[Tiêu hóa] Bài Giảng Phác Đồ Chẩn Đoán Điều Trị Hôn Mê Gan

HÔN MÊ GAN

BS CKII Lê Kim Sang, BS Trần Minh Đông Khoa Nội Tiêu hóa

1. ĐỊNH NGHĨA HÔN MÊ GAN:

– Hôn mê gan hay bệnh não do gan được định nghĩa là sự bất thường về tâm thần kinh ở những bệnh nhân có bất thường về hoạt động của gan sau khi đã loại trừ các bệnh não đã biết khác.

– Biểu hiện đặc trưng:

+ Thay đổi nhân cách.

+ Sút kém về trí tuệ.

+ Sút giảm sự tỉnh táo.

– Điều kiện tiên quyết gây ra hôn mê gan là thông nối cửa chủ, gặp trong:

+ Xơ gan: Tăng áp lực cửa, thông nối bằng tuần hoàn bàng hệ.

+ Không có xơ gan: Phẫu thuật nối cửa chủ.

– Có 3 loại:

+ Type A: Trong suy gan cấp tính.

+ Type B: Trong chuyển dòng máu từ hệ cửa (Portal – systemic Bypass). Trường hợp này không có bệnh lý từ tế bào gan.

+ Type C: Trong xơ gan và tăng áp lực cửa, hoặc phẫu thuật nối cửa chủ.

2. CHẨN ĐOÁN HÔN MÊ GAN:

2.1. Lâm sàng:

a. Phân loại: Theo West Haven classification system.

Chia ra 5 giai đoạn:

♦ Giai đoạn 0:

+ Không thay đổi về nhân cách và hoạt động.

+ Thay đổi chủa rõ về trí nhớ, độ tập trung và trí thông minh.

♦ Giai đoạn 1:

+ Thay đổi về nhân cách: như tình trạng phởn phơ hoặc ủ rủ hoặc kích thích.

+ Thay đổi rõ về trí nhớ, độ tập trung và trí thông minh: lẫn lộn, đáp ứng y lệnh chậm chạp.

+ Xuất hiện run vẩy.

♦ Giai đoạn 2:

+ Thay đổi về nhân cách: Ngủ gà.

+ Thay đổi rõ hơn về trí nhớ, độ tập trung và trí thông minh: mất định hướng thời gian, chậm chạp.

+ Triệu chứng run vẩy rõ ràng.

♦ Giai đoạn 3:

+ Thay đổi vể nhân cách: Gọi tỉnh, ngủ lại ngay.

+ Thay đổi rõ ràng về trí nhớ, độ tập trung và trí thông minh: mất định hướng cả về thời gian và không gian. Không làm theo y lệnh.

♦ Giai đoạn 4: Hôn mê.

b. Dấu hiệu bệnh thúc đẩy:

– Mất nước, giảm thể tích tuần hoàn:

+ Xuất huyết tiêu hóa.

+ Tiêu chảy, ói mửa, lợi tiểu.

+ Hút dịch lượng lớn.

– Thuốc men:

+ Lợi tiểu mất nhiều kali.

+ Thuốc an thần.

+ Thuốc chống trầm cảm.

– Tăng sản xuất hoặc hấp thu amoniac, hoặc gia tăng đi vào trong não:

+ Chế độ ăn uống: Quá nhiều đạm, rượu.

+ Chảy máu đường tiêu hóa.

+ Nhiễm trùng.

+ Táo bón.

– Thông nối cửa chủ.

2.2. Cận lâm sàng:

a- Dấu hiệu về gan:

– Xét nghiệm thường qui.

– Hình ảnh gan.

– Bilan gan: SGOT (AST), SGPT (ALT), GGT, Bilirubin, Protide, A/G, Amoniac, Phosphatase kiềm.

b- Dấu hiệu bệnh thúc đẩy: tuỳ theo nghi ngờ yếu tố thúc đẩy gì.

2.3. Chẩn đoán xác định:

– Run vẩy.

– Thực hiện y lệnh không đầy đủ.

– Rối loạn giấc ngủ.

– NH3 tăng.

– Có bệnh gan biết được.

2.4. Chẩn đoán phân biệt:

– Các bệnh não do chuyển hóa: Đái tháo đường (hạ đường huyết, nhiễm ceton acide). Giảm oxy máu.

– Các bệnh não do ngộ độc: Thuốc, rượu.

– Các bệnh lý não do nhiễm trùng thần kinh, chấn thương, đột quỵ.

3. ĐIỀU TRỊ HÔN MÊ GAN:

3.1. Giảm sản xuất và hấp thụ amoniac ở ruột:

– Dinh dưỡng: Tiết chế đạm khoảng lg/kg/ngày. Bổ sung acide amin phân nhánh: Morihepamin 200ml x 2 lần/ngày.

– Thuốc:

+ Lactulose (Duphalac 15ml): Ngày 1 hoặc 2 lần, lần 30ml. Mục đích cho bệnh nhân đi tiêu 2 – 4 lần mỗi ngày để thải NH3 từ ruột.

+ Kháng sinh: Flagyl hoặc Bactrim hoặc Neomycine.

❖ Flagyl 250mg: Uống 2 viên x 2 – 3 lần/ngày.

❖ Neomycine 250mg: Uống 1 viên x 2 – 4 lần/ngày.

❖ Bactrim 480mg: Thụt tháo mỗi 6 giờ. Sau mỗi lần thụt tháo, ta thụt giữ Bactrim như sau, 2 viên Bactrim 480mg pha tan trong 1000ml nước ấm, chia làm 4 lần (mỗi lần 250ml) thụt giữ.

3.2. Tăng thanh thải amoniac:

Có thể dùng L – arginine HCl (Arginine Veyron) dịch truyền hoặc L – aspartate (Hepa – Merz, hoặc Fastopa).

+ Arginine Veyron 500ml (400ml dịch có Arginine Veyron + 100ml dịch có glucose): 500ml x 2 – 3 lần/ngày.

+ Fastopa hoặc Hepa – Merz: 1 ống x 2 lần/ngày tiêm mạch.

3.3. Điều chỉnh các yếu tố thúc đẩy:

Tuỳ theo yếu tố thúc đẩy mà giải quyết thích hợp.

a. Mất nước, giảm thể tích tuần hoàn:

+ Xuất huyết tiêu hóa: Điều trị nguyên nhân chảy máu, nâng đỡ, truyền máu.

+ Tiêu chảy, ói mửa: Bù nước, điện giải. Theo dõi ion đồ.

+ Hút dịch lượng lớn: Bù nước, điện giải. Theo dõi ion đồ.

b. Thuốc men:

+ Lợi tiểu mất nhiều kali: Bù kali, ngừng lợi tiểu + Thuốc an thần: Ngừng thuốc an thần.

+ Thuốc chống trầm cảm: Ngừng thuốc trầm cảm.

c. Tăng sản xuất hoặc hấp thu amoniac, hoặc gia tăng đi vào trong não:

+ Chế độ ăn uống: Quá nhiều đạm, rượu, thì phải loại ra, thực hiện tiết chế.

+ Chảy máu đường tiêu hóa: Thụt tháo, thụt giữ, kháng sinh.

+ Nhiễm trùng: Kháng sinh phù hợp cho từng trường hợp.

+ Táo bón: Duphalac, thụt tháo.

d. Thông nối cửa chủ: Dùng biện pháp tăng thanh thải amoniac.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận