Mẹ dùng ấm siêu tốc, bé 13 tháng tuổi nhập viện vì bỏng nặng

“Hôm đó tôi vừa đổ đầy nước vào chiếc ấm siêu tốc để đun, biết con hiếu động hay đùa nghịch, tôi đã đặt hẳn vào góc phòng rồi mới cắm điện. Sau đó, tôi ra ngoài phơi đồ…”, chị Hà chia sẻ.

Có mặt tại bệnh viện Xanh Pôn, gương mặt sầu não của những người mẹ, người cha đang chăm sóc cho các cháu bé bị bỏng khiến chúng tôi không khỏi thương cảm.

Cháu Hoàng (9 tháng tuổi, Hoài Đức, Hà Nội) bị bỏng ở vùng chân, vết bỏng đau rát nên cháu liên tục khóc thét lên từng hồi. Mẹ cháu vừa bế con vừa tự dằn vặt: “Con bị bỏng là lỗi của mẹ, mẹ biết làm gì cho con nhanh khỏi đây. Giá mà hôm đấy mẹ cẩn thận hơn thì đã không xảy ra cơ sự như hôm nay”.

Cũng theo lời mẹ cháu kể :“Chiếc phích nước sôi của nhà tôi để ở trên bàn, do chiếc bàn thấp nên cháu với tay khiến chiếc phích bị đổ, toàn bộ nước nóng chảy theo bàn xuống làm bỏng vùng da chân của cháu, diện tích bỏng 15% cơ thể. Khi cháu khóc nấc lên, tôi cuống quá không biết nên làm gì.

Theo phản xạ tự nhiên, tôi bế thốc cháu vào nhà tắm rồi xả nước lạnh vào vết bỏng. Thay vì cắt bỏ quần áo thì tôi lại kéo tụt ra khiến da của bé trở nên trầy trượt và tồi tệ thêm. Tôi ân hận quá, một chút sểnh mắt trông coi mà gây ra tai họa này cho con”, vừa nói chị vừa đưa tay quệt nước mắt.

Ở ngay giường bệnh cạnh cháu Hoàng, cháu Nguyễn Hà Anh (Thạch Thất, Hà Nội) bị bỏng vùng ngực, vùng bên sườn trái và cả vùng chân, người bé luôn trong tình trạng băng quấn khắp người.

Trên giường bệnh, bé Hà Anh đang thiu thiu ngủ thì giật mình tỉnh giấc rồi khóc òa đòi mẹ. Những cơn đau ở thân thể bé nhỏ lan sang cả người mẹ gầy, đôi vai chị run lên từng hồi, dường như người mẹ trẻ bất lực không biết làm gì để con đỡ đau.

Chị đưa tay vỗ về, nựng nịu con bé rồi ân hận nói: “Hôm đó tôi đang nấu ăn ở bếp, vừa nhấc ngồi canh nóng để giữa bàn thì chồng tôi gọi điện, tôi vội chạy ra phòng khách để nghe máy.

Nghe tiếng con khóc thét, tôi chạy lại thì nước canh nóng đã bắn lên người cháu gây bỏng. Cũng vì do tôi sơ ý không đậy vung kín, cháu mới lại gần cầm thìa trong nồi quấy nghịch, may là cháu không bị ngã vào nồi canh đó”.

Nhìn bàn tay, bàn chân cháu bé bị băng gạc kín, mọi người xung quanh đều thấy thương cảm.

Trẻ bị bỏng do lỗi sơ ý của bố mẹ (ảnh minh họa)

Một trường hợp khác đó là cháu Quốc Hùng (13 tháng tuổi ở Đông Anh, Hà Nội) bị bỏng nặng từ chiếc ấm siêu tốc do mẹ đang nấu.

Vừa ngồi bần thần nhìn đứa con tội nghiệp nằm trên giường bệnh, lâu lâu lại nấc lên vì đau đớn, chị Hà vừa chia sẻ: “Hôm đó tôi vừa đổ đầy nước vào chiếc ấm siêu tốc để đun, biết con hiếu động hay đùa nghịch tôi đã đặt hẳn vào góc phòng rồi mới cắm điện. Sau đó, tôi ra ngoài phơi đồ.

Nhưng ra ngoài chưa đầy năm phút thì đã nghe tiếng con khóc ré lên, tôi chạy vào xem thì mới tá hỏa cháu đang ôm cả chiếc ấm vào người. Hoá ra trong lúc tôi phơi đồ cháu đã tò mò lại gần chiếc ấm rồi ôm trọn chiếc ấm vào lòng”.

Chia sẻ về chuyện trẻ bị tai nạn do bất cẩn của bố mẹ, bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng – Bệnh viện Xanh Pôn cho biết: “Những tai nạn trẻ em gặp phải do đùa nghịch với các vật dụng hàng ngày khá phổ biến. Phần lớn các tai nạn đều bắt nguồn từ sự lơ là của người lớn trong quá trình trông nom, chăm sóc trẻ.

Về trường hợp các cháu bị bỏng, ngay sau khi bé bị tai nạn, trước hết người lớn phải bình tĩnh, nhanh chóng cách ly trẻ khỏi nguồn gây bỏng. Sau đó, tưới rửa vùng bỏng dưới vòi nước sạch, phủ vùng bỏng bằng gạc sạch rồi nhanh chóng đưa tới cơ sở y tế bằng phương tiện tốt nhất, không cần thiết phải bôi thuốc gì vào vết bỏng”.

Bác sĩ Thống cũng thông tin thêm: “Việc xả nước vào vết bỏng là hoàn toàn đúng, nhưng một điểm chúng ta cần lưu ý đó là phải vặn vòi nước thật nhỏ và nhẹ nhàng tưới lên vết bỏng.

Việc làm nguội vết thương bằng nước lạnh có tác dụng giúp vết thương không bị lan rộng, vết bỏng nhỏ lại và giảm cảm giác đau đớn cho người bị bỏng.

Nếu vùng bỏng có dính với quần áo thì bạn cần nhanh chóng nhẹ nhàng cởi bỏ trước khi vết thương phồng rộp thành bọng nước, nếu quần áo dính vào vết thương thì tuyệt đối không được tự ý, hay cố làm mọi cách để lôi ra.

Bạn nên xả nước lạnh trực tiếp vào vết thương rồi đưa người bị bỏng đến bác sĩ để xử lý. Để làm nguội vết thương, bạn chỉ cần sử dụng nước lạnh bình thường là được, không cần phải sử dụng nước đá hay lấy đá chườm.

BS Thống- Trưởng khoa bỏng bệnh viện Xanh Pôn
BS Thống- Trưởng khoa bỏng bệnh viện Xanh Pôn

Bác sĩ Thống cho rằng, nhiều trường hợp, dùng đá lạnh để chườm sẽ làm giảm thân nhiệt của trẻ. Tùy tình trạng nặng hay nhẹ, diện tích bỏng lớn hay nhỏ, nhà ở gần bệnh viện hay ở xa bệnh viện để phụ huynh đưa các bé đến khám.

Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng bỏng và có hướng xử trí thích hợp. Nếu bố mẹ chăm sóc bé tại nhà thì mỗi ngày cần thay băng, rửa vết thương với NaCl và bôi kem chữa bỏng. Vết thương cần được đắp gạc để giữ độ ẩm cho da. Sau 2 tuần, đa số vết bỏng độ 2 sẽ lành và ít để lại sẹo”.

Theo Vietnamnet.vn

Nguồn: giadinh.net.vn

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận