Người nào không nên dùng nước rau má giải nhiệt

Rau má không đơn thuần chỉ là rau mà còn tác dụng như một loại thảo dược. Trong những ngày nắng nóng, việc dùng rau má giải nhiệt cơ thể là rất tốt, tuy nhiên phải dùng đúng cách vì theo các chuyên gia, không phải ai cũng sử dụng được rau má và dùng bao nhiêu cũng được.
Phụ nữ mang thai nên tránh ăn rau má. Ảnh: T.G

Đầy bụng, tiêu chảy vì uống nhiều nước rau má

Mấy ngày nắng nóng 39-40 độ, chị Đoàn Thị Duyên (ở Hà Đông, Hà Nội) nghe mọi người mách uống rau má giải nhiệt rất tốt cho ngày hè nên đã nhờ người đồng nghiệp quê Thanh Hóa mua rau má gửi ra Hà Nội. Rau má non chị Duyên dùng để luộc, rau má già chị Duyên cho vào xay sinh tố. Sau vài tiếng uống một cốc vại nước rau má xay sinh tố, bỗng chị Duyên thấy đau bụng quằn quại, bụng càng ngày càng chướng lên và đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày. Chị ra hiệu thuốc mua thuốc uống nhưng không có tác dụng. Đến tối vì đau quá không chịu được, người nhà đã đưa chị Duyên vào bệnh viện kiểm tra. Các bác sỹ cho biết, chị bị rối loạn tiêu hóa nặng mà căn nguyên từ việc chị uống quá nhiều nước rau má.

Thầy thuốc Nhân dân, BS cao cấp Nguyễn Xuân Hướng – nguyên Chủ tịch Trung ương hội Đông y Việt Nam cho rằng, nguyên nhân dẫn tới tình trạng rối loạn tiêu hóa như trường hợp của chị Duyên là do rau má có tính hàn, lạnh bụng có thể gây tiêu chảy nhẹ. Đặc biệt, với người có thân nhiệt thấp và hay lạnh bụng thì càng dễ tiêu chảy.

Hơn nữa, rau má thường được uống sống nên quá trình chế biến khâu vệ sinh không đảm bảo cũng có thể gây rối loạn tiêu hóa cho người dùng. Trước khi xay lấy nước uống, nên rửa và ngâm qua nước muối cẩn thận. Xay khoảng 5 giây sau đó lọc qua để uống.

Theo BS Nguyễn Xuân Hướng, rau má còn có tên là tích tuyết thảo. Đây là một loại rau ăn bình thường có nhiều tác dụng giải nhiệt nên được nhiều người sử dụng thường xuyên. Theo y học cổ truyền, rau má có vị đắng, hơi ngọt, tính bình, vào can, tỳ vị có tác dụng dưỡng âm, thanh nhiệt, nhuận gan, giải độc, lợi tiểu. Rau má thường dùng để làm thuốc bổ dưỡng, sát trùng, chữa thổ huyết, tả lỵ, khí hư, bạch đới, mụn nhọt, rôm sẩy.

Khi ăn các thức ăn có hơi hàn lạnh hoặc có chất quá nóng nên sử dụng rau má để điều hòa, chẳng hạn như ăn các loại thức ăn cay, thức ăn có tính lạnh thường sử dụng thêm rau má để điều hòa vì rau má có tính vừa hàn vừa nhiệt. Rau má có thể sử dụng với các bài thuốc khác để bổ phế. Để sử dụng rau má chữa phế, cần kết hợp với các vị thuốc khác như kim ngân hoa, mạch môn, thiên môn. Khi điều trị và giải nhiệt ở phế, người bệnh cũng có thể dùng bài thuốc đơn giản nhất là kết hợp rau má với râu ngô.

Dùng sao cho đúng?

Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, thành phần của rau má bao gồm nhiều loại vitamin, khoáng chất và các chất có lợi cho sức khỏe như beta caroten – chất chống oxi hóa, sterols có tác dụng ức chế hấp thu cholesterol, saponins, alkaloids, flavonols, saccharids, calcium, iron, mangan, phospho, potassium, zinc… Từ xa xưa, rau má đã được dùng rất phổ biến làm rau sống ăn rất ngon, có thể trộn với giá đỗ, hoa chuối. Rửa rau má với nước muối cho thật sạch sau đó xay sinh tố cũng có thể tạo thành một loại đồ uống rất tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, rau má có thể phơi khô sắc thuốc, luộc ăn.

Mặc dù rau má có nhiều dưỡng chất và công dụng như trên, nhưng BS Nguyễn Xuân Hướng cho rằng, rau má cũng có tác dụng phụ. Không phải ăn nhiều rau má là tốt và cũng không phải ai ăn cũng được. Quan điểm của Đông y, việc sử dụng nhiều quá cũng gây bất cập. Dùng quá nhiều rau má và kéo dài có thể gây biến chứng cho một số tế bào máu, gan, thận. Trong một số trường hợp, rau má làm tăng lượng cholesterol và lượng đường trong máu, vì vậy những người có cholesterol cao và bệnh tiểu đường nên tránh lạm dụng sử dụng rau má quá nhiều.

Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra, phụ nữ dự định mang thai và đang mang thai nên tránh ăn rau má vì dùng rau má lâu ngày sẽ làm giảm khả năng thụ thai, các chất trong loại rau này có thể dẫn đến khả năng sảy thai.

Để đảm bảo sức khỏe, một người bình thường mỗi ngày có thể sử dụng 40g rau má nhưng không nên dùng quá 1 tháng. Nếu muốn dùng đợt sau thì phải nghỉ tối thiểu là nửa tháng rồi mới dùng tiếp. Để lựa chọn được rau má ngon, các chuyên gia khuyên bạn nên tìm rau tươi, lá nhỏ, không to, cuống xanh và mượt. Lá rau quá to sẽ không có vị bùi, mát.

Một số cách dùng rau má

– Nước giải khát trong mùa hè: Rau má mua về rửa sạch, giã hoặc xay nát. Cho thêm một ít nước vào vắt và lọc bỏ bã. Thêm vào một ít muối cho dễ uống. Mỗi người, mỗi ngày có thể dùng từ 30 – 40g rau má tươi. Thức uống này vừa có giá trị giải nhiệt trị rôm sẩy, mẩn ngứa, mát gan, lợi tiểu.

– Chữa cảm nắng, say nắng: Rau má tươi 60g, hương nhu 16g, lá tre 16g, lá sắn dây 16g. Cho khoảng 600ml sắc còn một nửa chia uống 2 lần trong ngày.

– Trà giải nhiệt: Rau má 200g, nhân trần 100g, lá đinh lăng 200g, cam thảo 100g ở dạng khô. Cách dùng: Sao giòn các vị thuốc, tán vụn trộn đều bảo quản trong bình kín tránh ẩm. Ngày dùng 30 – 40g bằng cách hãm với nước sôi khoảng 10 phút. Uống thay trà trong ngày có công dụng thanh nhiệt, nhuận gan, chống khát.

BSNguyễn Xuân Hướng

Hà My

Nguồn: giadinh.net.vn

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận