[Ngoại khoa] Nhiễm trùng bàn tay – nguyên nhân, triệu chứng, điều trị

ĐẠI CƯƠNG

Là nhiễm khuẩn những tổ chức cấu tạo nên ngón tay và bàn tay.Thường gây các biến chứng nặng, diễn biến phức tạp và tàn phế. Vì vậy phải chẩn đoán sớm, điều trị đúng, kịp thời.

  • Nguyên nhân:

Vi khuẩn: hay gặp nhất là tụ cầu vàng gây bệnh, hiếm gặp hơn là liên cầu khuẩn, trực khuẩn lao và các tạp khuẩn.

Nhiễm yếm khí là một thể bệnh cực kỳ nguy hiểm không những với bàn tay mà còn đe dọa tới tính mạng bệnh nhân.

Nhiễm trùng bàn tay thường do các vết thương trực tiếp, vết thương chọc, mảnh thuỷ tinh, kim đâm vào tay mà chẩn đoán và điều trị không đúng.

Bệnh hay gặp ở những người có sức đề kháng kém: đái đường, suy gan- thận, nghiện ma tuý, nhiễm HIV.

  • Nguyên tắc chẩn đoán:
  • Phải xác định rõ điểm đau, vùng đau để khu trú ổ viêm nhiễm. Tìm đường vào của vi khuẩn( các vết thương cũ)
  • Phải chẩn đoán loại thương tổn: chín mé nông, chín mé sâu hay viêm bao gân.
  • Nguyên tắc điều trị:

Khi chưa làm mủ: dùng kháng sinh liều cao toàn thân, bất động tay ở tư thế chùng gân và treo cao, theo dõi diễn biến của bệnh, thường khỏi sau 7-10 ngày.

Viêm quá 48 giờ (khi đã có mủ): trích dẫn lưu, cắt lọc tổ chức hoại tử.

Chọn phương pháp vô cảm: tốt nhất là gây mê toàn thân, nếu không thì gây tê đám rối thần kinh cánh tay. Nhiễm trùng bàn tay cấm gây tê tại chỗ vì không có tác dụng, hơn nữa sẽ gây nguy hiểm là làm vi khuẩn lan rộng.

Đường rạch không chéo qua các nếp gấp tự nhiên của bàn tay và ngón tay.

Ở ngón tay, rạch dọc hai bên đốt ngón, tránh bó mạch thần kinh ở trước bên, tránh phạm vào bao gân và gân.

Đặt ga-rô, tốt nhất là ga-rô hơi, phải đặt cao phía cánh tay, không dồn máu về vì vi khuẩn sẽ lan rộng.

ĐẶC ĐIỂM GIẢI PHẪU BÀN TAY

  • Da mu bàn tay có lông và tuyến bã, nhưng lòng bàn tay lại không có, nên ở gan tay không có nhọt như ở mu tay.
  • Múp ngón tay có nhiều vách xơ, nằm từ màng xương đốt 3, toả ra hình nan quạt, đến da.
  • Gan tay có nhiều vách xơ rất chắc, da rất dày nên viêm mủ khó thoát ra ngoài, mà rất hay phá vào trong.
  • Bàn tay có rất nhiều dây thần kinh chi phối, nên khi bị viêm nhiễm, các vách ngăn căng mủ kích thích vào thần kinh làm bệnh nhân rất đau, nhất là ban đêm.
  • Bàn tay không có cơ lớn và màng liên kết che phủ, ngay dưới da là gân xương, nếu mất da nhiều thì sẽ lộ và hoại tử gân xương .
  • Ở gan tay có 2 lớp cân: lớp cân nông và lớp cân sâu, chúng nhập với nhau ở phía mô cái và mô út. Giữa 2 lớp cân là các gân gấp ngón.
  • Bao hoạt dịch gân gấp các ngón 2,3,4 có túi cùng chỉ nằm ở vùng khớp bàn- ngón.
  • Bao hoạt dịch gân gấp ngón cái và ngón út kéo dài lên tận cổ tay( bao hoạt dịch quay, bao hoạt dịch trụ). Nhiều trường hợp, bao hoạt dịch ngón 1 thông với bao hoạt dịch ngón 5. Vì thế, khi nhiễm khuẩn rất hay bị lan rộng theo các bao hoạt dịch, từ một ngón tay có thể lan ra cả bàn tay, từ viêm bao hoạt dịch các ngón có thể lên bao quay, bao trụ và cổ tay.

CHÍN MÉ

Xem bài:

Chín mé – triệu chứng và điều trị

VÙNG MÓNG TAY

  • Viêm mủ cạnh móng và quanh móng

Thường ở gốc móng, do xước măng- rô, do móng đâm vào thịt.

Tụ cầu vàng xâm nhập vào tổ chức quanh móng.

Ngay cạnh móng sưng, tấy đỏ, rất đau. Sau 48 giờ tạo thành mủ cạnh móng. Nhiều trường hợp do cắt móng tay không đúng cách, gây nhiễm trùng,

  • Điều trị:

Nếu phát hiện sớm thì chỉ cần băng cồn 70 độ hoặc dung dịch nước muối sinh lý, dùng kháng sinh toàn thân.

Khi đã có mủ: thì gây tê, đặt ga-rô gốc ngón, rạch tháo mủ. cắt bỏ tổ chức phần mềm phủ lên gốc móng.

Có thể cắt một phần móng để dẫn lưu mủ.

Sau mổ, băng gạc tẩm nước muối sinh lý hoặc gạc tẩm cồn 70 độ trong 2-3 ngày.

Viêm mủ dưới móng
Viêm mủ dưới móng
  • Viêm mủ dưới móng
  • Thường do dầm đâm vào vùng đầu ngón tay, đâm vào dưới móng
  • Mủ đọng ở dưới móng, làm móng bị tách khỏi giường móng.
  • Điều trị: Cắt bỏ móng hoặc một phần móng để dẫn lưu mủ. Lưu ý để lại rễ móng để móng mọc lại.

VIÊM TÂY SÂU KẼ NGÓN

  • Nguyên nhân

Do viêm nhiễm tổ chức dưới da tại đốt 1, hoặc do nứt nẻ ở kẽ giữa các ngón tay lan vào.

Phần lốn do tụ cầu vàng gây nên.

  • Lâm sàng

Sưng to, đau ở kẽ ngón tay và gan tay.

Các ngón tay dạng rộng như càng cua.

Da vùng mu tay cũng sưng nề (vì da ở đây mỏng). Nhưng cần chú ý ổ viêm phía gan tay, tuy vùng này ít sưng nề hơn (vì da dày hơn)

  • Điều trị

Rạch dẫn lưu mủ, không được rạch vào kẽ ngón.

Rạch dọc trước và sau, tạo 2 vết thông nhau để dẫn lưu mủ.

Làm một nẹp bột để bàn tay ở tư thế cơ năng, kháng sinh toàn thân liều cao.

VIÊM KHOANG GIỮA GAN TAY

  • Nguyên nhân

Do vết thương vào gan tay, do viêm bao hoạt dịch gân gấp các ngón 3,4,5 vỡ vào, cũng có thể do áp-xe ở xa vỡ vào ống cổ tay.

  • Lâm sàng

Sưng, căng nề gan tay, ấn vào vùng này bệnh nhân rất đau.

Hạn chế cử động ngón 3,4.

Rạch tháo mủ theo nếp lằn da ở gan tay, lưu ý không làm đứt gân gấp ngón, dẫn lưu mủ rút sau 48 giờ.

Sau mổ, làm nẹp bất động cổ- bàn tay ở tư thế cơ năng và kháng sinh liều cao toàn thân.

VIÊM KHOANG MÔ CÁI

  • Nguyên nhân

Do vết thương vào ô mô cái, hoặc do viêm bao hoạt dịch gân gấp các ngón 1,2 vữ vào.

  • Lâm sàng

Sưng to, rất đau ô mô cái, hạn chế cơ năng ngón cái. Khi đã thành ổ áp xe thì ấn vào vùng này thấy bùng nhùng mủ.

  • Điều trị

Trích tháo mủ bằng 2 đường ở ô mô cái: một đường ở mu tay và một đường ở gan tay. Đặt ống dẫn lưu (0 16) tưới rửa liên tục với nước muối sinh lý trong 48 giờ (100ml/giờ).

Sau mổ: kháng sinh liều cao, treo tay cao. Rút dẫn lưu sau mổ 2 ngày.

VIÊM MỦ BAO HOẠT DỊCH GÂN GẤP NGÓN TAY

Xem bài:

Viêm mủ bao hoạt dịch gân gấp ngón tay

NHIỄM TRÙNG YẾM KHÍ BÀN TAY

Là thể nhiễm trùng nặng nhất của bàn tay.

Thường do liên cầu gây ra. Cũng có thể do nhiễm Clostridium gây hoại thư sinh hơi.

Bệnh bắt đầu từ vết thương nhỏ, các vết chọc, vì thế người bệnh cũng như thầy thuốc dễ bỏ qua.

Các vết thương sưng tấy một cách nhanh chóng, chảy dịch rất hôi. Mép vết thương xám đen, ấn xung quanh có thể thây hơi lép bép.

Toàn trạng bệnh nhân nhiễm trùng, nhiễm độc rất nặng.

Điều trị:

Cần nhanh chóng mở rộng vết thương, cắt lọc hết tổ chức hoại tử và tưới rửa vết thương.

Để hở hoàn toàn vết mổ.

Kháng sinh toàn thân liều cao, nhất là loại tác dụng tốt với vi khuẩn gram (-) như nitromedazon…

Nhiều trường hợp phải cắt cụt chi để cứu sống bệnh nhân.

TÓM LẠI

Nhiễm trùng bàn tay là bệnh hay gặp, cần chẩn đoán đúng và điều trị kịp thòi.

Dự phòng: giữ vệ sinh sạch sẽ bàn tay và ngón tay, luôn luôn cắt móng tay.

Khi có vết thương bàn tay: sơ cứu và điều trị tốt ngay từ đầu

Giai đoạn sớm: ngâm tay nước muối ấm, hoặc cồn, bất động bàn tay, các ngón tay ở tư thế cơ năng và kháng sinh toàn thân liều cao.

Xử lý tốt chín mé, tránh gây nên các biến chứng nặng nề:viêm xương khớp, viêm mủ bao hoạt dịch…

Khi có mủ: rạch dẫn lưu mủ, bất động , treo tay cao.

Tập phục hồi chức năng sớm và tích cực để tránh nguy cơ dính gân, cứng khớp sau này.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận