Tháng 6: Đi viện ngay khi sốt cao, đau đầu ngày nóng

Tháng 6, cả người lớn và trẻ em nếu đau đầu, ngây ngấy sốt, sốt cao, khắp người nhức mỏi thì chớ chủ quan vì có thể là dấu hiệu đầu tiên của bệnh gây chết người.

Sốt cao

Nắng nóng từ tháng 6 – 8 khiến rất nhiều người bị sốt cao, đau đầu, nhức đau khắp người, cần nghĩ ngay là sốt virus, siêu vi, sốt dịch. Nguyên nhân gây bệnh là do vi rút sống ký sinh trên đường hô hấp và đường tiêu hóa… xâm nhập vào cơ thể.

Sốt virus khiến bệnh nhân người lớn sốt cao, kèm đau đầu khủng khiếp. Trẻ em đau đầu nhưng vẫn tỉnh táo, không vật vã như người lớn, nhưng do đau nhức toàn thân khiến trẻ quấy khóc.

Người lớn mắc sốt virus sẽ đau đầu khủng khiếp. Ảnh minh họa.

Sốt virus tăng mạnh vào mùa hè, mùa mưa, với các triệu chứng ho, hắt hơi, sổ mũi ngày càng nặng, sốt cao tới 39 – 41 độ C, kèm mệt mỏi. Bệnh không nguy hiểm, nhưng hay bị bội nhiễm nếu không được điều trị dứt điểm. Nếu không chữa trị kịp thời từ 1-2 ngày đầu, bệnh sẽ trầm trọng và có thể bị rối loạn tiêu hóa với tiêu chảy (1-2 ngày), nổi hạch đầu, mặt, cổ và sờ thấy đau.

Mắt có thể đỏ, chảy nước mắt, có dử mắt vì viêm kết mạc. Nôn nhiều lần, nhất là sau khi ăn. Hoặc phát ban sau 2 – 3 ngày sẽ phát ban mới đỡ sốt. Nếu triệu chứng ho không giảm phải uống kháng sinh theo y lệnh. Sau 3-5 ngày sẽ giảm dần, người bệnh sẽ khỏe trở lại.

Lưu ý khi bị sốt virus:

– Bệnh sốt virus cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời vì là bệnh dễ lây. Không nên cho trẻ tiếp xúc với người bị sốt. Trẻ bị sốt, cần cho bé nghỉ học để tránh lây cho trẻ khác.

– Giữ vệ sinh cho bệnh nhân sạch sẽ. Nhỏ mắt, mũi bằng nước muối sinh lý để tránh bội nhiễm khuẩn.

– Hạn chế dùng điều hòa. Hãy mở cửa thông thoáng.

– Bổ sung chất dinh dưỡng bằng uống sữa, nước hoa quả giàu vitamin C nâng cao sức đề kháng, hạ sốt.

– Uống men tiêu hóa để lặp lại vi sinh vật đường ruột do uống kháng sinh. Ăn uống các món loãng, nhưng đảm bảo dinh dưỡng.

Dễ nhầm lẫn

Tháng 6 – 8 cũng là cao điểm của bệnh viêm màng não, với các triệu chứng rầm rộ là sốt cao, đau đầu, táo bón, dần mệt mỏi, hôn mê… . Vì có một số triệu chứng giống nhau nên đã có những sự nhầm lẫn.

Mùa hè 2015, Việt Nam ghi nhận ca bệnh hoàn toàn khác với dấu hiệu “kinh điển” viêm màng não mủ của bệnh nhi Đồng Quốc Việt (8 tháng tuổi, Hải Hậu, Nam Định). Bé có các bệnh cảnh lâm sàng như viêm phổi, điều trị kháng sinh 6 ngày ở bệnh viện tuyến dưới không thuyên giảm, mới chuyển tuyến lên khoa Nhi, BV Bạch Mai trong tình trạng sốt cao, có tình trạng ho, tiêu chảy.

Sau 9 ngày dùng kháng sinh không đỡ, bệnh nhi lại rất mệt mỏi, tình trạng viêm khó thở nhẹ (do có viêm phổi) không tương xứng với tình trạng mệt… các bác sĩ mới nghi ngờ bệnh nhân bị viêm màng não mủ với triệu chứng không điển hình.

Lúc đó, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cũng tham gia hội chẩn đã chia sẻ rằng, triệu chứng không điển hình của bệnh viêm não, việc sử dụng kháng sinh bừa bãi hiện nay đã dẫn đến tình trạng vi khuẩn kháng thuốc, kéo theo triệu chứng, biểu hiện ban đầu của nhiều loại bệnh cũng thay đổi, khiến việc chẩn đoán khó khăn. Rất may là bác sĩ nghĩ đến nguy cơ khác trên triệu chứng lâm sàng, và mẹ bé nhanh chóng đồng ý cho chọc dịch não tủy.

Trẻ dưới 15 tuổi bị sốt cao, đau đầu cần sớm đưa đi viện. Ảnh minh họa.

Trẻ dưới 15 tuổi bị sốt cao, đau đầu cần sớm đưa đi viện. Ảnh minh họa.

Sốt, đau đầu cần nghĩ đến nguy cơ

Tháng 6 là vào cao điểm bệnh, do đó khi thấy có bất cứ triệu chứng nào giống như cảm cúm, viêm đường hô hấp thông thường (sốt, sổ mũi), đặc biệt là kêu đau đầu và nôn, sốt cao… cần tới bệnh viện ngay để được theo dõi, chẩn đoán và điều trị sớm, giảm nguy cơ biến chứng nguy hiểm.

Với trẻ dưới 15 tuổi, nếu thấy sốt, đau đầu liên tục, và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh, cần nghĩ đến nguy cơ viêm màng não, cần cho trẻ đến viện sớm để kịp thời chọc tủy xác định bệnh để điều trị, giảm nguy cơ biến chứng.

Viêm màng não biểu hiện ban đầu dễ nhầm với các bệnh hô hấp thông thường. Cần theo dõi sát, nếu thấy trẻ sốt, đau đầu, nôn… cần sớm đưa trẻ đi viện để xác định bệnh và sớm chữa trị. Nếu không được điều trị sớm bệnh sẽ để lại nhiều di chứng nặng nề như bại não, liệt chân, liệt tay, bị động kinh, điếc, trí nhớ kém, ảnh hưởng đến kết quả học tập… Nếu bệnh có đủ các dấu hiệu điển hình thì đã nặng, gây co giật, hôn mê, liệt…

Trẻ bị viêm màng não mủ nếu được phát hiện và điều trị sớm, tỷ lệ thành công chiếm 94%, số trường hợp có di chứng chỉ chiếm 6%. Còn trong trường hợp bệnh nhân đến muộn sau 4 – 7 ngày khởi phát bệnh, tỷ lệ khỏi bệnh giảm chỉ còn khoảng 70% và tỷ lệ di chứng, tử vong lên tới gần 30%.

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo chủ động phòng bệnh viêm não virus:

– Vệ sinh chân tay với xà phòng, vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ. Ăn chín, uống chín. Loại bỏ các ổ bọ gậy, diệt muỗi, rời chuồng gia súc xa nhà…

– Ngủ cần mắc màn.

– Hạn chế tiếp xúc với người bệnh và đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh.

– Cho trẻ đi tiêm vaccine đầy đủ và đúng lịch với 3 liều cơ bản.

Ngọc Hà/Báo Gia đình & Xã hội

Nguồn: giadinh.net.vn

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận