Phồng đĩa đệm, chữa thế nào?

SKĐS – Phồng đĩa đệm là thể nhẹ của thoát vị đĩa đệm (TVĐĐ), xảy ra khi đĩa đệm chỉ mới phồng (lồi) ra sau, nhân nhầy vẫn còn nằm trong bao xơ và thường không gây chèn ép thần kinh.

Năm nay tôi 20 tuổi, đã bị phồng nhẹ đĩa đệm 2 năm và hơn 1 năm nay thấy tê xuống chân. Đi chữa thuốc Nam nhiều mà không đỡ tí nào. Giờ tôi phải làm thế nào? Nên chữa trị thế nào?
Trần Văn Dương ([email protected])


Phồng đĩa đệm là thể nhẹ của thoát vị đĩa đệm (TVĐĐ), xảy ra khi đĩa đệm chỉ mới phồng (lồi) ra sau, nhân nhầy vẫn còn nằm trong bao xơ và thường không gây chèn ép thần kinh. Do đó, khi bị phồng đĩa đệm thì người bệnh chưa có cảm giác đau và hạn chế vận động như TVĐĐ. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời cộng với sự tác động của quá trình lão hóa, mang vác nặng, chấn thương,… thì phồng đĩa đệm có thể dẫn tới TVĐĐ. Lúc này, nhân nhầy bên trong lệch khỏi vị trí trung tâm, thậm chí thoát ra ngoài, chèn ép trực tiếp lên tủy sống và các dây thần kinh, gây đau lưng, tê mỏi, teo cơ, giảm khả năng vận động, nặng hơn có thể gây liệt.
Một trong những nguyên nhân gây tê xuống chân là do TVĐĐ gây chèn ép thần kinh. Đa số các trường hợp tê chân tay lặp lại nhiều lần, kéo dài cần được điều trị sớm và kịp thời để tránh biến chứng xấu. Trường hợp của bạn nếu các bác sĩ chuyên khoa thăm khám không có chèn ép thần kinh thì có thể chữa bằng nội khoa hay Đông y, lý liệu pháp. Trong thư bạn nói đã chữa nhiều bằng thuốc Nam mà không đỡ thì bạn nên đi khám lại để đánh giá mức độ bệnh và tùy tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị cụ thể. Có thể dùng thuốc Đông y hoặc các liệu pháp vật lý trị liệu, xung điện, điện châm, chiếu tia hồng ngoại, kéo dãn… Hoặc về tây y, có thể dùng các loại thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAIDs), các vitamin nhóm B đường uống hoặc đường tiêm. Có thể phối hợp với thuốc giãn mạch ngoại vi theo chỉ định của bác sĩ. Tóm lại, tùy theo căn nguyên gây bệnh mà lựa chọn cách điều trị: nếu thiếu vitamin thì bổ sung vitamin. Nếu chèn ép thần kinh nặng cần phẫu thuật thoát vị. Bạn có thể khám và điều trị chuyên khoa xương khớp hoặc phòng mạch Đông y đều được. Để phòng ngừa TVĐĐ, những người bị phồng đĩa đệm cần thực hiện chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý, hạn chế mang vác, lao động nặng; tránh mọi chấn thương cho cột sống,…
BS. Đinh Thị Thanh

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận