Rùng mình người đàn ông hoại tử tứ chi sau “bữa tiệc”

GiadinhNet: Những thông tin về sự nguy hiểm của bệnh liên cầu khuẩn lợn đã được các cơ quan báo chí, truyền hình nhiều lần đề cập. Thế nhưng không phải lúc nào, cảnh báo nguy hiểm cũng được người dân nhận thức một cách đầy đủ.

Những thông tin về sự nguy hiểm của bệnh liên cầu khuẩn lợn đã được các cơ quan báo chí, truyền hình nhiều lần đề cập. Thế nhưng không phải lúc nào, cảnh báo nguy hiểm cũng được người dân nhận thức một cách đầy đủ. Và đó, cũng trở thành tiền đề cho những ca bệnh hết sức đáng tiếc, thậm chí gây di chứng nặng nề về sức khỏe. Trường hợp bệnh nhân Đ.V.K. (51 tuổi, trú Thanh Hóa) vừa bị hoại tử toàn bộ chân tay là một điển hình…N

Hãy tỉnh táo khi chọn thịt lợn cho bữa cơm gia đình (ảnh minh họa)

Bữa tiệc lợn ốm tai hại

Chúng tôi có mặt tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đúng thời điểm bệnh nhân K. vừa nhập viện (tối 16/8). Theo lời bác sĩ Nguyễn Trung Cấp (Phó Trưởng khoa), bệnh nhân K. đang trong tình trạng hết sức nguy kịch, sốt cao, mê sảng, suy tim, thận và hoại tử chân tay. Điều đau lòng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này lại bắt nguồn từ một bữa ăn.

Theo lời trần tình của gia đình thì vốn dĩ, ông K. rất khỏe mạnh, chưa từng có tiền sự bệnh tật gì đáng kể. Nhà làm nông, lại ở thôn quê nên ông K. có nuôi thêm đàn lợn tăng gia. Trước thời điểm phải nhập BV Bệnh nhiệt đới Trung ương 8 ngày, một con lợn trong đàn gia đình ông K. chăn nuôi đột ngột đổ bệnh. Tiếc của, ông K. không báo cơ quan chức năng để xử lý tiêu hủy theo đúng quy trình. Thay vào đó, ông âm thầm mổ lợn lấy thịt. Bữa cơm hôm đó, cả gia đình ông đã có một “đại tiệc” từ con lợn xấu số trong chuồng nhà. Ai cũng nghĩ đơn giản: Lợn nhà mình nuôi chỉ bằng rau, bằng cám thì quá sạch sẽ, an toàn. Chuyện con lợn không may “trái gió trở trời” và lăn ra ốm là chuyện… bình thường. Bởi vậy, con lợn ốm vẫn được chế biến đủ món, từ tiết canh đến tái, chín. Không ngờ, bữa tiệc lợn ốm ấy đã dẫn đến một thảm kịch.

4 ngày sau bữa tiệc, ông K. mới phát bệnh. Khoảng thời gian này, gia đình hoàn toàn không nhận biết được các dấu hiệu đang âm thầm phát tác. Theo bác sĩ Cấp, liên cầu khuẩn nhiễm từ thịt lợn sang người bệnh ban đầu không gây triệu chứng điển hình. Cụ thể, người nhà cho biết bệnh nhân K. chỉ sốt cao, đau đầu, ớn lạnh. Gia đình cứ ngỡ ông K. bị cảm sốt thông thường nên chủ quan. Hệ quả là khi bệnh trở nặng, ông K. mới được đưa nhập viện thì đã quá muộn.

Bác sĩ Cấp cho biết thêm, lúc bệnh nhân K. vào bệnh viện tỉnh thì được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết. Thấy tình trạng quá nặng, các bác sĩ đã cho chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, bệnh nhân xuất hiện sốc, hôn mê, suy gan suy thận. Sau 2 ngày, các bác sĩ chỉ định chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Bác sĩ Cấp chẩn đoán, ông K. nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não do liên cầu lợn. Đến nay, ông K. vẫn còn hôn mê, suy thận, rối loạn đông máu, thở máy và tứ chi đã bị nổi ban hoại tử.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Cấp cho biết: Dịch bệnh liên cầu khuẩn lợn dễ phát tán. Bởi lẽ trong cộng đồng, một bộ phận người dân vẫn còn thiếu sự nhận thức đầy đủ về nguy cơ bệnh. Trường hợp như ông K., lợn ốm do nhiễm liên cầu khuẩn nhưng không thực hiện đúng quy trình tiêu hủy, rắc vôi bột phòng bệnh mà thịt cho cả gia đình ăn là cực kỳ nguy hiểm. Rất may mắn bởi sau bữa tiệc lợn ốm đó, các thành viên khác trong gia đình ông K. không bị nhiễm bệnh. Thêm vào đó, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay vẫn chưa được kiểm soát triệt để. Nguồn lợn “bẩn” thậm chí được đưa vào các nhà hàng, phục vụ tiệc tùng có thể khiến nhiều người đối mặt nguy cơ ăn phải lợn “bẩn” mang mầm bệnh.

Các chuyên gia cảnh báo bệnh liên cầu khuẩn heo có thể gây biến chứng nguy hiểm trong vòng 12-24 giờ. Theo đó, người bị bệnh liên cầu khuẩn từ heo thường mắc ở 2 thể. Ở thể cấp tính, bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng huyết khiến người bệnh sốt cao, tụt huyết áp, sốc, gây suy đa phủ tạng, xuất huyết và hoại tử toàn thân…, dẫn đến tử vong rất nhanh. Ở thể viêm màng não, bệnh nhân có sốt cao trên 39 độ C, đau đầu dữ dội, nôn, ù tai, chân tay lạnh, rét run, cứng gáy, rối loạn tri giác, lơ mơ dần dẫn đến hôn mê và nếu được cứu sống cũng để lại di chứng ù tai, điếc tai, mất trí nhớ. Ngoài ra, có những trường hợp mắc cùng lúc cả hai thể bệnh này khiến tình trạng bệnh rất nguy kịch.

Không chỉ vậy, người bị nhiễm liên cầu khuẩn heo dù đã được điều trị khỏi vẫn có thể bị tái nhiễm. Với những người bị nhiễm trùng huyết do nhiễm vi khuẩn này, việc điều trị thường kéo dài nhiều tháng với chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng. Theo các chuyên gia dịch tễ, hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh nhiễm liên cầu khuẩn heo cho người. Bởi vậy, ý thức phòng bệnh trong cộng đồng sẽ là yếu tố cốt lõi giúp ngăn ngừa dịch bệnh nguy hiểm này.

Trở lại với trường hợp ông K., bác sĩ Cấp cho rằng: “Nếu thịt được nấu chín kỹ, bảo đảm nước từ thịt chảy ra phải trong, không còn màu hồng thì khuẩn liên cầu sẽ bị tiêu diệt. Bởi thế, ông K. chắc chắn đã ăn thịt sống nhiễm bệnh hoặc tiết canh mới dẫn đến tình trạng đáng tiếc này. Ăn chín, uống sôi và tránh xa nguồn thịt “bẩn”, bởi thế là phương án tốt nhất cho mọi gia đình bảo vệ sức khỏe”.

Để phòng bệnh, người dân không nên ăn tiết canh, nem chua, thịt tái sống… vì đây là được coi là “ổ bệnh” chứa vô số loại vi khuẩn, virus gây bệnh cho người. Khi lựa chọn thịt lợn, không nên mua thịt có màu đỏ khác thường, xuất huyết vì đó chắc chắn là lợn bị bệnh. Đối với những người chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ thịt lợn cần đeo găng tay để tránh tiếp xúc trực tiếp với lợn hoặc thịt lợn bệnh với những vùng có vết thương hở.

Quang Tâm

Nguồn: giadinh.net.vn

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận