Huyệt Thiên Khê: vị trí, cách xác định, chủ trị, cách châm cứu

HUYỆT: Thiên Khê

HÌNH ẢNH

TÊN HUYỆT

Huyệt ở ngang với huyệt Thiên Trì (Tb.1), khê ở đây chỉ nhũ trấp. Huyệt có tác dụng làm cho nhũ trấp lưu thông giống như con suối chảy, vì vậy gọi là Thiên Khê (Trung Y Cương Mục).

XUẤT XỨ

Giáp Ất Kinh.

VỊ TRÍ

Ở khoảng gian sườn 4, cách đường giữa bụng 6 thốn (ngang huyệt Đản Trung (Nh 17), từ đầu ngực đo ra 2 thốn.

ĐẶC TÍNH

Huyệt thứ 18 của kinh Tỳ.

TÁC DỤNG

Khoan hung, lý khí, giáng nghịch, chỉ khái.

CHỦ TRỊ

Trị ho, ngực đau, thần kinh gian sườn đau, sữa thiếu.

CHÂM CỨU

Châm thẳng 0,3 – 0,5 thốn. Cứu 3 – 5 tráng, Ôn cứu 5 – 10 phút.

GIẢI PHẪU

• Dưới da là bờ dưới cơ ngực to, phần gân cơ chéo to của bụng và cơ răng cưa to, các cơ gian sườn 5. Vào trong là phổi.

• Thần kinh vận động cơ là dây thần kinh ngực to và dây thần kinh gian sườn 5. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D4.

PHỐI HỢP HUYỆT

1.Phối Hiệp Khê (Đ.43) trị vú bị áp xe [nhọt vú] (Tư Sinh Kinh).

2.Phối Hạ Cự Hư (Vi 39) + Hiệp Khê (Đ.43) + (Túc) Lâm Khấp (Đ.41) + Nhũ Căn (Vi 18) + Thần Phong (Th.23) + Túc Tam Lý (Vi 36) + Ưng Song (Vi 16) trị vú sưng (Tư Sinh Kinh).

3.Phối Trung Phủ (P.1) trị nôn nghịch (Tư Sinh Kinh)

4.Phối Cách Du (Bq 17) + Đản Trung (Nh 17) + Nội Quan (Tb.6) + Phế Du (Bq 13) trị ngực đầy đau, suyễn (Châm Cứu Học Giản Biên).

GHI CHÚ

• Không châm sâu vì có thể đụng phổi.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận