Sai lầm mẹ thường mắc khi cho bé dùng kháng sinh

Nhiều mẹ có thói quen sao chép đơn thuốc trên mạng cho con, tự ý mua kháng sinh và ngưng thuốc khi chưa hết liệu trình.

Hàng năm, cứ đến thời điểm giao mùa, số trẻ em đến khám và điều trị tại bệnh viện lại tăng cao, chủ yếu liên quan đến các bệnh viêm đường hô hấp, tiêu chảy, sốt virus, viêm tiểu phế quản, viêm phổi… Chênh lệch nhiệt độ trong ngày, thời tiết mưa nắng thất thường… là nguyên nhân khiến trẻ giảm đề kháng, dễ mắc bệnh. Ban ngày trời nóng, cha mẹ mở điều hòa xuống thấp, ban đêm lại đẩy lên cao, cơ thể trẻ nhỏ khó thích nghi sự thay đổi nhiệt độ đột ngột khi từ ngoài vào trong nhà, từ ngày chuyển sang đêm.

Trẻ mắc bệnh làm phụ huynh lo lắng không yên. Tuy nhiên, nhiều mẹ không đưa con đến thăm khám bác sĩ mà sao chép đơn thuốc trên mạng, tự ra nhà thuốc Tây mua kháng sinh liều mạnh cho trẻ uống, hoặc ngưng thuốc khi vừa hết triệu chứng nhưng chưa đủ liệu trình. Có trường hợp mua theo toa của bé hàng xóm khi thấy con mình xuất hiện triệu chứng tương tự, mà không biết rằng đây là việc làm tai hại bởi mỗi bé có thể trạng và cơ địa khác nhau, virus nhiễm phải cũng không giống. Phần lớn các ca kháng thuốc kháng sinh của bệnh nhi là do cách dùng sai lầm này gây nên.

Bác sĩ Tiến Dũng – Nguyên Trưởng khoa nhi, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: “Một trong những khó khăn của bác sĩ là phụ huynh hiện nay có thói quen tìm kiếm trên Internet, sau đó tự điều trị cho trẻ tại nhà bằng thuốc kháng sinh. Khi không thấy trẻ khỏi bệnh, 4-5 ngày sau mới đưa con đi khám, thì lúc này trẻ đã chuyển sang thể nặng phải nhập viện, có tình trạng phải cấp cứu. Nếu cha mẹ đưa trẻ đi khám ngay từ đầu, không tự ý dùng kháng sinh, luôn dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ thì nhiều bệnh nhi đã không nặng thế này”.

Số trẻ đến khám và điều trị tại bệnh viện tăng cao vào thời điểm giao mùa.

Trẻ dưới 5 tuổi sức đề kháng còn non yếu nên dễ nhiễm bệnh, bệnh cũng dễ chuyển nặng hoặc biến chứng nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời. Khi thấy trẻ có một trong các dấu hiệu như ho và sốt cao, kém ăn, mệt mỏi, thở nhanh hoặc thở khác thường… cần cho trẻ đi khám ngay. Bác sĩ sẽ giúp mẹ phân biệt được con đang nhiễm vi khuẩn hay virus, có nên dùng thuốc kháng sinh hay không. Trong trường hợp nhiễm khuẩn, mẹ cần tuân thủ liệu trình điều trị kháng sinh của bác sĩ, không được ngưng thuốc hay tự ý kê toa nếu muốn con dứt điểm cơn bệnh.

Bác sĩ Tiến Dũng cũng tư vấn: “Để giảm nỗi vất vả của phụ huynh, liệu trình kháng sinh ngắn 3-5 ngày sẽ giúp giảm số lần cho bé uống thuốc. Bé không chỉ khỏi bệnh mà còn hạn chế được tác dụng phụ và giảm thiểu nguy cơ kháng thuốc kháng sinh so với liệu trình điều trị dài ngày”.

Liệu trình kháng sinh ngắn ngày giúp giảm thiểu tình trạng không tuân thủ điều trị. Nếu liệu trình kéo dài 7-10 ngày, mẹ thường mắc sai lầm thấy trẻ vừa thuyên giảm vài hôm thì cho ngưng thuốc. Lượng thuốc đã uống chỉ có thể tiêu diệt một số vi khuẩn chứ không đủ để loại bỏ hết. Kết quả là bệnh dễ tái phát, những vi khuẩn còn sống sót trở nên đề kháng với kháng sinh. Với liệu trình kháng sinh ngắn ngày, trẻ sẽ tránh được nguy cơ này. Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý là ngay cả kháng sinh ngắn ngày cũng cần sử dụng theo đúng chỉ định của bác sĩ chứ không nên dùng tùy tiện.

Theo VnExpress

Nguồn: giadinh.net.vn

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận