[Tiêu hóa] Chế Độ Ăn, Thực Phẩm Dinh Dưỡng Điều Trị Bệnh Viêm Tụy Cấp

1. Nguyên tắc điều trị:

– Phương pháp nuôi dưỡng phụ thuộc độ nặng của viêm tụy cấp.

– Đảm bảo đủ năng lượng để tránh dị hóa đạm.

– Đủ các chất dinh dưỡng cần thiết với tỉ lệ các chất dinh dưỡng phù hợp giai đoạn bệnh.

– Ưu tiên nuôi dưỡng đường tiêu hóa, chỉ nuôi tĩnh mạch khi cần thiết, đặc biệt trong viêm tụy hoại tử, viêm tụy cấp nặng.

2. Nhu cầu dinh dưỡng:

2.1 Năng lượng: 25 – 35 kcal/kg/ngày. Khi nuôi dưỡng tĩnh mạch, năng lượng từ béo, đường không vượt quá 30kcal/kg/ngày..

2.2 Chất đạm (protid): Duy trì mức 1 – 1.5g/kg/ngày, tùy mức độ nặng của bệnh. Dùng đạm chuẩn trong giai đoạn đầu có chỉ định ăn, nếu bệnh nhân không dung nạp được thì mới chuyển sang đạm thủy phân.

2.3 Chất béo (lipid): 0.8-1g/kg/ngày nên sử dụng thêm lipid dạng chuỗi trung bình trong khẩu phần ăn. Nuôi tĩnh mạch 0.8-1.5g/kg/ngày .Chống chỉ định truyền lipid tĩnh mạch nếu có tăng Triglycerid máu > 12mmol/L

2.4 Chất bột đường (glucid):50 -60% tổng năng lượng Khi bắt đầu ăn, glucid là nguồn năng lượng chủ yếu. Bắt đầu sử dụng đường đơn như nước cháo đường, nước quả sau đó dùng các loại tinh bột dưới dạng lỏng, mềm như cháo, súp, sữa, trái cây.

2.5 Chất khoáng, vitamin, nước: theo nhu cầu của người bình thường.

3. Đường nuôi dưỡng:

3.1 Viêm tụy cấp mức độ nhẹ – trung bình:

Viêm tụy cấp nhẹ- trung bình có thể nuôi bằng đường miệng

• Không cần nuôi qua sonde hoặc nuôi tĩnh mạch khi bệnh nhân có thể ăn đường miệng được trong vòng 3-7 ngày và không có tình trạng suy dinh dưỡng.

• Thời điểm cho ăn miệng thường sau 3-7 ngày nhập viện, hết đau bụng, giảm men lipase, amylase.

• Nếu sau 5 ngày bệnh nhân không thể ăn bằng đường miệng do đau hoặc bệnh nhân có suy dinh dưỡng khi nhập viện nên đặt sonde nuôi ăn.

• Chỉ định nuôi dưỡng tĩnh mạch hỗ trợ nếu nuôi tiêu hóa không đủ nhu cầu hoặc không thể nuôi qua đường tiêu hóa do dò tụy phức tạp.

3.2 Viêm tụy cấp nặng:

• Nuôi qua ống thông dạ dày sớm, nuôi qua tĩnh mạch hoặc nuôi phối hợp nếu nuôi dưỡng đường tiêu hóa không đủ nhu cầu.

• Nuôi ăn qua hỗng tràng trong trường hợp không dung nạp với nuôi ăn mũi -dạ dày.

• Viêm tụy cấp hoại tử có chỉ định phẫu thuật, nên mở hỗng tràng qua da nuôi ăn.

4. Tư vấn người bệnh:

4.1 Những điều nên thực hiện:

• Khi bắt đầu tập ăn, nên ăn thức ăn lỏng như nước cháo, nước đường, nước trái cây.

• Tăng lượng thức ăn từ từ.

• Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày (6 bữa ngày).

• Dùng các loại thực phẩm ít béo như gạo, khoai tây, trái cây, sữa tách béo, sữa đặc có đường, sữa chua tách béo, thịt nạc, cá, đậu hủ, lòng trắng trứng.

• Chế biến thức ăn ở dạng mềm.

Có thể bổ sung thêm các loại sữa thủy phân, dùng béo MCT.

4.2 Những điều cần tránh

• Nhằm giảm nguy cơ tái phát viêm tụy cấp cần giảm các thực phẩm: rượu bia, nước có gas, cà phê, thịt đỏ, thức ăn ngọt ,

• Ăn giới hạn các loại chất béo như dầu, bơ, shortening, magarin, kem: khoảng 1 muỗng cà phê/ngày.

5. Tài liệu tham khảo:

5.1Hướng dẫn chế độ ăn bệnh viện. Bộ Y tế 2006. Trang 26 – 27.

5.2 R. Meier, J. Ockengab, M. Pertkiewiczc, A.Papd, N. Milinice, J. MacFie. ESPEN Guidelines on Enteral Nutrition: Pancreas. Clinical Nutrition (2006) 25, 275-284.

5.3 L. Gianotti, R. Meier, D.N. Lobo c, C. Bassi, C.H.C. Dejong e, J. Ockenga f, O. Irtun, J. MacFie. ESPEN Guidelines on Parenteral Nutrition: Pancreas. Clinical Nutrition 28 (2009) 428-435.

5.4 L.Kathleen Mahan, Sylvia Escott – Stump. Krause’ Food, nutrition, and diet therapy 2000. Page 596 – 610.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận