Cây Cẩu tích | Vị thuốc đông y

CẨU TÍCH, LÔNG CU LI, CÂY LÔNG KHỈ

HÌNH ẢNH, TÁC DỤNG, VỊ THUỐC NAM, ĐÔNG Y, BÀI THUỐC DÂN GIAN CHỮA BỆNH, THUỐC BẮC

Tên khoa học: Cibotium barometz J. Sm. Họ: Kim mao (Dicksoniaceae).

Tên khác: Cây lông khỉ, Lông cu li, Cù liền, Cù lần, Kim mao, Cút báng(Tày), Co cút pá(Thái), nhài cù viằng(Dao).

Cách trồng: Sinh sản bằng bào tử, phát triển chậm( từ khi mọc cho đến lúc thu hái làm thuốc > 10 năm). Cây phân bố khắp nơi trong rừng, nên thu hái từ thiên nhiên là chính. Tuy nhiên, do nạn phá rừng, do khai thác ồ ạt, nên trữ lượng bị giảm sút nhiều. Hiện nay, cây này được xếp vào danh sách đỏ cây thuốc Việt nam cần được bảo vệ.

Bộ phận dùng và cách bào chế: Thân rễ, lông.

Lông: Lấy thân rễ rửa sạch, để khô, cạo lấy lông dùng, gọi là lông cu li hoặc kim mao.

Thân, rễ: Thu hái tốt nhất là vào mùa hạ hoặc mùa thu. Nếu không lấy lông, thì đốt hoặc rang thân rễ cho cháy hết lông, rồi ngâm nước, rửa sạch, đồ cho mềm, thái mỏng, phơi, sấy khô.

Tác dụng và liều dùng: Bổ can, thận, mạnh gân, xương, trừ phong thấp. Dùng để chữa các chứng bệnh như: Đau lưng, đau thần kinh tọa, người già đi tiểu nhiều lần, phụ nữ bị khí hư, bạch đới, chữa chứng phong thấp, chân tay đau nhức.

Liều dùng: 10-20g/ngày, dạng thuốc sắc.

Bài thuốc ứng dụng:

Bài 1: Chữa đau lưng, mỏi gối do thận hư yếu:

Cẩu tích 20g, Rễ gối hạc 12g, Củ mài 20g, Rễ cỏ xước 12g, Bổ cốt toái 16g, Dây đau xương 12g, Thỏ ty tử 12g, Tỳ giải 16g, Nam đỗ trọng 20g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 2: Chữa khí hư, bạch đới ở phụ nữ:

Cẩu tích (cạo lông, tẩm nước muối sao )70g, Nam hoàng cầm( tẩm rượu, sao vàng) 16g, Bạch đồng nữ(sao cháy) 40g, Hà thủ ô( chế ) 16g, Nam bạch chỉ 16g. Sắc uống ngày 1 thang. Uống liên tục 5-15 thang.

Bài 3: Cầm máu ngoài da: Lông cẩu tích khô tẩm cồn 900, đắp vào vết thương rồi băng lại.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận