Huyệt Tứ Hoa: vị trí, cách xác định, chủ trị, cách châm cứu

HUYỆT: Tứ Hoa

HÌNH ẢNH



XUẤT XỨ

Ngoại Đài Bí Yếu.

VỊ TRÍ

Gồm 2 huyệt Cách Du (Bq.17) và 2 huyệt Đởm Du (Bq.19), tất cả 4 huyệt.

ĐẶC TÍNH

Kỳ Huyệt.

CHỦ TRỊ

Trị khí quản viêm, suyễn, phế khí thũng, lao phổi.

CHÂM CỨU

Cứu.

PHỐI HỢP HUYỆT

1.Phối Cao Hoang (Bq.43) + Phế Du (Bq.13) trị lao phổi (Tư Sinh Kinh).

2.Phối Cưu Vĩ (Nh.15) + Phế Du (Bq.13) + Trung Cực (Nh.3) trị lao phổi (Châm Cứu Đại Thành).

3.Phối Dũng Tuyền (Th.1) + Đại Lăng (Tb.7) + Hợp Cốc (Đtr.4) + Nội Quan (Tb.6) + Tứ Hoa trị ngũ tâm phiền nhiệt (Châm Cứu Đại Thành).

THAM KHẢO

• “Bệnh nhân ngồi thẳng, lấy một sợi dây, vòng qua cổ cho 2 đầu dây chạm vào chấn thủy (huyệt Cưu Vĩ). Lấy khúc dây đó làm chuẩn. Sau đó quay khúc dây đó ra phía sau lưng, cho hai đầu dây chạm vào cột sống, đánh dấu điểm đó. Lấy một khúc dây nhỏ, đo hai bên khóe miệng thành một khẩu thốn, cắt hai khúc dây mỗi khúc dài một khẩu thốn rồi đem đặt chéo như hình chữ thập lên điểm đã đánh đấu ở cột sống. Bốn góc của hai sợi dây đó là huyệt Tứ Hoa” (Ngoại Đài Bí Yếu trích dẫn của -Thôi Thị Biệt Lục). “Phương pháp Tứ Hoa Huyệt: Ông Thôi Tri Để nói là trị cốt chưng, lao nhiệt … Cứu Tứ Hoa huyệt: lấy cọng rơm đo bề rộng mép miệng, cắt ngang, lấy chiều đo này làm cạnh của hình vuông trên giấy, cắt hình vuông ra, ở giữa cắt một lỗ nhỏ. Lấy cọng rơm dài khác, để dưới chân, một đầu để ở đầu ngón chân cái, đo dọc lên đến nếp ngang nhượng chân, cắt ngang. Lại đặt một cọng rơm ở giữa hầu (họng) thòng xuống sau lưng, chỗ đầu cuối cọng rơm, đặt ngay giữa lỗ cắt của giấy hình vuông vào, bốn góc giấy là bốn huyệt Tứ Hoa cần cứu. Có thể cứu 7 tráng. Lúc đầu bàn về huyệt Tứ Hoa, người xưa sợ rằng người ta không biết điểm huyệt cho nên mới lập ra cách lấy nhanh gọn này, ắt cũng hợp với ngũ tạng du. Nay theo cách điểm huyệt này, qủa thực thấy trùng với bốn huyệt Cách Du (Bq.17), Đởm Du (Bq.19), hai hàng dọc lưng của kinh túc Thái dương. Sách Nạn Kinh ghi: Huyết hội Cách Du (Bq.17). Giải thích rằng: Huyết bệnh trị tại đây. Vì cốt chưng lao nhiệt, huyết hư, hỏa vượng, do đó chọn huyệt này để bổ. Đởm là phủ của Can, Can tàng huyết, vì vậy cũng như cách chọn huyệt du vậy. Thôi Tri Để chỉ nói Tứ Hoa mà không nói bốn huyệt Cách Du (Bq.17), Đởm Du (Bq.19) là để giải thích cho thầy thuốc ít học. Nay nhờ sờ xương sống điểm huyệt Cách Du (Bq.17), Đởm Du (Bq.19) là đúng. Tuy nhiên, miệng người có lớn, có nhỏ, rộng hẹp khác nhau, do đó, huyệt Tứ Hoa (lấy theo cách xưa) cũng không chính xác” (Châm Cứu Tụ Anh). “2 huyệt trên ở gần đốt sống thứ 5, đó là huyệtTâm Du (Bq.15), 2 huyệt ở dưới gần đốt thứ 9 là huyệt Can Du (Bq.18)” (Loại Kinh Đồ Dực). Cách lấy huyệt Tứ Hoa theo sách xưa ghi rằng: “Xác định huyệt Đại Chùy (Đc.14) ở sau cổ, làm một điểm giả. Lấy một sợi dây đo vòng qua cổ bằng cách giữ dây ở huyệt Đại Chùy (Đc.14) còn hai đầu dây thòng xuống trước ngực, đến cuối chấn thủy. Lấy dây này cắt làm đôi (đoạn đo thứ 1), đo từ huyệt Đại Chùy (Đc.14) đến giữa đốt sống lưng, làm thành một điểm giả. Rồi lấy một khúc dây đặt tại ngay dưới lỗ mũi, đo chéo đến hai bên khóe miệng thành hình chữ L cắt khúc dây này làm đoạn đo thứ hai. Đem đoạn đo này ra sau lưng, đặt vào chỗ điểm giả ở giữa lưng, để thẳng dây, trung điểm của dây đặt tại điểm giả, đầu trên dây chấm một huyệt, đầu dưới dây chấm một huyệt. Sau đó cũng dùng đoạn dây này, đặt nằm ngang tại điểm giả, trung điểm của đoạn dây ở tại điểm giả, hai đầu bên phải và trái của dây là hai huyệt. Tất cả là bốn huyệt, gọi là Tứ Hoa Huyệt” (Trung Quốc Châm Cứu Học).

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận