[Phương thang] Các loại bài thuốc đông y và cách dùng

Loại thường dùng

Thuốc đông y thường dùng gồm 5 loại: Thang, hoàn, tán, cao, đan. 4 loại nói sau là thuốc chế sẵn thường gọi là cao đan hoàn tán, có loại mang tên là hoàn tán nhưng thực tế ứng dụng như thuốc thang.

Thuốc thang

Đem vị thuốc đun với nước thành thuốc nước (có lúc cho vào ít rượu) bỏ bã đi, uống nóng gọi là thuốc thang. Vị thuốc đông y phần lớn là thực vật, cho nước vào đun sôi, chất thuốc thôi ra trong nước, sau khi uống hấp thu vào người tác dụng của nó tương đối mạnh mà dễ xử lý linh hoạt, thích ứng với các loại bệnh, là một loại thông dụng nhất trong các loại. Với chứng bệnh phức tạp biến chứng nhiều, dùng thuốc thang là hợp nhất. Khuyết điểm lớn nhất của nó là đun sắc không tiện và trẻ con không thích uống.

Thuốc viên (hoàn)

Đem vị thuốc tán nhỏ ra, rồi dùng mật hoặc hồ ngào với bột thuốc viên lạii gọi là thuốc viên (hoàn). Khi dùng thuận tiện nhưng vì trong thuốc có cả bã nên hấp thu chậm, thường dùng chữa bệnh thư hoãn. Nhưng có vài vị thuốc dược tính mãnh liệt mà muốn được hấp thu từ từ nên chế thành hoàn như bài Thập táo hoàn, Để dương hoàn, những vị thuốc có hương thơm như Xạ hương, Băng phiến không tiện đun sắc, thường dùng chữa bệnh cấp tính nên phải chế sẵn thành hoàn để khi cần đến có thuốc dùng ngay (như thuốc khai khiếu). Khuyết điểm của thuốc hoàn là tinh chất của vị thuốc không được luyện trước, trong thuốc có bã, uống liều lượng ít hiệu quả không cao (trừ thuốc khai khiếu) mà uống nhiều thì trở ngại tiêu hóa, thường vì hấp thu chậm mà hiệu quả điều trị kém, đồng thời do bảo quản khó, để lâu quá dễ biến chất mất tác dụng.

Thuốc tán

Đem vị thuốc tán thật nhỏ gọi là thuốc tán. Thuốc tán có 2 loại uống trong và dùng ngoài. Thuốc tán uống trong có thể tiêu với nước nóng hoặc đun sắc lên uống như thuốc thang. Tác dụng của nó gần như thuốc thang, khuyết điểm là khi dùng không tiện, còn khó bảo quản hơn thuốc hoàn, thuốc tán dùng ngoài là đem vị thuốc tán thật nhỏ xoa hoặc đắp lên chỗ đau, phần nhiều dùng chữa bệnh ngoại khoa, thương khoa, hầu khoa, nhãn khoa.

Thuốc cao

Đem vị thuốc đun với nước sắc lấy nước đặc xong, cô lại thành cao gọi là thuốc cao, chia làm 2 loại uống trong và dùng ngoài. Cao uống trong thì đun sắc thuốc xong bỏ bã, cho đường cục hoặc mật ong vào cô đặc thành cao, lúc dùng uống với nước chín. Ưu điểm của nó là tận dụng được hết tinh chất của thuốc, đã cô thành cao mùi vị thơm dễ uống, chữa bệnh mạn tính, trị bổ, điều lý là thích hợp, khuyết điểm là không để lâu được, phần nhiều dùng trong mùa đông. Thuốc cao dùng ngoài có thuốc cao và dầu cao.

Thuốc đan

Thuốc đan là thuốc hoàn hoặc tán qua tinh chế nhào luyện nhiều lần như Thăng đan, Hắc tích đan, Hồng linh đan v.v… có thuốc muốn chứng tỏ linh nghiệm nên gọi là đan như Thần tê đan, Cam lộ tiêu độc đan. Thuốc đan có tán, hoàn, khoai (cục), có thể uống trong hoặc dùng ngoài. Ngoài ra còn có đan tửu đan lộ v.v…

Cách sắc thuốc

Dụng cụ sắc thuốc

Tốt nhất dùng nồi đất thì không bị ảnh hưởng phản ứng hóa học.

Lượng nước đun sắc

Tùy theo lượng thuốc nhiều ít mà định, lần đầu chừng 2 bát ăn cơm (ước 1000 gam) lần thứ hai một bát. Theo lượng thuốc nhiều ít, thể tích lớn nhỏ (như Hạ khô thảo, Cúc hoa thể tích lớn dùng nhiều nước), mức độ hút nước của vị thuốc (như Phục linh, hoài sơn hút nhiều nước) mà thêm bớt.

Điều cần chú ý khi sắc thuốc

Trước khi đun sắc phải cho vị thuốc ngâm vào nước lạnh một lúc cho ngấm mềm thuốc, để tinh chất của thuốc dễ thôi ra.

Thuốc có vị thơm phát tán, đun 3-5 lần sôi là được. Trong bài thuốc có một hai vị như vậy có thể đun sau hoặc uống thẳng.

Thuốc bổ ích nên đun châm lửa nhỏ.

Loại khoáng thạch, có vỏ nên đập nhỏ trước khi đun.

Những vị thuốc sau khi đun nóng dễ biến chất như Câu đằng, Đại hoàng v.v…, cần đun sau, sôi 3-5 lần là được.

Thuốc có dược tính độc như Phụ tử, Ô dầu, Thảo ô thì phải đun trước chừng một tiếng đồng hồ sau đó mới cho vị khác vào.

Thuốc quý hiếm cần sắc riêng, sắc xong mới hòa vào nước thuốc, loại quý hiếm mà khó đun như Tê giác, Linh dương giác nên đun riêng hoặc mài ra nước rồi uống thẳng.

Loại thuốc keo như Đường phèn, Mật ong, Agiao thì thắng chảy theo cách riêng sau đó hòa với nước thuốc đã sắc xong đem uống. Mang tiêu cũng nên uống thẳng.

Thuốc thảo mộc còn tươi, lúc cần có thể giã lấy nước uống thẳng.

Loại thuốc là nhân quả như Táo nhân, Bá tử nhân, Hạnh nhân, Đào nhân cần đập vỡ vỏ lấy nhânrồi mới đun sắc.

Loại thuốc dạng bột cần bọc vải mà đun, loại thuốc hạt nhỏ như Xa tiền tử, Tô tử, Đình lịch tử, loại thuốc có lông nhỏ như Tuyền phúc hoa, Tỳ bà diệp có thể kích thích cổ họng cần bọc vải đun, nếu không bọc lại thì khi uống phải lọc cặn.

Vị thuốc có thể tích lớn như Ti qua lạc, Công lao diệp, Thanh quất diệp có thể đun trước bỏ bã xong lấy nước sắc với các vị khác; vị thuốc đất cát như Táo tâm thổ cũng có thể đun trước lọc sạch rồi dùng sắc các vị thuốc khác.

Cách dùng thuốc

Theo tập quán với thuốc thang, mỗi ngày dùng một thang sắc 1 lần hòa lẫn rồi uống. Bệnh gấp, bệnh nặng nhất là bệnh ngoại cảm sốt nặng uống như vậy là không hợp lý. Cần phải thay đổi tập quán, mỗi ngày dùng 2-3 thang, mỗi thang sắc 2 lần hòa lẫn uống làm 2 lần (cách nhau 3-4 giờ) uống sau khi ăn cơm 2-3 giờ là thích hợp, khi bệnh gấp thì không câu nệ thời gian, thuốc thang nên uống nóng, thuốc phát biểu (phát hãn càng cần nóng hơn để ra mồ hôi). Nhưng khi sốt cao, miệng khát, thích mát thì có thể uống nguội, chữa bệnh tính hàn uống thuốc khử hàn mà người bệnh lại buồn bực, sợ nhiệt thuộc chứng chân hàn giả nhiệt thì có thể uống nguội. Người bệnh hay nôn ọe khi uống thuốc nên chia ra nhiều lần để khỏi nôn ra (trẻ em cũng nên chia thành nhiều lần uống). Thuốc hoàn thuốc cao dùng để điều bổ thường uống vào lúc sáng sớm chưa ăn gì hoặc uống trước khi đi ngủ.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận