Kỹ thuật, vị thế trong phục hồi chức năng vận động bệnh nhân liệt nửa người

Sau tai biến mạch máu não, một nửa người của bệnh nhân không chỉ bị liệt về vận động mà các chức năng khác như thính giác, thị giác, cảm giác cũng bị rối loạn kèm theo. Bố trí giường nằm đúng là để cho nửa người bên bị liệt được tiếp xúc với các kích thích tự nhiên càng nhiều càng tốt thông qua thị giác, thính giác, cảm giác, vận động tạo thuận lợi cho quá trình phục hồi.

1. Bố trí giường nằm cho bệnh nhân liệt nửa người Bố trí giường nằm hợp lí đồng thời cũng để tạo điều kiện thuận lợi cho người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế dễ dàng thực hiện các kĩ thuật chăm sóc điều dưỡng, tập luyện vận động ở nửa người bên liệt. Bố trí giường nằm hợp lí cũng quan trọng và cần thiết như là để bệnh nhân nằm đúng vị thế trên giường và thực hiện các bài tập luyện vận động.

Nguyên tắc kĩ thuật:

– Không để người bệnh nằm phía bên liệt sát tường; tất cả đồ dùng của bệnh nhân ở trong phòng đều để về phía bên liệt. Không kê đầu giường lên quá cao; đệm giường mềm, chắc, luôn giữ phẳng đề phòng loét do đè ép và các biến chứng khác.

2. Các vị thế nằm đúng của bệnh nhân theo mẫu phục hồi

2.1. Nằm nghiêng về phía bên liệt

– Đầu bệnh nhân: có gối đỡ chắc chắn, không để đầu bị đẩy ra sau, các đốt sống cổ phía trên ở tư thế hơi gấp.

– Thân mình: bệnh nhân nằm ở tư thế nửa ngửa, có gối đỡ phía lưng.

-Tay liệt: khớp vai, xương bả vai được đưa ra trước, tay duỗi 90với thân, khớp khuỷu duỗi, cẳng tay xoay ngửa, cổ tay, các ngón tay duỗi và dạng.

– Tay lành: ở vị trí nghỉ ngơi trên thân hoặc trên gối đỡ phía sau lưng, để trợ giúp giữ thân mình ở tư thế nửa ngửa.

– Chân liệt: ở tư thế khớp háng duỗi và khớp gối hơi gấp.

– Chân lành: có gối đỡ ở phía trước, cao ngang mức với thân, khớp háng và khớp gối gấp.

2.2. Nằm nghiêng về phía bên lành

– Đầu bệnh nhân: có gối đỡ chắc chắn như nằm nghiêng về phía bên liệt, không để đầu bị đẩy ra sau.

– Thân mình: vuông góc với mặt giường, có gối đỡ phía lưng.

– Tay liệt: có gối đỡ phía trước cao ngang mức với thân mình, khớp vai và khớp khuỷu gấp.

– Chân liệt: có gối đỡ phía trước cao ngang mức với thân để giữ thân mình vuông góc với mặt giường; khớp háng và khớp gối gấp.

– Tay lành: ở dưới gối hoặc ngang qua ngực, chân lành ở tư thế khớp háng duỗi, khớp gối hơi gấp

2.3. Nằm ngửa tay duỗi dọc theo thân

– Đầu bệnh nhân: có gối đỡ chắc chắn, không gối quá cao, không để các đốt sống cổ và ngực bị gấp.

– Mặt bệnh nhân nhìn thẳng ra trước hoặc quay sang bên liệt.

– Vai bên liệt: có gối mỏng đỡ dưới xương bả vai để giữ vai ở vị thế đưa ra trước.

– Tay bên liệt: xoay ngửa, duỗi dọc theo thân mình, hoặc dạng ngang, hoặc duỗi thẳng lên phía đầu, các ngón tay duỗi và dạng.

– Hông bên liệt: có gối mỏng đỡ dưới hông giữ khớp háng duỗi, đưa ra trước.

– Chân bên liệt: có gối đỡ dưới khoeo giữ khớp gối gấp, có gối đỡ phía mắt cá ngoài giữ cho chân bên liệt không đổ ra ngoài.

– Chân và tay lành: được đặt ở vị trí mà bệnh nhân cảm thấy thoải mái, dễ chịu.

3. Mục đích của các kĩ thuật vị thế

– Trong phục hồi chức năng vận động cho bệnh nhân liệt nửa người, các kĩ thuật vị thế là rất quan trọng cũng như các bài tập vận động khác. Các kĩ thuật vị thế này cần được áp dụng sớm nhất ngay sau khi bệnh nhân bị đột quỵ và được duy trì trong suốt quá trình tập luyện phục hồi, kể cả giai đoạn tập luyện tại nhà sau khi ra viện.

– Người bệnh được nằm ở các vị thế đúng theo mẫu phục hồi để phòng ngừa các biến chứng và thương tật thứ cấp đặc biệt là co cứng và co rút sau này. Nếu đã có co cứng thì sử dụng kĩ thuật vị thế để ức chế và chống lại mẫu co cứng, kết hợp cùng với các kĩ thuật tạo thuận và các kĩ thuật tập luyện khác trong quá trình phục hồi.

4. Một số điểm cần lưu ý trong khi thực hiện kĩ thuật vị thế

-Để phòng ngừa các biến chứng thứ phát và các thương tật thứ cấp, không để bệnh nhân nằm quá lâu ở một tư thế, bệnh nhân cần được thay đổi các tư thế nằm thường xuyên từ 2 – 4 giờ một lần.

Cần thận trọng khi để bệnh nhân nằm ngửa, không để bệnh nhân ở vị thế nửa nằm nửa ngồi, vì ở vị thế nằm này, nguy cơ loét vùng cùng cụt và tình trạng co cứng có thể tăng lên do ảnh hưởng của phản xạ mê đạo trương lực.

 – Để giúp người bệnh nằm ở các vị thế khác nhau nói trên, cần có một số gối nhất định để kê đỡ, vật liệu làm gối có thể là bông, mút. Các gia đình không có điều kiện có thể sử dụng chăn màn, quần áo cũ, cỏ rơm khô, sạch… để làm gối kê đỡ cho các phần cơ thể của bệnh nhân.
Theo: ThaythuocVietNam
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận