Huyệt Chí Âm

HUYỆT: Chí Âm

HÌNH ẢNH

TÊN HUYỆT

• Chí = cuối cùng, tột đỉnh.

• Âm = đường kinh âm.

• Đường kinh túc Thái dương Bàng Quang nối với Túc Thiếu âm Thận, huyệt Chí Âm là huyệt cuối cùng của kinh Bàng Quang, vì vậy gọi là Chí Âm (Trung Y Cương Mục).

TÊN KHÁC

Chỉ Tỉnh, Ngoại Chí Âm.

XUẤT XỨ

Thiên ‘Bản Du’ (Linh Khu 2).

VỊ TRÍ

Ở bờ ngoài ngón út, cách góc chân móng 0,2 thốn, trên đường tiếp giáp da gan chân – mu chân.

ĐẶC TÍNH

• Huyệt thứ 67 của kinh Bàng quang.

• Huyệt Tỉnh, thuộc hành Kim.

• Huyệt Bổ của kinh Bàng Quang.

TÁC DỤNG

Sơ phong ở đỉnh sọ, tuyên khí cơ hạ tiêu, hạ điều thai sản.

CHỦ TRỊ

Trị ngón chân thứ 5 đau, đầu đau, nghẹt mũi, mũi chảy máu, thai bị lệch (cứu).

CHÂM CỨU

Châm xiên lên trên sâu 0,1 – 0,2 thốn, hoặc châm nặn ra ít máu. Cứu 3 – 5 tráng. Ôn cứu 5 – 10 phút.

GIẢI PHẪU

• Dưới da là xương đốt 3 ngón chân thứ 5.

• Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh S1.

PHỐI HỢP HUYỆT

1.Phối Khúc Tuyền (C 8) + Trung Cực (Nh 3) trị tinh thoát (Tư Sinh Kinh).

2.Phối Bá Hội (Đc 20) + Lạc Khước (Bq 8) + Mục Song (Đ 16) + Thân Mạch (Bq 62) trị não hôn, mắt đỏ, chóng mặt (Châm cứu Đại Thành).

3.Phối Dương Phụ (Đ 38) + Hoàn Khiêu (Đ 30) + Thái Bạch (Ty 3) trị thắt lưng đau, hông sườn đau (Châm cứu Đại Thành).

4.Phối Cách Du (Bq 17) + Tam Âm Giao (Ty 6) + Thái Xung (C 3) + Trung Phong (C 5) trị mộng tinh, di tinh (Châm cứu Đại Thành).

5.Phối Ốc Ế (Vi 15) trị mụn nhọt đau nhức (Bách Chứng Phú).

6.Phối Lãi Câu (C 5) + Lậu Cốc (Ty 7) + Thừa Phò (Bq 36) + Trung Cực (Nh 3) trị tiểu tiện không thông, thất tinh (Bị Cấp Cứu Pháp).

7.Phối Thái Dương + Liệt Khuyết (P 7) trị nửa đầu đau (Châm cứu Học Thượng Hải).

8.Phối Phong Trì (Đ 20) + Thái Dương trị đỉnh đầu đau, cứng gáy (Châm cứu Học Thượng Hải).

THAM KHẢO

• “Chứng khóc nghẹn là do Âm khí thịnh mà Dương khí hư, Âm khí nhanh mà Dương khí chậm, Âm khí thịnh mà Dương khí tuyệt nên châm bổ kinh Túc Thái Dương (Chí Âm) và tả Túc Thiếu Âm” (Linh Khu 28, 11).

• “Thân thể hơi đau, châm huyệt Chí Âm” (Tố Vấn 36,31).

• “Tà khí nhập ở Lạc Túc Thái Dương, khiến nửa bên đầu cổ đều đau, châm huyệt tại chân góc móng ngón út (huyệt Chí Âm), nếu bệnh bên phải thì châm bên trái, và ngược lại” (Tố Vấn 63,11).

• “Huyệt Chí Âm chủ về chảy nước mũi trong, thắt lưng đau, hông sườn đau” (Thiên Kim Phương).

• “Các chứng thuộc về mặt, mắt: thủ huyệt Chí Âm” (Trửu Hậu Phương).

• “Sinh ngược, tay ra trước: cứu đầu ngón chân út bên phải 3 tráng liền sinh ngay” (Châm cứu Đại Thành).

• “Kinh Bàng quang bị hư, bổ huyệt Chí Âm” (Châm cứu Đại Thành).

• “Thai tử khom không xuống được: dùng kim tam lăng châm huyệt Chí Âm ra máu; trường hợp thai ngang sẽ chuyển ngay lại” (Loại Kinh Đồ Dực).

• “Huyệt Chí Âm và Túc Tam Lý có tác dụng thúc bào thai” (Tạp Bệnh Huyệt Pháp Ca).

• “Ông Lưu Hà Gian cho rằng châm cứu trị mụn nhọt phải phân vị trí kinh lạc, khí huyết nhiều hoặc ít, du huyệt ở gần hoặc xa. Mụn nhọt ở phát ra từ vùng lưng, nên theo 5 huyệt ở kinh Thái dương, chọn dùng: Chí Âm, Côn Lôn, Thông Cốc, Thúc Cốt, Ủy Trung” (Ngoại Khoa Lý Lệ).

• “Chí Âm phối với Tam Âm Giao (Ty 6). Chí Âm là Tỉnh huyệt của kinh túc Thái Dương Bàng Quang. Tỉnh huyệt là nơi khí đi ra như giòng nước từ nguồn chảy ra. Bàng Quang và Thận có quan hệ Biểu Lý, nay châm ở huyệt Chí Âm là để điều khí ở hạ tiêu, trục ứ khí ra rồi sinh khí mới. Tam Âm Giao là huyệt giao hội của 3 kinh âm ở chân, cũng là nơi then chốt của 3 kinh âm. Phối Chí Âm với Tam Âm Giao có thể có tác dụng lý khí, điều huyết, tuyên thông hạ tiêu, ích âm khí để âm khí đi xuống. Phó Thanh Chủ viết: Sinh khó là do huyết hư hoặc Sinh khó là do khínghịch. Khí nghịch mà không được điều lý, huyết hư mà không được bổ ích thì thai dĩ nhiên sẽ bị trụy” (Phối huyệt Khái Luận Giảng Nghĩa).

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận