[Phác đồ] Điện châm hỗ trợ điều trị cai nghiện ma túy

Điện châm hỗ trợ điều trị cai nghiện ma túy

1. TÌNH HÌNH CHUNG:

Có nhiều phương pháp cai nghiện ma túy nhưng tìm ra được một phương pháp cai nghiện ma túy hữu hiệu mà lại thuận tiện nhất, đơn giản nhất mà lại ít tốn kém thì cho đến nay vẫn là một vấn đề khó.

Với phương pháp châm cứu thừa kê phát huy phát triển vốn quý y học châm cứu, kết hợp Đông y và Tây y, hiện đại hóa châm cứu, từ năm 1982 Viện Châm cứu đã nghiên cứu ứng dụng điện châm vào việc cai nghiện ma túy với các hình thức không dùng thuốc là điện châm, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt.

Từ năm 1991 đến nay , khi tệ nạn nghiện ma túy phát triển ngày càng nhiều, chúng tôi đã triển khai công trình cai nghiện ma túy bằng điện châm tích cực hơn, trước tiên là cứu chữa các bệnh nhân nghiện ma túy tự nguyện đến xin điều trị tại Viện Châm cứu. Những năm gần đây, đặc biêt là từ năm 1994, công trình dùng điện châm điều trị hỗ trợ cai nghiện ma túy ở Viện Châm cứu ngày càng được nghiên cứu hoàn chỉnh hơn với tính chất khoa học hơn, nên đã có vai trò tích cực trong cắt cơn đói ma túy. Đề tài “Điện châm cắt cơn đói ma túy” đã được nghiệm thu cấp Nhà nước và đánh giá kết quả xuất sắc vào cuối năm 1998, cũng từ năm đó tiếp tục nghiên cứ triển khai tới cộng đồngđể góp phần tích cực hơn nữa trong việc điện châm hỗ trợ cai nghiện ma túy và nghiệm thu cấp Nhà nước vào tháng 10/2001 đạt kết quả xuất sắc.

Chúng tôi đã triển khai công trình điện châm hỗ trợ cai nghiện ma túy xuống một số thí điểm như: cai nghiện cộng dồng ở Cao Bằng (1996), Nghệ An (1997), Nha Trang (1998), Dương Nội – Hoài Đức – Hà Tây và phường Thịnh Quang – Đống Đa – Hà Nội (1999). Tiếp đến cai nghiện cộng đồng ở Yên Bái, Hải Phòng năm 2000, ở phường Bùi Thị Xuân – quận Thanh Xuân –Hà Nội tháng 4/2001. Ở Quảng Ninh (Công ty than Hà Lầm, Hà Tu năm 2002 – 2003). Kết quả nghiên cứu tại Viện Châm cứu và một số tỉnh thành đều đạt kết quả tốt.

Qua 2778 bệnh nhân điện châm điều trị hỗ trợ cai nghiện ma túy từ 1/1994 đến 12/2003, được theo dõi nghiêm chỉnh từ lâm sàng đến cận lâm sàng, trong đó đánh giá khách quan qua điện não đồ, qua định lượng Morphin trong nước tiểu, trong máu của người nghiện, chúng tôi thu được kết quả rất khả quan, không chỉ cắt cơn nghiện cho bệnh nhân mà còn hỗ trợ điều trị kết quả còn kéo dài tới vài năm sau mà người nghiện không tái nghiện như: các bệnh nhân được điều trị cai nghiện ma túy bằng điện châm năm 1995 ở xã Đường Thượng huyện Yên Minh tỉnh Hà Giang đến nay vẫn không có ai tái nghiện. Số tái nghiện ở một số nơi cũng có, nhưng không nhiều chỉ chiếm 10 – 15% đó là những trường hợp đặc biệt không hoàn toàn tự nguyện đi cai nghiện, bị gia đình ép buộc thường bỏ dở ngay từ 1, 2 ngày đầu khi đến cai nghiện.

2. CÁC HỘI CHỨNG TẠNG PHỦ CỦA NGHIỆN MA TÚY THEO ĐÔNG Y VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ HỖ TRỢ CAI NGHIỆN BẰNG ĐIỆN CHÂM

Ma túy gây tác hại tới chức năng các tạng phủ khác nhau trong cơ thể. Ở mỗi bệnh nhân, ảnh hưởng của ma túy là không giống nhau. Tùy theo trạng thái cơ thể, thời gian sử dụng, mức độ sử dụng sẽ ảnh hưởng đến các tạng phủ không giống nhau: có thể ảnh hưởng đến Can – Đởm của người này, ở người khác thì lại gây rối loạn chức năng ở Tâm – Tâm bào, ở Tiểu trường – Tam tiêu, ở Phế – Đại trường, ở Tỳ – Vị hoặc ở Thận – Bàng quang. Do đó cần biện chứng chính xác để đề ra phương hướng điều trị cho thích hợp đối với từng loại bệnh nhân. Nói chung các chứng trạng thường gặp bao gồm 5 chứng trạng và được điều trị như sau:

2.1. Chứng trạng thuộc Can – Đởm

Bệnh nhân thèm ma túy, không có nghị lực, hay cáu gắt, bứt rứt khó chịu, đau đầu, mất ngủ, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng dày, tiểu tiện vàng, khát nước.

Mạch: phù, huyền, sác.

Pháp điều trị: thanh nhiệt tả hỏa, bình Can, bình Vị Trường, bổ Tỳ, thông kinh hoạt lạc.

Kinh huyệt:

Châm tả:Hành gian, Phong trì, Suất cốc, Bách hội, Khúc trì, Thượng tinh, Thái dương, Đồng tử liêu.

Châm bổ:Túc tam lý, Thái khê.

2.2. Chứng trạng thuộc Tỳ – Vị

Bệnh nhân thèm ma túy, tăng tiết nước bọt, đau bụng đi ngoài (có khi đi ngoài ra máu), nôn hoặc nôn ra máu, miệng đắng hoặc chân tay mỏi nhức, ngáp, chảy nước mắt nhiều, lưỡi nhạt, rêu lưỡi mỏng.

Mạch: Phù hoặc trầm, sáp, nhược.

Pháp điều trị: kiện Tỳ, bình Vị, bình Can, thanh nhiệt, bổ Thận thủy.

Kinh huyệt:

Châm tả: Nội quan, Thần môn, Thiên khu, Hợp cốc, Lương môn, Trung quản, Giải khê.

Châm bổ: Khí hải, Quan nguyên.

2.3. Chứng trạng thuộc Tâm – Tâm bào, Tiểu trường – Tam tiêu

Bệnh nhân thèm ma túy, đau bụng, tức ngực, hồi hộp, tim đập nhanh, bồn chồn, gai gai rét, khó ngủ, lưỡi đỏ, rêu lưỡi dày.

Mạch: Phù, hồng, sác.

Pháp điều trị: Bìng Tâm, an thần, thanh nhiệt, bổ Thận.

Kinh huyệt:

Châm tả: Nội quan, Thần môn, Hợp cốc, Khúc trì, Thiên khu.

Châm bổ: Quan nguyên, Khí hải, Thận du, Thái khê.

2.4. Chứng trạng thuộc Thận – Bàng quang

Bệnh nhân thèm ma túy, đau lưng, mỏi xương khớp, nhức trong ống chân, trong cột sống (có dị cảm, giòi bò lúc nhúc trong ống tủy), di mộng tinh, liệt dương (nam giới), khí hư, rối loạn kinh nguyệt, vô kinh (nữ giới), chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng.

Mạch: Trầm, sáp, nhược.

Pháp điều trị: Bổ Thận, thanh nhiệt, thông kinh hoạt lạc.

Kinh huyệt:

Châm tả: Giáp tích L2 – L3 (Thận tích), Ủy trung, Thứ liêu, Côn lôn, Khúc trì, Huyền chung.

Châm bổ: Thái khê xuyên Tam âm giao Trung đô xuyên Âm cốc.

2.5. Chứng trạng thuộc Phế – Đại trường

Bệnh nhân thèm ma túy, khó thở, tức ngực, bứt rứt, cảm giác nghẹt ở cổ, đau bụng, đại tiện táo, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng dày, nứt nẻ.

Mạch: Phù, thực, khẩn, sác.

Pháp điều trị: Thanh nhiệt, tuyên Phế khí, thông kinh hoạt lạc.

Kinh huyệt:

Châm tả: Hợp cốc, Khúc trì, Khí xá, Thiên đột, Trung quản, Đản trung, Thiên khu, Quyền liêu xuyên Nghinh hương.

Châm bổ: Liệt khuyết, Xích trạch, Túc tam lý.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận