Cây Cà gai leo | Vị thuốc đông y

CÀ GAI LEO

 

HÌNH ẢNH, TÁC DỤNG, VỊ THUỐC NAM, ĐÔNG Y, BÀI THUỐC DÂN GIAN CHỮA BỆNH, THUỐC BẮC

Tên khoa học: Solanum procumbens Lour.Họ: Cà (Solanaceae).

Tên khác: Cà gai dây, Cà vạnh, Cà quýnh, Cà lù, Gai cườm, Chè nam(Tày), B rongoon(Ba Na).

Cách trồng: Nhân giống bằng hạt, giâm cành hoặc bằng công nghệ sinh học.

Gieo bằng hạt: Gieo vào vườn ươm trong tháng 2-3. Khi cây cao 10-12cm thì bứng đi trồng. Hạt có thể gieo thẳng xuống hốc đã chuẩn bị sẵn. Mỗi hốc gieo 3-4 hạt. Khi cây mọc cao 7-10cm thì nhổ bớt cây con, chỉ để lại cây khỏe nhất.

Giâm bằng cành: Chọn những cành bánh tẻ, cắt thành đoạn 12-15cm, giâm vào bầu trong tháng 2-3. Tưới nước đủ ẩm cho đến khi cây ra rễ, phát triển lá thì bứng đi trồng.

Đất trồng cà gai leo là đất nhiều mùn, thoát nước. Cần cày, bừa kỹ, để ải, bón lót 10-15 tấn phân chuồng hoai mục, 100-150 kg phân lân, 59-75 kg kali cho mỗi hecta. Làm luống cao 25-30cm, rộng 70-80cm, trồng cây cách nhau 50cm. Sau khi trồng, cần tưới đủ ẩm. Mỗi tháng làm cỏ, vun xới quanh gốc 1 lần, kết hợp bón thúc bằng nước phân chuồng, nước tiểu pha loãng hoặc phân đạm pha loãng 2%.

Bộ phận dùng và cách bào chế: Dùng rễ, cành, lá, hạt. Thu hái về, rửa sạch, thái nhỏ, có thể dùng tươi hoặc phơi, sấy khô.

Tác dụng và liều dùng: Trừ phong thấp, tiêu độc, trị ho, giảm đau. Dùng để chữa các bệnh: Đau nhức xương khớp do phong thấp, ho, ho gà, dị ứng, rắn độc cắn.

Liều dùng: 16-20g/ngày dạng thuốc sắc.

Bài thuốc ứng dụng:

Bài 1: Chữa phong thấp gây sưng đau xương, khớp:

Rễ cà gai leo, Rễ xấu hổ, Thổ phục linh, Rễ cỏ xước, Kê huyết đằng, Rễ cỏ tranh, mỗi vị 16g, sắc uống ngày 1 thang.

Hoặc dùng bài sau(Thừa kế LY Trần Văn Phúc-P5, TP Tuy Hòa): Cà gai leo 20g, Mắc cở 16g, Vòi voi 16g, Râu mèo 20g, sắc uống ngày 1 thang.

Bài 2: Chữa tê thấp làm 2 bàn chân tê buốt, sợ nước, sợ lạnh, khớp xương đau nhức:

Rễ cà gai leo, Rễ lá lốt, Quýt rừng, Rễ gấc, Rễ xuyên tiêu, Cốt khí củ, mỗi vị 20-30g, sắc uống.

Bài 3: Chữa sưng chân răng:

Hạt cà gai leo 4g, tán nhỏ, cho vào nồi đồng với một ít sáp ong, đốt tạo khói xông chân răng.

Bài 4: Chữa rắn cắn:

Khi mới bị rắn cắn, lấy 30-50g rễ cà gai leo tươi, rửa sạch, giã nhỏ, hòa với 200ml nước đun sôi để nguội, chắt nước cho bệnh nhân uống ngay. Ngày uống 2 lần. Ngày hôm sau, sắc 10-30g rễ cà gai leo khô đã sao vàng cho uống, cũng ngày 2 lần. Uống liên tục 3-5 ngày sẽ khỏi.

Bài 5: Chữa ho, ho gà:

Rễ cà gai leo 10g, Lá chanh 30g. Sắc chia 2 lần uống trong ngày.

Bài 6: Chữa cảm cúm:

Dây cà gai 160g, Tía tô 80g, Thanh cao 80g, Kim ngân hoa 100g. Tất cả rửa sạch, sấy khô, tán thành bột mịn. Khi dùng, hãm với nước sôi, gạn lấy nước uống, mỗi ngày 2 lần. Người lớn, mỗi lần 16-20g, trẻ em từ 5-10 tuổi, mỗi lần 8-10g, trên 10 tuổi, liều 12-15g.