Liệt Khuyết Huyệt: Vị trí, tác dụng điều trị | Kinh thủ thái âm phế

Liệt Khuyết

Tên Huyệt:

Liệt = tách ra. Khuyết = chỗ lõm. Huyệt ở trên cổ tay, nơi có chỗ lõm. Huyệt là Lạc huyệt của kinh Phế, từ chỗ này có 1 nhánh tách ra để nối với kinh Đại Trường, vì vậy, gọi là Liệt Khuyết (Trung Y Cương Mục) .

Tên Khác:

Đồng Huyền, Uyển Lao.

Xuất Xứ:

Thiên ‘Kinh Mạch’ (Linh khu 10).

Đặc Tính:

Huyệt thứ 7 của kinh Phế.

Huyệt Lạc, nơi phát xuất Lạc dọc, Lạc ngang.

Huyệt Giao hội với Nhâm Mạch.

1 trong Lục Tổng Huyệt trị đau vùng đầu, gáy (Càn Khôn Sinh Ý).

Vị Trí huyệt:

Dưới đầu xương quay nối với thân xương, cách lằn chỉ ngang cổ tay 1, 5 thốn. Hoặc chéo 2 ngón tay trỏ và ngón tay cái của 2 bàn tay với nhau, huyệt ở chỗ lõm ngay dưới đầu ngón tay trỏ.

Giải Phẫu:

Dưới da là bờ trong – trước của gân cơ ngửa dài, cơ gấp dài ngón cái, chỗ bám của cơ sấp vuông vào xương quay.

Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh giữa.

Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C6.

Tác Dụng:

Tuyên Phế, khu phong, thông điều Nhâm Mạch.

Chủ Trị:

Trị cổ tay đau sưng, đầu đau, cổ gáy cứng, ho, suyễn, liệt mặt.

Phối Huyệt:

1. Phối Khúc Trì (Đại trường.11) trị nhiệt bệnh, tâm phiền, cánh tay và cơ thể nóng trước, co rút, môi miệng cắn chặt, mắt nhìn xuống, đổ mồ hôi (Bị Cấp Thiên Kim Phương).

2. Phối Địa Thương (Vị 4) trị miệng khát (Tư Sinh Kinh).

3. Phối Khuyết Bồn (Vị 12) + Ngư Tế (Phế 10) + Thiếu Trạch (Tiểu trường.1) trị ho (Tư Sinh Kinh).

4. Phối Đản Trung (Nh.17) + Phế Du (Bàng quang.13) + (Túc) Tam Lý(Vị 36) trị ho đờm do hàn, ngực đầy đau (Châm Cứu Đại Toàn).

5. Phối Chiếu Hải (Th.6) + Quan Xung (Tâm bào.1) + Trung Quản (Nh.12) + Túc Tam Lý (Vị 36) + Tỳ Du (Bàng quang.20) trị tiêu khát (Châm Cứu Đại Toàn).

6. Châm Liệt Khuyết trước, phối Du Phủ (Th.27) + Đản Trung (Nh.17) + Hợp Cốc (Đại trường.4) + Khuyết Bồn (Vị 12) + Phù Đột (Đại trường.18) + Thập Tuyên + Thiên Đột (Nh.22) + Thiên Song (Tiểu trường.16) + Trung Phủ (Phế 1) trị ngũ anh [bướu cổ] (Châm Cứu Đại Toàn).

7. Phối Thái Uyên (Phế 9) trị nửa đầu đau (Châm Cứu Đại Thành).

8. Phối Thái Uyên (Phế 9) trị ho phong đờm (Ngọc Long Ca).

9. Phối Hậu Khê (Tiểu trường.3) trị ngực và cổ đau (Thiên Kim Thập Nhất Huyệt).

10. Phối Cách Du (Bàng quang.17) + Chương Môn (C.13) + Đại Đôn (C.1) + Tam Tiêu Du (Bàng quang.22) + Thận Du (Bàng quang.23) trị tiểu ra máu (Loại Kinh Đồ Dực).

11. Phối Giải Khê (Vị 41) + Hợp Cốc (Đại trường.4) + Não Không (Đ.19) + Phong Trì (Đ.20) trị đầu đau, nửa đầu đau (Thần Cứu Kinh Luân).

12. Phối Phong Long (Vị 40) + Phục Lưu (Th.7) trị tay chân bị phù thũng (Thần Cứu Kinh Luân).

13. Phối Cao Hoang (Bàng quang.43) + Chí Dương (Đc.10) + Hợp Cốc (Đại trường.4) + Linh Đài (Đc.10) + Phế Du (Bàng quang.13) + Thiên Đột (Nh.22) + Túc Tam Lý (Vị 36) trị ho do phong hàn (Thần Cứu Kinh Luân).

14. Phối Cách Du (Bàng quang.17) + Can Du (Bàng quang.18) + Khí Hải (Nh.6) + Thận Du (Bàng quang.23) + Trung Phong (C.5) + Tỳ Du (Bàng quang.20), đều cứu, trị tiểu buốt, tiểu gắt (Thần Cứu Kinh Luân)

15. Phối Túc Tam Lý (Vị 36) trị suyễn cấp (Tạp Bệnh Huyệt Pháp Ca).

16. Phối Hợp Cốc (Đại trường.4) + Nghênh Hương (Đại trường.20) + Ấn Đường trị xoang mũi viêm (Trung Quốc Châm Cứu Học Khái Yếu).

17. Phối Hậu Khê (Tiểu trường.3) trị đầu và cổ đau (Châm Cứu Học Thượng Hải).

18. Phối Dương Khê (Đại trường.5) trị gân cơ dạng dài và gân cơ duỗi ngón tay cái bị viêm (Châm Cứu Học Thượng Hải).

19. Phối Phong Môn (Bàng quang.12) + Phong Trì (Đ.20) + Hợp Cốc (Đại trường.4) trị cảm phong hàn (Tứ Bản Giáo Tài Châm Cứu Học).

Cách châm Cứu:

Châm xiên, hướng mũi kim vào khớp cùi chỏ, sâu 0, 5 – 1 thốn, Ôn cứu 5 – 10 phút.

Tham Khảo:

(“Trẻ nhỏ bị kinh phong, mắt trợn ngược: Liệt Khuyết chủ trị, đồng thời chọn huyệt Lạc của kinh Dương minh” (Giáp Ất Kinh).

(“ Kinh Dương Minh Đại Trường chạy dọc theo lỗ mũi, mặt đau, răng đau, má sưng, mắt vàng, miệng khô, mũi chảy nước, muic chảy máu, họng sưng đau, phía trước vai đau chịu không nổi. Châm huyệt Hợp Cốc + Liệt Khuyết” (Thập Nhị Kinh Trị Chứng Chủ Khách Nguyên Lạc Quyết).

(“Liệt Khuyết phối hợp Hợp Cốc là theo phương pháp ‘Phối Hợp Nguyên – Lạc’, ‘Phối Hợp Chủ – Khách’, lấy phối hợp theo Tạng Phủ, Kinh Lạc. Dùng phép tả 2 huyệt này, thường để trị ngoại cảm biểu chứng [phong hàn, phong nhiệt nhập Phế hoặc bệnh ở Phế vệ] (Thường Dụng Du Huyệt Lâm Sàng Phát Huy).