Cây Hà thủ ô | Vị thuốc đông y

HÀ THỦ Ô

HÌNH ẢNH, TÁC DỤNG, VỊ THUỐC NAM, ĐÔNG Y, BÀI THUỐC DÂN GIAN CHỮA BỆNH, THUỐC BẮC

Tên khoa học:

Hà thủ ô đỏ: Fallopia multiflora(Thunb) Haraldson. Họ: Rau răm (Polygonaceae).

Hà thủ ô trắng: Streptocaulon juventas(Lour.) Merr. Họ: Thiên lý (Asclepiadaceae).

Tên khác: Hà thủ ô đỏ: Dạ giao đằng, Má ỏn, Mằn năng ón(Tày)

Hà thủ ô trắng: Củ vú bò, Dây sữa bò, Cây sừng bò, Dây mốc, Khâu nước, Khau cần cà(Tày).

Cách trồng: Hà thủ ô là loại dây leo, mọc hoang ở các vùng đồi núi.

Trồng bằng thân dây hoặc củ. Đất trồng sau khi cày, bừa kỷ thì vun thành luống rộng 0,5-0,6 m, cao 30cm, rạch hàng hoặc đào hốc, bón lót bằng phân chuồng hoai, lân, kali theo tỷ lệ: 10 chuồng/ 0,2 lân/ 0,1 kali trộn với đất.

Nếu trồng bằng thân dây thì chọn loại dây bánh tẻ, cắt thành đoạn 30cm-40cm (bỏ phần ngọn còn non) trồng vào rãnh sâu 10cm, dây nọ nối đầu dây kia. Lấp đất một nửa đoạn phần gốc. Nếu trồng hốc thì đào hốc sâu 10cm, hốc nọ cách hốc kia 30cm.Vòng đoạn dây phía gốc lại, đặt xuống hốc, lấp đất, chừa phần ngọn khoảng 15cm và phủ lên luống một lớp rơm mục, nhưng để chừa ngọn dây.Trồng xong tưới nước ngay.

Trồng củ: Chọn củ có đường kính 2-4cm đem trồng vào hốc. Sau khi trồng cần tưới nước thường xuyên cho đủ độ ẩm. Cây mọc lên thì làm giàn cho dây leo. Sau đó cho bón thúc, phòng trị sâu bệnh. Sau 2-3 năm thì thu hoạch .

Bộ phận dùng và cách bào chế: Dùng rễ củ, lá.

Rễ củ đào về vào mùa thu, rửa sạch, cắt bỏ rễ con. Củ nhỏ để nguyên, củ to bổ đôi hoặc bổ tư, phơi hoặc sấy khô. Nên đồ chín rồi phơi thì tốt hơn.

Người ta còn bào chế theo phương pháp truyền thống như sau: Rễ củ sau khi rửa sạch, ngâm nước vo gạo 24 giờ, rửa lại một lần nữa. Cho củ vào nồi, cứ 1 kg dược liệu thì cho thêm 100g đỗ đen nấu với 2 lít nước. Khi nước gần cạn, lấy ra, bỏ lỏi, đem phơi. Nếu còn nước đỗ đen thì tẩm vào củ phơi tiếp cho khô se. Cứ làm như thế cho đủ 9 lần( Cửu chưng, cửu sái), sau đó thái lát hoặc bào thành phiến mỏng, phơi khô.

Công dụng và liều dùng:

Hà thủ ô sống: Giải độc, nhuận tràng, thông tiện.

Hà thủ ô chế: Bổ gan, thận, bổ khí huyết.

Liều dùng: Rễ củ 10-30g, Lá dùng tươi, liều 15-30g/ngày.

Bài thuốc ứng dụng:

Bài 1: Chữa cơ thể suy nhược, già trước tuổi, tóc bạc sớm:

Hà thủ ô chế 16g, Sinh địa(rửa rượu) 30g. Sắc uống thay nước uống hàng ngày. Mỗi đợt uống 2-3 tháng.

Lưu ý: Không ăn tiết canh, hành, tỏi, củ cải trong thời gian uống thuốc.

Bài 2: Chữa các chứng đau lưng, mỏi gối, liệt dương, di tinh, đại tiện táo bón, tiểu vàng, người mệt mỏi, ho lâu ngày do thận âm hư:

Hà thủ ô chế 20g đun kỹ lấy 20ml nước, Đào nhân sao vàng 10g, Vừng đen sao chín 25g.Thêm mật ong vừa đủ sao cô đặc lại uống hàng ngày.

Bài 3: Chữa mỡ trong máu tăng cao:

Hà thủ ô chế 10g, Sơn tra 10g, Trạch tả 10g, Thảo quyết minh 10g. Sắc uống hàng ngày.

Bài 4: Chữa chứng mẩn ngứa ngoài da:

Hà thủ ô sống 50-150g sắc nước bôi. Nếu tắm thì dùng liều cao hơn.

Bài 5: Chữa xơ cứng mạch máu ở người già, tăng huyết áp, nam giới chậm có con:

Hà thủ ô đỏ 20g, Tang ký sinh 16g, Câu kỷ tử 16g, Ngưu tất 16g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 6: Chữa đái rắt, buốt, ra máu:

Lá hà thủ ô đỏ tươi 30g, giã vắt lấy nước hòa với mật uống.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận