[Phác đồ] Châm cứu chữa trị chứng bệnh tự kỷ ở trẻ em

Châm cứu điều trị hỗ trợ chứng tự kỷ ở trẻ em

Th.S Dương Văn Tâm

Phó trưởng Khoa Nhi – BVCCTW

Tự kỷ trẻ em, một khái niệm mới được đưa ra bởi BS tâm lý Eugen Bleuler (Thuỵ Sỹ) từ đầu thế kỉ XX. Tới thập niên 40 của thế kỷ XX, các bác sỹ tâm thần như Leo Kanner (Mỹ) và Hans Asperger (Úc) đã nghiên cứu và xem đây là một rối loạn phát triển đặt biệt. Đó là rối loạn phát triển lan toả do bất thường của não bộ trẻ, khởi phát sớm trong 3 năm đầu đời và tồn tại kéo dài với biểu hiện đặc trưng ở 3 lĩnh vực là: 1) giảm khả năng tương tác xã hội, 2) giảm giao tiếp ngôn ngữ và 3) những hành vi định hình với mối quan tâm bị thu hẹp. Mức độ thiếu hụt có thể từ nhẹ đến nặng và luôn mang tính chất hỗn hợp.

Trong những năm gần đây tỷ lệ mắc bệnh này có xu hướng tăng nhanh tới 1/150 trẻ đẻ ra, trở thành một vấn đề thời sự của y học và đã nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên ngành. Nguyên nhân gây tự kỷ còn nhiều tranh luận, nhưng người ta đã đề cập đến 3 nhóm nguyên nhân chính là di truyền, tổn thương não và ô nhiễm môi trường sống.

Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho rối loạn tự kỷ. Y học hiện đại có thể dùng một số thuốc điều trị các tổn thương não kèm theo của trẻ như động kinh, tăng động… và dùng một số thuốc dưỡng não. Vấn đề phục hồi chức năng cho các cháu tự kỷ chủ yếu vẫn là sự kết hợp giữa bác sỹ Nhi, chuyên viên tâm lý và giáo viên đặc biệt để tiến hành chương trình phát hiện và can thiệp sớm cho trẻ, nhất là chương trình huấn luyện dành cho phụ huynh, bởi yếu tố gia đình vẫn là quyết định tới kết quả can thiệp.

Bên cạnh yếu tố tiên quyết là phát hiện và can thiệp sớm, các chuyên gia của các chuyên ngành vẫn đang cố gắng tìm kiếm một phương pháp với hy vọng một kết quả mỹ mãn. Nhưng cho đến nay, họ vẫn phải hiểu rằng cần phải áp dụng cách điều trị toàn diện, phối hợp và cân bằng giữa các chuyên ngành mới mong mang lại kết quả tốt nhất. Xuất phát từ triết lý đầy tính nhân văn đó, châm cứu Nhi khoa với các phương pháp trị liệu đông y như điện châm, thuỷ châm, xoa bóp bấm huyệt, dưỡng sinh, cũng mong góp phần thay đổi chất lượng sống cho trẻ mắc chứng tự kỷ. Bởi đó là phương pháp trị liệu bài bản, hài hoà, hợp lý, kiên trì, khoa học và kinh tế.

1. Bệnh nguyên

Trong y học cổ truyền từ ngàn xưa, không có bệnh danh nào tương tự cho chứng bệnh này. Nhưng với những biểu hiện kém phát triển ở các lĩnh vực tương tác xã hội, ngôn ngữ và hành vi giao tiếp thì tự kỷ được xếp vào “chứng ngũ trì”. Đây là bệnh trẻ em vì thân thể bị suy nhược, sự phát dục bị trở ngại nên phát triển không đầy đủ. Nguyên nhân chủ yếu là do tiên thiên bất túc hoặc do hậu thiên không được nuôi dưỡng đầy đủ. Những nhân tố của tiên thiên như tinh huyết của cha mẹ suy kém, cơ thể mẹ suy nhược trong thời kỳ mang thai, đau ốm nhiều, hoặc vì các nguyên nhân liên quan đến thai sản như đẻ non, đẻ yếu, đẻ ngạt, đẻ can thiệp… làm tổn thương đến thai nguyên. Những nhân tố của hậu thiên thường gặp là sau khi trẻ sinh ra do không được dinh dưỡng đúng cách, đồ ăn uống không đầy đủ, không sạch sẽ hoặc thể chất suy yếu, Tỳ Thận hư nhiều, đau ốm nhiều hoặc môi trường sống như nhà ở ẩm thấp tối tăm, thiếu ánh sáng mặt trời.

2. Biện chứng, chứng trạng và cách chữa.

Thận được coi là gốc của tiên thiên, nguồn của sinh mạng, trong thận chứa âm mà ngụ có chân dương. Thận có tác dụng nhu nhuận, tư dưỡng và sưởi ấm đối với các tạng phủ khác. Tinh tiên thiên hoá sinh ra nguyên khí làm động lực cho mọi hoạt động sinh mạng của con người. Mỗi tạng phủ được kích động thúc đẩy bởi nguyên khí mới có thể tự phát huy tác dụng khác nhau. Cho nên khi nguyên khí và tiên thiên thận tinh tàng chứa bất túc sẽ làm công năng các tạng phủ khác như Can, Tâm, Tỳ, Vị, Đởm… bị suy thoái kèm theo và sinh ra các chứng trạng chậm phát triển ở trẻ em.

Khi nguyên khí hư nhược sẽ làm thể trạng hư khiếp, tinh thần bạc nhược, trẻ chậm khôn, chậm giao tiếp.

Tiên thiên Thận tinh bất túc làm tuỷ hải trống rỗng dẫn đến phát dục chậm, thể lực, trí lực suy yếu sẽ làm trẻ kém trí khôn, đần độn. Tâm khí hư do phú bẩm bất túc nên công năng chủ thần minh, ý thức tư duy và ngôn ngữ bị trở ngại. “Thần thương thì sợ hãi”, nên trẻ có chứng hồi hộp không yên, mất ngủ hay quên, cáu giận, hoảng hốt nói lảm nhảm một mình hoặc rầu rĩ hay khóc.

Can khí mất sơ tiết biểu hiện ở tình cảm nhạt nhẽo hoặc tình cảm hướng vào trong. Trẻ em khi hình thành chứng này có biểu hiện thờ ơ, không quan tâm đến xung quanh hoặc thần kinh dễ giận, dễ buồn, không biết vui đùa, mạch huyền.

Tâm Đởm khí hư do khí của Can Đởm hư yếu. Mộc không sinh hoả làm tâm khí hư. Tâm khí hư ảnh hưởng đến công năng của Đởm. Tâm chủ thần minh mà Đởm chủ quyết đoán. Tâm Đởm đều hư khiếp làm thần không yên, sợ hãi từ trong sinh ra nên trẻ hay thu mình,hồi hộp, sợ hãi, mất ngủ.

Thận khí hư yếu, hoả mệnh môn bất túc, không có khả năng làm sưởi ấm tỳ dương. Mặt khác do ăn uống không điều độ, tổn thương Tỳ Vị làm công năng vận hoá thuỷ cốc suy giảm nên không tư dưỡng được nguyên khí và hậu thiên hóa sinh khí huyết làm cho việc doanh dưỡng năm tạng sáu phủ bị trở ngại. Vả lại vì âm dương có quan hệ hỗ căn, khí huyết tự sinh lẫn nhau. Sự hoá sinh của huyết phải nhờ tác dụng của khí. Khí thịnh thì công năng hoá sinh của huyết mới mạnh. Khí hư thì công năng hoá sinh của huyết sẽ yếu. Bởi vậy khi nguyên khí hư tiên thiên Thận Tinh bất túc thì mọi công năng tạng phủ toàn thân và sự hoá sinh khí huyết đều kém sẽ dẫn đến chứng khí huyết đều hư. Tâm, Can, Tỳ, Thận đều liên quan đến sự hoá sinh doanh huyết. Cho nên khi bổ dưỡng huyết ở Tâm, Can, Thận nên đồng thời có thêm cả kiện Tỳ ích khí để giúp nguồn hoá sinh.

Tóm lại cơ chế bệnh sinh của “chứng ngũ trì” của trẻ em là do nguyên dương không khoẻ, khí huyết đều suy làm cho sự sinh trưởng và phát dục bị trở ngại mà sinh ra các chứng bệnh như thế.

Như vậy “chứng ngũ trì” ở trẻ em có đặc điểm: 2-3 tuổi mà vấn chưa nói được, thân thể sinh trưởng và phát dục chậm trễ, tinh thần suy kém, khí tượng bất thường như kém hoạt bát hoặc kích động quá mức. Trên lâm sàng có thể chia làm 2 nhóm chứng trạng là:

– Khí hư: Ngoài các chứng trạng chậm phát triển thể chất, trí tuệ và ngôn ngữ, trẻ còn kèm theo sức yếu, ăn ngủ kém, mệt mỏi, đoản hơi, đạo hãn, đái dầm, đại tiện lỏng, lưng gối mềm yếu, chất lưỡi nhợt bệu. Mạch trầm trì hư nhược, khi điều trị phải ích khí, bổ ích ngũ tạng.

– Huyết hư: Bên cạnh các chứng trạng chậm phát triển thể chất, tâm thần và ngôn ngữ trẻ còn có các biểu hiện như hay bị kích thích, ngủ kém, mê sảng, mệt mỏi, sức yếu, sắc mặt kém tươi, môi miệng nhợt, tay chân co cứng hạn chế vận động, đại tiện táo, tiểu tiện vàng, lưỡi nhợt, mạch tế sác. Khi điều trị phải bổ huyết, bổ ích ngũ tạng.

3. Điều trị bằng châm cứu:

a. Phép điều trị cơ bản: Bổ ích ngũ tạng, bổ dưỡng khí huyết, khai khiếu tỉnh thần, thông kinh hoạt lạc.

Huyệt vị cơ bản: Tả Bách hội, Tứ thần thông, Thái dương, Thượng tinh, Phong trì, , Khúc trì, Hợp cốc, Nội quan, Thần môn, Phong long.

Bổ huyệt Tam âm giao, Huyết hải, Thận du, Thái xung, Thái khê, Túc tam lí, Quan nguyên, Khí hải.

b. Huyệt vị gia giảm cho các thể bệnh

– Thể khí hư: Bổ ích ngũ tạng, ích khí làm chủ.

Chú trọng tả: Bách hội, Phong trì, Thái dương, Khúc trì, Ngoại quan, Hợp cốc.

Bổ: Túc Tam lý, Quan nguyên, Khí hải

-Thể huyết hư: Bổ ích ngũ tạng, bổ huyết làm chủ

Chú trọng tả Bách hội, Phong trì, Thái dương, Á môn, Nội quan, Thần môn, Phong long.

Bổ: Huyết hải, Cách du, Tâm du, Thận du, Thái xung

c. Thuật châm

– Vẫn tuân theo các quy chuẩn thường quy như chọn tư thế thích hợp, chọn và phối hợp huyệt đúng pháp điều trị, châm đảm bảo “đắc khí”, đúng thủ pháp bổ tả và kích thích điện với tần số, cường độ quy định.

– Thời gian châm: hàng ngày, mỗi ngày 30 phút điện châm.

– Liệu trình: 30-40 ngày 1 đợt. Một năm 3-5 đợt. Điều trị liên tục nhiều năm, từ 2 tuổi đến trước 6 tuổi, càng sớm càng tốt.

– Thuỷ châm kết hợp: các vitamin B1, vitamin B12, novocain các thuốc dinh dưỡng thần kinh: cerberolysin, Ginkgo biloba, piracetam… các thuốc tăng dẫn truyền phản xạ thần kinh: citicholine, choline Alforcerate, Magne B6….mỗi ngày thủy châm từ 2-4 huyệt. Nên chọn các huyệt như Thận du, Túc tam lý, Phong trì.

d. Chú ý: Phối hợp lồng ghép giữa châm cứu với chương trình phát hiện và can thiệp sớm của tâm bệnh Nhi khoa, chương trình giáo dục đặc biệt của ngành giáo dục, tư vấn hướng dẫn gia đình kỹ năng dạy trẻ tại nhà.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận