[Dược điển] Long nhãn (Arillus Longan)

Áo hạt (cùi) đã phơi hay sấy khô của cây Nhãn (Dimocarpus longan Lour.), họ Bồ hòn (Sapindaceae).

Mô tả

Cùi quả nhãn dày mỏng không đều, rách nứt theo thớ dọc, màu vàng cánh gián hay màu nâu, trong mờ, một mặt nhăn không phẳng, một mặt sáng bóng, có vân dọc nhỏ, dài 1,5 cm, rộng 2 – 4 cm, dầy chừng 0,1 cm, thường thấy cùi kết dính. Thể chất mềm nhuận, dẻo dai, sờ không dính tay. Mùi thơm nhẹ, vị ngọt đậm.

Vi phẫu

Mặt cắt ngang: Một hàng tế bào biểu bì ngoài gồm những tế bào hình gần vuông. Một hàng tế bào biểu bì trong gồm những tế bào thành hơi dày và được phủ một lớp cutin hơi dày. Giữa biểu bì ngoài và biểu bì trong là những tế bào mô mềm lớn, hình trụ, đường kính 148 µm, xếp thành nhiều hàng. Một số tế bào mô mềm có chứa khối chất màu vàng nhạt và những giọt dầu.

Độ ẩm

Không quá 15,0 %.

Tạp chất

Tỷ lệ màu nâu sẫm không quá 5%.

Tro toàn phần

Không quá 4,0%.

Chất chiết được trong dược liệu

Không ít hơn 70,0%.

Tiến hành theo phương pháp chiết nóng, dùng nước (TT) làm dung môi.

Chế biến

Mùa hạ và mùa thu, hái quả nhãn đã chín, đem phơi nắng to hoặc sấy nhẹ ở nhiệt độ 40 – 50 oC đến khi lắc quả có tiếng kêu lóc cóc, bóc bỏ vỏ cứng và hạt, lấy cùi đã nhăn vàng sấy ở 50 – 60 oC đến khi sờ không dính tay (độ ẩm dược liệu dưới 15,0%) thì bỏ ra. Chú ý giữ vệ sinh khi bóc cùi và khi sấy, phơi.

Chùm quả trước khi phơi hoặc sấy có thể nhúng nước sôi 1 – 2 phút.

Bảo quản

Đóng gói trong các thùng, hòm kín, có lót thêm chất chống ẩm. Để nơi khô, mát, thoáng, tránh mốc, mọt, đề phòng dược liệu bị ẩm ướt, chua và biến màu.

Tính vị, quy kinh

Cam, ôn. Vào các kinh tâm, tỳ.

Công năng, chủ trị

Bổ ích tâm tỳ, dưỡng huyết, an thần. Chủ trị: Khí huyết bất túc, hồi hộp, tim đập mạnh, hay quên, mất ngủ, huyết hư.

Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng 9 – 15 g.

Kiêng kỵ

Không dùng cho người ở trong có đờm hoả, thấp trệ, đờm ẩm.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận