Những thói quen “rước” bệnh đau dạ dày

No cũng đau mà đói cũng đau là những triệu chứng tiêu biểu của bệnh lý dạ dày, căn bệnh phổ biến trong cộng đồng. Đó là hệ lụy từ cuộc sống hiện đại với nhiều áp lực công việc, căng thẳng tinh thần, thói quen ăn uống thất thường, dẫn đến rối loạn chức năng các cơ quan trong cơ thể. Bệnh lý dạ dày diễn ra dai dẳng, nếu không điều trị kịp thời, về lâu dài, có thể dẫn đến các biến chứng ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng, đặc biệt là chất lượng cuộc sống người bệnh.
Bệnh lý dạ dày diễn ra dai dẳng, nếu không điều trị kịp thời, về lâu dài có thể dẫn đến các biến chứng, ảnh hưởng sức khỏe. tranh minh họa

Ăn uống không đúng bữa

Chị Ngọc Hân (35 tuổi, ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ), nhân viên tiếp thị sản phẩm cho biết, nhiều năm nay, chị phải “sống chung” với bệnh đau dạ dày. Chị Hân chia sẻ, những lúc chịu nhiều áp lực công việc; kết quả công việc không như mong muốn, chị cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng nên ăn uống qua loa, không đúng bữa. Càng ngày, chị ăn uống kém, không thấy ngon miệng, dẫn đến tình trạng sức khỏe suy giảm. Mặc dù chị Hân đã điều trị bệnh đau dạ dày, nhưng vì công việc thường xuyên bận rộn, chị Hân tiếp tục ăn uống thất thường, căn bệnh cứ tái phát, không kiểm soát được. BS Trương Thái Minh, Trưởng khoa Nội tiêu hóa (Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long) cho biết: “Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến căn bệnh đau dạ dày là do bệnh nhân có thói quen hút nhiều thuốc lá; uống nhiều bia, rượu, các thức uống có tính axit cao; thường xuyên nhịn đói hoặc ăn quá no; hay do điều trị thuốc kháng viêm; stress lâu dài và nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori (hay còn gọi là vi khuẩn Hp)”.

Những nguyên nhân này để lâu sẽ dẫn đến các bệnh dạ dày thường gặp như: Viêm loét dạ dày- tá tràng, bệnh trào ngược dạ dày thực quản, viêm thực quản… Các bệnh lý về dạ dày tồn tại lâu dài có thể gây biến chứng nguy hiểm tính mạng con người, vì thế cần chữa trị kịp thời.

Cần tuân thủ phác đồ điều trị

Anh L.V.C (32 tuổi, ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) đến Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long khám với các triệu chứng như nóng, rát dạ dày và thường xuyên nôn ói vào buổi sáng, ăn no cũng đau, đói cũng đau. Sau khi được bác sĩ thăm khám và chỉ định thực hiện nội soi dạ dày, kết quả cho thấy, anh bị viêm dạ dày do nhiễm vi khuẩn Hp. Anh C nghe lời bác sĩ khuyên, uống thuốc theo toa đúng liều, đúng thời gian và ăn uống kiêng cữ. Khi đủ thời gian điều trị, anh tái khám và được bác sĩ cho thực hiện xét nghiệm kiểm tra, kết quả cho thấy đã diệt hết vi khuẩn Hp. Anh chia sẻ: “Chỉ vì không quan tâm đến thói quen ăn uống, uống nhiều rượu bia nên tôi mắc bệnh. Nhờ các bác sĩ tận tình chữa trị, cho tôi những lời khuyên đúng và phác đồ điều trị phù hợp, giúp tôi khỏi bệnh và cảm thấy an tâm hơn sức khỏe”.

Khi có triệu chứng đau bụng vùng trên rốn, đau sau khi ăn, đau lúc đói hoặc cảm thấy nóng rát hay buồn ói thì cần đi khám bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa sớm, nhất là những người trong độ tuổi trung niên (từ 40 tuổi trở lên). Vì những triệu chứng này ngoài những bệnh thường gặp ở dạ dày như tình trạng viêm loét, đó có thể là triệu chứng của các bệnh ác tính như: Ung thư dạ dày, gan mật, hoặc tụy…

BS Trương Thái Minh khuyến cáo, khi có các vấn đề về dạ dày, người bệnh không nên chủ quan, chỉ mua vài liều thuốc uống cho qua cơn mà nên đến cơ sở y tế chuyên khoa thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết để được phát hiện và điều trị bệnh kịp thời. Đồng thời trong sinh hoạt hàng ngày, mỗi người nên giữ gìn cho hệ tiêu hóa được khỏe mạnh, nhất là dạ dày, bằng cách tránh các yếu tố có thể gây bệnh viêm dạ dày như: Các thức ăn có độ axit cao hoặc các trái cây có vị chua, không nên lạm dụng thuốc và đặc biệt là các chất kích thích, như rượu bia, thuốc lá. Thuốc lá khiến các vết lở loét ở dạ dày có khuynh hướng sâu hơn và khó lành.

Bài thuốc chữa đau dạ dày hiệu quả

– Mật ong, nghệ tươi: Củ nghệ tươi có khả năng chữa tình trạng loét dạ dày và hạn chế khả năng tiết dịch vị của dạ dày. Ngoài ra, tinh chất nghệ giàu tính kiềm giúp trung hòa độ axit trong dịch vị; nghệ vàng cũng giúp chống viêm, chữa lành những vết loét trong dạ dày, nên ông bà ta thường sử dụng nghệ vàng cùng với mật ong nhằm cho ra một bài thuốc dân gian chữa đau dạ dày do dư dịch vị. Mật ong còn có khả năng trung hòa, giảm những kích ứng nơi dạ dày. Hãy bỏ vào ly nước 3 muỗng nhỏ bột nghệ tươi cùng với một muỗng nhỏ 10cc mật ong rồi dùng muỗng khuấy cho tan đều để có được một hỗn hợp rồi uống.

– Nước bắp cải: Hàng ngày, người bệnh hãy uống một nửa ly nước ép cải bắp vào buổi sáng sau khi thức dậy và buổi tối trước khi ngủ. Tình trạng đau dạ dày của bạn sẽ giảm đi trông thấy nhờ bắp cải giàu vitamin U (Ulcer) có khả năng hạn chế tình trạng viêm loét dạ dày rất tốt.

– Cam thảo: Cùng với các vị thuốc Nam chữa đau dạ dày khác, cam thảo là một loại thảo dược có tác dụng tăng cường bảo vệ của cơ thể, qua đó giúp ngăn ngừa việc hình thành những vết loét bên trong dạ dày. Nhiều danh y tỏ ra tin tưởng sử dụng cam thảo hơn cả các vị thuốc chữa đau dạ dày chống axit khác khi chữa viêm loét dạ dày cho các bệnh nhân của họ. Cần lưu ý, hãy ăn cam thảo trước mỗi bữa ăn khoảng nửa tiếng để giúp cho những vết loét được chữa trị có kết quả tốt hơn, do lúc đó cam thảo hoạt động như một lớp màng ở dạ dày, giúp dạ dày bạn được bảo vệ.

– Lá mơ: Lá mơ cũng là một trong những loại thảo dược có trong bài thuốc chữa đau dạ dày hiệu quả. Lấy 20g lá mơ rửa sạch rồi giã cho nhuyễn, đem vắt cho ra nước uống trong ngày.

– Chuối hột: Có lẽ ít người biết về tác dụng chữa đau dạ dày vô cùng hiệu quả của chuối hột. Cắt mỏng trái chuối hột già rồi đem phơi khô ở nơi bóng râm, rồi nghiền nát ra thành bột. Lúc sử dụng, pha bột này với nước ấm để phát huy tác dụng.

Lương y Giang Thành

Thu Sương

Nguồn: giadinh.net.vn

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận