5 món ăn hỗ trợ điều trị viêm mũi, viêm xoang

Viêm mũi, xoang là bệnh lý phổ biến và dai dẳng, gây nhiều khó chịu cho người bệnh. Bên cạnh việc điều trị đúng cách, những món ăn phù hợp cũng giúp giảm các triệu chứng và hỗ trợ ngăn ngừa bệnh tái phát.

Viêm mũi, viêm xoang là bệnh lý thường gặp ở Việt Nam, chiếm khoảng 25 – 30% tổng số các ca bệnh tai mũi họng và có xu hướng ngày càng gia tăng. Bệnh thường khởi phát dưới ảnh hưởng của thời tiết, nhiệt độ, độ ẩm, sự mẫn cảm của cơ địa, vấn đề vệ sinh cá nhân hoặc do chế độ ăn uống không hợp lý. Bệnh thường diễn biến dai dẳng, khó chữa dứt điểm và có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm.

Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc đúng cách, chế độ dinh dưỡng cũng có ảnh hưởng trực tiếp, giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể để chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn, tránh viêm nhiễm và giảm các triệu chứng khó chịu như đau đầu, nghẹt mũi…

Sau đây là những món ăn hỗ trợ điều trị viêm mũi, viêm xoang hiệu quả.

Cháo thịt bò

Nguyên liệu: Thịt bò 100 g, tỏi tươi 60 g, gạo tẻ 60g, rau thơm và gia vị vừa đủ.

Cách làm: Thịt bò rửa sạch, thái miếng, tỏi bóc vỏ, đập giập, rau thơm thái nhỏ. Gạo tẻ vo sạch, ninh thành cháo, khi chín cho thịt bò và tỏi vào đun sôi, thêm rau thơm và gia vị, ăn nóng trong ngày.

Công dụng: Tỏi có vị cay ngọt, tính ấm, chứa chất acillin là một loại kháng sinh tự nhiên có tác dụng kháng viêm, diệt khuẩn hiệu quả. Do đó đây là món ăn có tác dụng khu phong, trừ hàn, thông mũi, rất tốt cho người bị viêm mũi, xoang thuộc thể hàn thấp.

Cháo gạo lứt đậu đỏ

Nguyên liệu: gạo lứt 80g, đậu đỏ 50g, ngô (bắp) 50g.

Cách làm: vo gạo và làm sạch các nguyên liệu, nấu thành cháo nhừ. Mỗi ngày ăn 1 lần khi đói.

Công dụng: Món cháo này thơm ngon, dễ ăn, giúp kích thích tiêu hóa và lợi thủy trừ thấp, hạ huyết áp, giải độc, giảm đờm, rất thích hợp với người đang điều trị viêm mũi, xoang và bệnh cao huyết áp.

Bồ câu hầm thuốc Bắc

Nguyên liệu: Chim bồ câu 1 con, hoàng kỳ 60g, tân di 9g, bạch truật 9g, đại táo 12g, gừng tươi và gia vị vừa đủ

Cách làm: Chim bồ câu làm thịt, bỏ ruột, chặt miếng; tân di gói trong túi vải; đại táo bỏ hạt; các vị còn lại rửa sạch, thái phiến. Cho tất cả nguyên liệu vào nồi hầm kỹ, thêm gia vị, ăn nóng trong ngày.

Công dụng: Món ăn sử dụng các vị thuốc Đông y giúp bổ khí, trừ hàn, làm thông thoáng lỗ mũi, rất tốt cho người bị viêm mũi, viêm xoang có thể chất hư nhược, phong tà xâm nhập.

Canh tôm và củ cải trắng

Nguyên liệu: Củ cải trắng 150g, đậu hũ 100g, tôm 100g, giá đỗ 50g, gừng, hành tỏi, dầu ăn, gia vị vừa đủ.

Cách làm: Củ cải trắng rửa sạch, cắt miếng vừa ăn. Tôm rửa sạch, sơ chế. Giá đỗ rửa sạch, đậu phụ cắt miếng vuông; gừng và hành tỏi bỏ vỏ, cắt nhỏ. Phi thơm hành tỏi gừng, đổ nước vào đun sôi với củ cải trắng. Cho các nguyên liệu còn lại vào nồi, đun lửa nhỏ. Mỗi ngày ăn 1 lần, cả cái lẫn nước.

Công dụng: Món ăn này có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, bổ phế, ích khí, thích hợp với người bị viêm mũi, xoang, suy nhược cơ thể do phế khí suy hư.

Canh mướp nấu thịt

Nguyên liệu: Mướp hương 2 quả, thịt lợn nạc 200g, gừng, hành, gia vị vừa đủ.

Cách làm: Thịt rửa sạch, thái miếng vừa ăn; hành gừng rửa sạch thái nhỏ, mướp gọt vỏ, rửa sạch, thái vuông. Phi hành, gừng cho thơm rồi bỏ thịt vào đảo đều trong 5 phút, cho mướp vào xào thêm 2 phút. Thêm nước, đun sôi canh, nêm gia vị vừa ăn.

Công dụng: Theo Đông y, mướp có tính mát, vị ngọt, tác dụng hoạt huyết, giải độc. Món ăn này vừa bổ dưỡng vừa có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, hoạt huyết, thông kinh lạc, tiêu trừ đờm gió, hạn chế tái phát viêm mũi, xoang hiệu quả.

Các món ăn nói trên đều rất bổ dưỡng và có tác dụng hỗ trợ điều trị viêm mũi, viêm xoang. Tuy nhiên để điều trị dứt điểm và hiệu quả, người bệnh vẫn cần sử dụng đúng thuốc phù hợp với từng giai đoạn bệnh khác nhau. Theo đó:

– Người bệnh viêm mũi, xoang ở giai đoạn cấp tính (đau nhức dữ dội, chảy dịch màu xanh vàng hôi tanh, sốt) có thể sử dụng thuốc kháng sinh, kháng viêm kết hợp với thuốc thảo dược từ 5-7 ngày. Việc sử dụng kết hợp giữa Đông – Tây y giúp nâng cao hiệu quả hiệp đồng điều trị của thuốc, giảm số liều dùng và hạn chế các tác dụng phụ của thuốc Tây. Sau đó, bệnh nhân nên tiếp tục sử dụng thuốc thảo dược từ 7 – 10 ngày để điều trị triệt để, tránh nguy cơ chuyển sang mạn tính.

– Đối với người bị viêm mũi, xoang mạn tính, khi bệnh tái phát cần điều trị thuốc thảo dược 1 đến 2 tháng trước khi có dấu hiệu nhiễm khuẩn nặng. Những người có cơ địa sức đề kháng yếu hoặc dị ứng cũng cần dùng một đợt thuốc thảo dược 2 đến 4 tuần để điều trị từ gốc ở giai đoạn mạn tính.

PV

Nguồn: giadinh.net.vn

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận