Phòng chống dịch cúm gia cầm dịp Tết: Không chủ quan

Theo thông báo ngày 4/1/2017 của Cục Thú y – Bộ NN&PTNT, hiện nay cả nước không có dịch cúm gia cầm, nhưng do diễn biến phức tạp của thời tiết nên nguy cơ dịch phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao. Từ nay đến Tết Nguyên đán Đinh Dậu không còn dài, nhu cầu về các loại gia cầm tăng cao nên các địa phương cần chủ động trong công tác phòng, chống cúm gia cầm độc lực cao H5N1, H5N6 và một số chủng virut cúm có thể lây sang người như virut H7N9; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm việc nhập lậu gia cầm, giám sát chặt địa bàn để phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời.

Trước đó, UBND TP. Hà Nội cũng đã ban hành Công văn số 11955/VP-KT yêu cầu sở, ngành liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý hoạt động vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm trái quy định của pháp luật. UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh, vận chuyển động vật trên địa bàn thành phố. Công an Hà Nội phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã và chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tập trung kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, kinh doanh động vật vào các khu vực có chợ đầu mối và nơi tập trung giết mổ lớn của thành phố để kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm. Giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các Sở Y tế, TN&MT, Công Thương, Công an và UBND quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện và chỉ đạo Chi cục Thú y Hà Nội, các đơn vị chức năng tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm đối với các hoạt động vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm trên địa bàn Hà Nội trái quy định của pháp luật.

Không giết mổ, vận chuyển, tiêu thụ gia cầm không rõ nguồn gốc.
Không giết mổ, vận chuyển, tiêu thụ gia cầm không rõ nguồn gốc.

Không giết mổ, vận chuyển, tiêu thụ gia cầm không rõ nguồn gốc. Ảnh: TM

Trong năm 2016 vừa qua, tình hình vận chuyển gia cầm lậu đã được kiểm soát chặt chẽ, tuy nhiên vẫn còn những người hám lời liều lĩnh đưa gia cầm lậu về xuôi tiêu thụ. Theo Cục Hải quan Lạng Sơn, ước tính năm qua đã phát hiện và bắt giữ hơn 20 vụ vận chuyển gia cầm lậu. Các chủ đầu nậu thuê người dân địa phương vận chuyển gia cầm từ Trung Quốc vào Việt Nam theo đường tuần tra biên giới, tập kết tại một số nhà dân rồi dùng xe máy vận chuyển nhỏ lẻ về thị trấn tập kết, sau đó sử dụng các xe ôtô tải loại nhỏ vận chuyển sâu về nội địa tiêu thụ. Trong quá trình vận chuyển, các chủ đầu nậu còn thuê một số đông đối tượng dùng xe gắn máy, ôtô theo dõi và cản trở các lực lượng chức năng. Đại diện Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết, để kiểm tra, giám sát chặt tình trạng vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu trong những ngày cận Tết Đinh Dậu này, Cục đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả các đối tượng vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng để ngăn chặn, bắt giữ, xử lý nghiêm các vi phạm…

Chuẩn bị bước vào mùa lễ hội và những ngày năm mới, nhu cầu tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm sẽ gia tăng. Vì vậy có nguy cơ ghi nhận các trường hợp mắc cúm gia cầm trên người nếu không áp dụng các biện pháp ngăn ngừa lây truyền virut từ gia cầm trên người.

Để chủ động ngăn ngừa sự lây truyền của virut cúm gia cầm sang người trong dịp cuối năm 2016 và mùa lễ hội đầu năm 2017, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế khuyến cáo người dân không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. Người dân không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

Khi người dân phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm thì người dân phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận