Cách bổ sung vitamin D cho trẻ

Vợ tôi vừa sinh em bé đầu lòng được 2 tuần. Bé chỉ nặng 2,3kg. Mong chuyên mục tư vấn cháu sinh nhẹ cân có cần phải bổ sung vitamin D không? Cách bổ sung như thế nào?

Trần Lâm (Hải Dương)

Em bé nhà bạn chào đời chỉ 2,3kg nên có nhiều nguy cơ bị thiếu vitamin D. Vì vậy, ngay từ bây giờ, bạn nên cho bé uống vitamin D với liều 400 đơn vị/ngày, uống liên tục trong năm đầu. Trẻ bị còi xương do thiếu vitamin D thường thiếu cả canxi cần cho trẻ uống thêm cả canxi. Tuy nhiên, vì uống không đúng liều canxi có thể gây ngộ độc vitamin D nên liều lượng và thời gian bạn nên theo chỉ định của bác sĩ. Trong một số trường hợp uống quá liều và kéo dài sẽ làm tăng canxi máu và vôi hóa mạch máu gây sỏi thận. Với các thực phẩm chức năng có bổ sung canxi theo hàm lượng hàng ngày thì không cần dùng theo đơn của bác sĩ nhưng liều dùng cần theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Ngoài ra, trong chế độ ăn, bà xã bạn nên ăn các loại thực phẩm có nhiều canxi và vitamin D như cá, cua, trứng, gan, sữa… và bé cần được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Khi bé ăn dặm cần bổ sung thường xuyên ăn cua, cá, trứng, sữa, gan, pho mai, các loại rau xanh. Chú ý bữa ăn luôn có dầu ăn hoặc mỡ để tăng hấp thu vitamin D. Trẻ luôn được sống trong môi trường trong sạch, thoáng mát, có nhiều ánh sáng. Ngay từ tháng đầu sau đẻ, cả hai mẹ con cần được tắm nắng (chỉ cần để hở hai cẳng chân cho da của trẻ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời) thời gian tăng dần 5 – 20 phút.

Bạn cũng lưu ý theo dõi bé. Nếu bé còi xương thường có biểu hiện hay quấy khóc, nôn trớ, ngủ không yên giấc, ra mồ hôi trộm, rụng tóc phía sau đầu (vành khăn). Nếu không điều trị, sau vài ba tuần dần dần sẽ xuất hiện các triệu chứng ở xương. Tùy theo từng lứa tuổi mà biến đổi ở xương khác nhau:

– Ở trẻ nhỏ có thể sờ thấy xương sọ mềm, do tư thế nằm đầu dễ bị méo mó, đầu bẹt phía sau hoặc một bên. Thóp rộng chậm liền, bờ thóp mềm, đầu to có bướu, răng mọc chậm, men răng xấu.

– Ở trẻ lớn hơn thường có biến đổi xương lồng ngực, có chuỗi hạt sườn. Các xương chi xuất hiện vòng cổ tay, cổ chân. Các cơ nhẽo làm cho trẻ chậm biết lẫy, bò, ngồi, đứng, đi. Nếu không điều trị kịp thời sẽ để lại di chứng như: Lồng ngực biến dạng, ngực nhô ra phía trước như ngực gà, gù, vẹo cột sống, chân tay cong, chân vòng kiềng, chân chữ bát, khung chậu hẹp.

– Các biến chứng của xương làm giảm chiều cao, hạn chế chức năng hô hấp, thay đổi dáng đi và ảnh hưởng xấu đến sinh đẻ ở trẻ gái. Ngoài ra trẻ còn bị xanh xao, thiếu máu và hay bị viêm phổi tái đi tái lại.

Chuyên gia tư vấn Kim Mai

Nguồn: giadinh.net.vn

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận