránh việc bé bị sặc hay xước mũi.

Nên rửa mũi khi bé trước khi ăn và lúc bé còn đang thức. Không lạm dụng xịt quá nhiều lần (chỉ nên rửa 2 – 5 lần/ngày), nhất là khi bé có dấu hiệu viêm mũi vì sẽ khiến mũi con khô hơn, rát vì niêm mạc mũi tổn thương và mất đi độ ẩm.

Bên cạnh đó, khi lấy nước vệ sinh mũi cho con, cha mẹ cần đặc biệt chú ý cẩn thận tránh nhầm lẫn tai hại. Nếu không may nhầm lẫn, gia đình cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất, không nên tự ý xử trí tại nhà vì nếu xử lý không đúng cách sẽ khiến hóa chất ngấm vào cơ thể nhanh hơn hoặc gây những biến chứng nguy hiểm.

Phạm Hậu (th)

Nguồn: giadinh.net.vn

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận