Điều trị Yếu sinh lý nam giới (liệt dương)

Dương nuy, còn gọi là “liệt dương” chỉ nam giới thành niên dương vật không cương hoặc cương mà không cứng, vợ chồng không thể tiến hành giao hợp. Hiện nay giới nam khoa quốc tế gọi bệnh này là “Chức năng cương dương trở ngại” (erectile dysfunction, ED), định nghĩa: lặp lại tình trạng không thể đạt đến hoặc duy trì cương cứng để đạt đến đời sống tình dục viên mãn. ED so với cách gọi “liệt dương” thì xác thực hơn, bởi vì ED có thể phân thành 3 cấp độ nặng, vừa, nhẹ; trong đó liệt dương được xếp vào mức nặng của ED.

Năm 1994, Viện Nghiên cứu nâng cao tuổi thọ Massachuset của Mỹ (MMAS) công bố công trình nghiên cứu cho thấy, trong 1290 nam giới tuổi từ 40-70 được điều tra thì tỷ lệ mắc ED đạt từ 52% ± 1,3% và có xu hướng tăng theo tuổi thọ. Thượng Hải từng điều tra 1582 đàn ông trên 40 tuổi và tỷ lệ mắc ED cao đến 73,1%.

Đặc điểm lâm sàng của bệnh này là dương vật mềm xỉu, hoặc cương mà không cứng; không thể cho vào âm đạo tiến hành giao hợp. Chương “Dương Nuy” sách “Cảnh Nhạc Toàn Thư” chính thức đặt tên “Dương nuy” và cho rằng phàm nam tử dương nuy không cương được, đa số do mệnh môn hỏa suy, tinh khí hư lãnh, hoặc do thất tình mệt mỏi tổn thương khí sinh dương; ngoài ra thấp nhiệt thịnh vượng dẫn đến tông cân (dương vật) mềm xốp gây ra mềm nhược.

1. Cơ chế bệnh lý

1.1. Y học hiện đại

Cơ chế cương dương là cơ trơn của vật hang căng ra, động mạch dương vật giãn ra, lưu lượng máu đổ vào động mạch dương vật tăng lên và thoát máu tĩnh mạch bị cản trở; quá trình đó làm cho dương vật ngày càng căng lên.

Trong suốt quá trình đó, bất cứ công đoạn nào gặp trở ngại hoặc dị dạng dương vật đều có thể gây ra trở ngại cương dương vật. Chức năng cương dương trở ngại có thể bắt nguồn từ quá trình bao gồm nhiều nguyên nhân bệnh lý, đối với mỗi bệnh nhân thì mỗi thời khắc có thể đang có nhiều cơ chế bệnh lý đang cùng xảy ra. Do đó, nguyên nhân gây bệnh có thể phân thành:

1.1.1. Tâm lý

Cuộc giao hợp bình thường ngoài việc yêu cầu 2 bên phải có chức năng sinh lý khỏe mạnh thì tâm lý cũng phải bình thường. Nếu cặp đôi thường ngày không hợp tính nhau, đời sống tình dục không viên mãn, không đạt đến khoái cảm, hoặc trong quá khứ từng có tiền sử quan hệ tình dục không hạnh phúc, tồn tại tâm lý kém hoặc không hứng thú với tình dục đều có khả năng phá hỏng đời sống tình dục dẫn đến khả năng quan hệ sinh lý gặp trở ngại.

Yếu sinh lý có thể do nguyên nhân tâm lý

1.1.2. Thể chất

(1) Rối loạn vận mạch:

– Do hiện tượng tắc hẹp cơ giới một số động mạch có chức năng tưới máu vào dương vật bị gây ra bởi một số bệnh như: xơ vữa động mạch chậu, hẹp động mạch dương vật, hẹp động mạch chủ ở chỗ phân nhánh động mạch chậu…

– Do hiện tượng thoát máu quá nhanh vào tĩnh mạch vùng vật hang làm cho vật hang không đủ lượng máu kịp phồng to rồi cương cứng, thường gặp trong các bệnh: rò tĩnh mạch từ vật hang, có nhiều tĩnh mạch tân tạo từ vật hang làm cho lượng máu từ vật hang trở về quá nhanh hệ tĩnh mạch trung ương…

– Ngoài ra còn một số bệnh toàn thân làm giảm áp lực tâm thu, sự tưới máu vào dương vật không đầy đủ như huyết áp thấp…và một số bệnh vùng não gây thương tổn huyết mạch máu não như động kinh, liệt toàn thân do giang mai, Parkinson, Alzheimer, nhũn não, máu tụ dưới màng não…

(2) Thần kinh: bị nhiễm độc thần kinh do rượu bia, thuốc lá, ma túy; bệnh đái tháo đờng và một số thuốc (thuốc điều trị các bệnh thần kinh, cao huyết áp…) dùng quá nhiều gây rối loạn hệ thần kinh ngoại vi và trung ương.

(3) Phẫu thuật và chấn thương: các phẫu thuật vùng tiểu khung, vùng bàng quang, tiền liệt tuyến, bẹn bìu, cắt đốt nội soi niệu đạo ảnh hưởng đến hệ thần kinh sinh dục như thần kinh thẹn trong, thần kinh cương dương.

(4) Rối loạn nội tiết tố:

– Những nội tiết tố ảnh hưởng đến chức năng tình dục nam giới: testosteron, FSH, LH, GH, ACTH, TSH, PRL.

– Ở nam giới đến tuổi dậy thì các nội tiết tố được phát triển đầy đủ, nhịp nhàng cân đối và ổn định. Dưới tác dụng của vỏ đại não, nội tiết tố LHRH được sản sinh ra ở vùng hạ đồi. Theo hệ thống cửa, LHRH tác động đến thùy trước tuyến yên để từ đó sản sinh ra nhiều loại nội tiết tố trong đó có LH và FSH. LH tác động đến các tế bào Leydig ở tinh hoàn để sinh ra testosteron là nội tiết tố giữ vai trò chính trong chức hoạt động tình dục của nam giới

– Testosteron trong máu có 2 tác dụng:

+ FSH cùng testosteron tác động lên tế bào sertoli ở tinh hoàn để sinh tinh trùng.

+ Lượng testosteron máu vừa đủ (trung bình 2 ng/ml hoặc 9,7-30,4 nMol/L) có tác dụng làm tăng ham muốn tình dục. Sự ham muốn tình dục gây những kích thích lên vỏ não hoặc tăng tiết NO để biểu hiện bằng sự cương cứng dương vật theo cơ chế sinh lý bình thường.

– Ở những bệnh nhân suy tuyến yên hoặc một số bệnh toàn thân như đái tháo đường, khối u tuyến yên, suy tuyến giáp, suy tuyến thượng thận…kéo theo sự suy giảm LH, FSH, androgen cũng có thể gây ra liệt dương.

(5) Dị dạng dương vật: một số bệnh bẩm sinh như dương vật teo nhỏ, quá ngắn, chẽ đôi; một số bệnh bị xơ cứng vật hang như vỡ vật hang, cương đau dương vật không được điều trị tốt cũng đều có thể làm cho dương vật không cương cứng hoặc không đưa vào âm đạo tiến hành giao hợp được.

1.2. Y học cổ truyền

Nguyên nhân gây bệnh gồm mệnh môn hỏa suy, can thận hư suy hoặc do kinh sợ ảnh hưởng can, thận, dương minh kinh.

(1) Can thận hư suy, mệnh môn hỏa suy: đa phần do lao phòng quá độ, hoặc thiếu thời thủ dâm quá nhiều, tâm trí nghĩ về tình dục quá nhiều; hoặc kết hôn sớm, quan hệ quá nhiều; hoặc phát dục không toàn diện, tiên thiên bất túc dẫn đến tinh khí hao tổn. Can thận bất túc, tinh bất hóa dương thì mệnh môn hỏa suy, tinh khí thanh lãnh gây ra dương vật không được nuôi dưỡng, không thể cương cứng, chuyện quan hệ không viên mãn, dần dần chuyển thành dương nuy.

(2) Kinh khủng thương thận, thận khí bất túc: khủng tắc thương thận, kinh tắc khí hạ. Khủng là chí của thận, nếu gặp phải sự kinh hãi hoặc hoảng sợ lâu dài thái quá sẽ tổn thương thận, thận khí bất túc, không thể cương cứng; thanh khí bất thăng, trọc khí lưu trệ, dương sự bất chấn, lâu dần thành dương nuy.

(3) Can khí uất kết, can thất điều đạt: tình chí bất thư, uất nộ thương can hoặc tư tưởng sở nguyện không đạt dẫn đến can khí uất kết, can thất điều đạt, gây ra dương vật thất dụng mà thành dương nuy.

(4) Ưu tư quá độ, tâm tỳ lưỡng hư: ưu tư u uất tổn thương tâm tỳ, ám hao tâm tỳ khí huyết, lâu sẽ bệnh đến dương minh kinh, mạch xung. Mà tỳ vị là bể của thức ăn, là nguồn sinh hóa, tỳ vị hư thì khí huyết bất túc; hoặc bệnh nặng bệnh lâu ngày, khí huyết chưa hồi phục, kinh dương minh hư trống. Kinh dương minh vốn dĩ đa khí đa huyết, chủ nhuận tông cân (dương vật), nay lại bị khí huyết bất túc, tông cân thất dưỡng mà phế dụng, do đó gây ra dương nuy.

(5) Can kinh thấp nhiệt, tông cân mềm giãn: ẩm thực bất tiết, tỳ vị thụ thương, vận hóa thất chức, tích thấp thành nhiệt, thấp nhiệt kết hợp hạ tẩu can kinh; hoặc ngoại cảm thấp nhiệt tà, nội trở trung tiêu, hun đốt can đởm làm tổn thương tông cân gây tông cân mềm giãn không co cứng được dẫn đến dương nuy.

2. Triệu chứng lâm sàng

2.1. Lý do đến khám

Thường không quá khó khăn, bệnh nhân tự kể ra khi gặp thầy thuốc. Thường tập trung vào 3 nhóm:

(1) Mất hẳn ham muốn tình dục, vì thế dương vật luôn mềm xỉu.

(2) Vẫn còn ham muốn tình dục, nhưng dương vật không cương cứng được.

(3) Dương vật cương cứng trong thời gian rất ngắn, hoặc chưa kịp đưa vào âm đạo đã mềm xỉu, hoặc có thể đưa vào âm đạo nhưng sau đó mềm dần và xìu hẳn trong âm đạo. Cuộc giao hợp nửa vời không tạo được sự thỏa mãn cho cả 2 phía.

2.2. Bảng chỉ số quốc tế về chức năng cương dương (IIEF): để lượng hóa những thông tin trong việc chẩn đoán và xếp loại mức độ nặng nhẹ và làm cơ sở cho việc đánh giá kết quả điều trị, từ năm 1997 đã đề ra một thang điểm quốc tế để đánh giá chức năng cương dương vật.

2.3. Bệnh sử

2.3.1. Nội khoa

– Các bệnh tim mạch: cao huyết áp, xơ vữa động mạch

– Bệnh tiểu đường.

– Các bệnh tủy sống và não.

– Các bệnh đường tiết niệu – sinh dục

– Các thói quen: rượu bia, thuốc lá, ma túy…

2.3.2. Ngoại khoa

– Các chấn thương vùng chậu – sinh dục.

– Các phẫu thuật đã trải qua ở vùng tiểu khung, vùng bàng quang, tiền liệt tuyến,…

2.3.3. Trạng thái tâm lý, môi trường xã hội

– Cần phải xem các yếu tố tâm lý và môi trường xã hội đó có liên quan đến việc phát sinh trở ngại chức năng cương dương hay không.

– Tình trạng công việc, mối quan hệ của bệnh nhân và bạn tình,…là những điều thầy thuốc cần được biết rõ trước khi điều trị.

2.4. Thăm khám:

– Chú ý hình thể, lông tóc, trương lực cơ, có “người đàn ông ngực phụ nữ” không; những điều trên cho thầy thuốc biết có hay không các bệnh về tuyến giáp, tuyến thượng thận, Hội chứng Cushing…

– Bắt buộc phải kiểm tra huyết áp và động mạch tứ chi, động mạch đùi…để xem có tắc hẹp hay không.

– Đánh giá các phản xạ thần kinh vùng bẹn – bìu – tầng sinh môn như: cảm giác quanh hậu môn, cảm giác trương lực cơ vòng hậu môn, phản xạ hành lang…

– Có hay không gan lách to, chứng bụng ứ nước.

– Cần thăm khám kỹ lưỡng bộ phận sinh dục (dương vật, tinh hoàn, tiền liệt tuyến) để phát hiện các bệnh:

+ Biến đổi hình thể dương vật.

+ Các bệnh xơ cứng vật hang như Hội chứng La Peyronie ảnh hưởng đến chức năng cương dương.

+ Các bệnh viêm xơ, teo tinh hoàn hoặc mào tinh hoàn, tinh hoàn teo bẩm sinh.

+ Các bệnh vùng bẹn, bìu như: tinh hoàn ẩn, giãn tĩnh mạch tinh…

+ Các đặc điểm thứ phát từ động mạch đùi và chi dưới.

+ Các vết mổ vùng bụng dưới, vùng tiểu khung, vùng bàng quang, tiền liệt tuyến…

3. Cận lâm sàng

3.1. Xét nghiệm thường quy

Máu, nước tiểu, đường huyết lúc đói, chức năng gan, chức năng thận, mỡ máu…

3.2. Định lượng nội tiết tố trong máu

(1) Testosteron: nên xếp vào nhóm thường quy, nhưng testosteron ở nam giới trong 1 ngày có sự biến hóa theo quy luật, bình thường buổi sáng cao nhất, sau đó giảm đi 30%. Nếu nghi ngờ tiết xuất testosteron giảm đi thì phải kiểm tra testosteron 2 lần trở lên. Đối với bệnh nhân đồng thời có suy giảm testosteron và LH thì phải kiểm tra chẩn đoán hình ảnh tuyến yên để loại trừ khả năng tuyến yên hoặc vùng hạ đồi có dị thường.

(2) Prolactin: khi ham muốn tình dục và chức năng cương dương đều suy giảm, nhất là người trẻ, có thể nghi ngờ chứng cao prolactin, thường do bệnh tuyến yên gây ra. Các thuốc như methyldopa, cimetidine… cũng có thể gây ra tăng cao prolactin.

(3) Các nội tiết tố khác: nghi ngờ có bệnh tuyến giáp hay tuyến thượng thận thì kiểm tra các nội tiết tố tương ứng.

3.3. Để chẩn đoán do nguyên nhân thần kinh

3.3.1. Nghiệm pháp tiêm papaverin hoặc prostaglandin E1 vào vật hang

– Papaverin hoặc prostaglandin E1 là những chất cholinergic gây giãn mạch. Khi tiêm vào vật hang những chất trên thì theo cơ chế, dương vật được tưới máu và sẽ nở to ra.

– Cách tiến hành: tiêm trực tiếp vào vật hang 40mg papaverin hoặc 2,5-5 microgam prostaglandin E1 và theo dõi phản ứng của dương vật:

+ Dương tính: sau khi tiêm, dương vật bị thuốc tác dụng kích thích hỗ trợ và nở to ra. Điều đó chứng minh hệ thống thần kinh đáp ứng hiện tượng cương dương vật vẫn hoạt động nhưng bị rối loạn

+ Âm tính: sau khi tiêm, dương vật vẫn hoàn toàn mềm xỉu. Như vậy nguyên nhân không phải do cơ chế thần kinh mà do rối loạn vận mạch và cần tiếp tục làm các xét nghiệm khác về mạch máu.

– Khuynh hướng hiện nay nên dùng prostagladin E1 vì papaverin hay gây ra tai biến làm cương đau dương vật.

3.3.2. Ghi đồ thị cương dương

Dùng máy ghi đồ thị cương dương trong 24h/ngày để đánh giá được dương vật vẫn có những thời điểm tự cương lên được, nhất là về đêm. Điều đó chứng tỏ cơ chế thần kinh vần hoạt động được nhưng bị rối loạn không thể cương được đúng lúc theo ý muốn.

3.4. Để chẩn đoán do nguyên nhân vận mạch

Để phát hiện những vị trí tắc hẹp cơ giới của động mạch làm cho việc tưới máu vào dương vật giảm thấp và những đường rò rỉ hoặc quá nhiều tĩnh mạch tân tạo ở vật hang làm cho việc thoát máu quá nhanh ở vật hang, có thể tiến hành các phương pháp:

– Doppler

– Doopler siêu âm màu.

– Chụp động mạch thông thường.

– Chụp động mạch dương vật chọn lọc.

– Chụp vật hang

4. Chẩn đoán

4.1. Các yếu tố trọng điểm

– Thanh niên, đàn ông trưởng thành, khi quan hệ tình dục dương vật không cương cứng được, không thể tiến hành giao hợp được.

– Thường có tiền sử quan hệ quá nhiều, thủ dâm thuở thiếu thời. Hay kèm theo tinh thần mỏi mệt, eo gối đau mỏi, sợ lạnh, tay chân lạnh, tiểu tiện bất thông sướng, dầm dề không hết.

– Loại trừ các trường hợp cơ quan sinh dục phát triển không bình thường hoặc các thuốc gây ra liệt dương.

4.2. Chẩn đoán phân biệt

(1) Xuất tinh sớm: là hiện tượng dương vật có thể cương cứng nhưng thời gian giao hợp cực ngắn, thậm chí vừa tiếp xúc âm đạo là đã phóng tinh, tiếp đó là dương vật mềm xỉu không thể tiếp tục giao hợp bình thường được. Còn liệt dương thì dương vật căn bản không thể cương cứng được nên không thể đưa vào âm đạo tiến hành giao hợp bình thường được.

(2) Dương thúc (co rút dương vật): khởi bệnh đột ngột cấp tính, đặc điểm là dương vật co rút lại đau đớn kèm theo đau xoắn cơ bụng dưới, đau dữ dội, sợ lạnh, tay chân lạnh. Còn liệt dương là dương vật không cương cứng được để tiến hành giao hợp, nhưng không xuất hiện dương vật co rút, bụng dưới đau đớn.

5. Điều trị

5.1. Nguyên tắc điều trị

Chữa trị liệt dương có nhiều phương pháp như tâm lí trị liệu, thuốc Tây, thuốc Đông y, vật lí trị liệu, ngoại khoa nhưng quan trọng là phải chữa đúng nguyên nhân thì mới có kết quả tốt được.

Có rất nhiều bệnh nhân có tới 2 nguyên nhân gây bệnh trở lên, do đó nên kết hợp nhiều biện pháp lại để nâng cao hiệu quả điều trị.

Điều trị nên theo hướng cá thể hóa, căn cứ theo tình hình bệnh nhân, bệnh sử, tuổi tác và nguyện vọng chữa trị của 2 vợ chồng mà định ra phương án điều trị cho mỗi bệnh nhân.

Trên lâm sàng, Đông y chủ yếu thích hợp điều trị những trường hợp liệt dương cho chức năng dương vật gặp trở ngại, đối với các trường hợp do nguyên nhân thể chất và nguyên nhân khác thì nên điều trị kết hợp nhiều phương pháp.

Nếu bệnh nhân còn trẻ, quá trình bệnh ngắn thì hoạt huyết hóa ứ là chủ yếu, có thể kết hợp thuốc bổ thận ích khí, sơ can lí khí, thanh nhiệt lợi thấp, không nên chọn các thuốc phá huyết hao khí. Nếu bệnh nhân hơi lớn tuổi, quá trình bệnh lâu dài thì nên xem xét tỉ mỉ tình trạng bệnh nhân và bệnh sử mà quyết định bổ thận ích khí và hoạt huyết hóa ứ là chủ yếu; hoặc bổ thận ích khí là chủ yếu, hoạt huyết hóa ứ là phụ.

5.2. Y học cổ truyền

5.2.1 Biện chứng luận trị

(1) Mệnh môn hỏa suy

Triệu chứng: Dương vật không cương được hoặc cương mà không cứng, tinh hư, loãng, lạnh, tinh thần ủy mị, mệt mỏi, chóng mặt ù tai, sắc mặt trắng bệch, eo gối mỏi nhức, sợ lạnh, tứ chi lạnh, lưỡi nhạt, rêu trắng, mạch trầm tế vô lực.

Trị pháp: điền tinh ích tủy, ôn thận trợ dương.

Phương dược: Tán Dục Đan gia giảm.

(2) Kinh khủng thương thận

Triệu chứng: sau khi gặp phải sự kinh sợ, dương vật không cương được hoặc cương không cứng, sợ hãi đa nghi, hay quên đa mộng, tâm quý, ngủ không yên giấc, tinh thần ủy mị, mệt mỏi, lười nói, rêu mỏng trắng, mạch trầm huyền tế.

Trị pháp: ninh thần bổ thận, thăng thanh chấn nuy

Phương dược: Tuyên Chí Thang gia giảm. Có thể gia Long Cốt, Mẫu Lệ để tăng ninh tâm; gia Thục Địa để trợ dưỡng âm.

(3) Can khí uất kết

Triệu chứng: dương vật không cương, tình chí uất ức, ngực sườn trương mãn đầy tức, dễ tức giận, hay thở dài, lưỡi đỏ, mạch huyền tế.

Trị pháp: sơ can giải uất, thông lạc chấn nuy.

Phương dược: Đạt Uất Thang gia giảm. Có thể gia Hợp Hoan Bì, Ngô Công, Phòng Phong để thông lạc chấn nuy; nếu có kèm thận hư thì thêm Kỷ Tử, Thỏ Ty Tử, Nhục Thung Dung; nếu can uất hóa nhiệt thì gia Đan Bì, Sao Chi Tử, để thanh can nhiệt; mất ngủ hay mơ thì thêm Dạ Giao Đằng.

Vị thuốc Kỷ tử điều trị yếu sinh lý
Vị thuốc Kỷ tử điều trị yếu sinh lý

(4) Tâm tỳ lưỡng hư

Triệu chứng: Không cương dương được, tinh thần bất chấn, đêm ngủ không yên, tâm quý, hay quên, mệt mỏi, ăn uống kém, mặt vô sắc, lưỡi nhợt, rêu mỏng nhầy, mạch tế.

Trị pháp: bổ ích tâm tỳ

Phương dược: Quy Tỳ Thang gia giảm. Mất ngủ nặng thêm Dạ Giao Đằng; kèm theo can uất phiền táo thì thêm Hợp Hoan Bì; kèm theo đởm hư đàm nhiễu thì thêm Đởm Nam Tinh.

(5) Can kinh thấp nhiệt:

Triệu chứng: dương vật mềm xỉu, không cương được hoặc cương mà không cứng, tinh hoàn ẩm ướt, xệ, có mùi hôi, nặng thì sưng đau; người mệt mỏi, tứ chi nặng nề, tâm phiền, miệng khát, đại tiện nhầy nhớt, tiểu tiện đỏ, lưỡi đỏ, rêu vàng nhầy, mạch hoạt sác.

Trị pháp: thanh hóa thấp nhiệt, tả can lợi đởm.

Phương dược: Long Đởm Tả Can Thang gia giảm. Hạ tiêu khí trệ thủy ngưng thêm Bội Lan; vùng sinh dục ngứa nặng thì thêm Địa Phu Tử, Khổ Sâm; vùng sinh dục có mủ thì thêm Thổ Phục Linh, Ý Dĩ Nhân; cơ địa tỳ vị hư nhược không chịu được vị thuốc đắng thì Mộc Thông, Long Đởm Thảo, Hoàng Cầm liều lượng nên nhỏ hoặc cho thêm vài lát gừng.

5.2.2. Châm cứu

Nguyên tắc trị liệu: hư dùng bổ pháp, thực dùng tả pháp.

* Thận hư: Thận Du, Kinh Môn, Thái Khê, Phục Lưu, Mệnh Môn.

* Tỳ hư: Tỳ Du, Túc Tam Lý.

* Tâm dương hư: Cự Khuyết, Thần Môn, Thiếu Xung.

* Phế khí hư: Phế Du, Trung Phủ, Thái Uyên, Quan Nguyên, Khí Hải.

* Can uất: Can Du, Kì Môn, Thái Xung, Khúc Tuyền. Thủ pháp kích thích mạnh, lưu châm 30 phút, mỗi ngày 1 lần.

* Mệnh môn hỏa suy, tâm tì lưỡng hư: Quan Nguyên, Tam Âm Giao, Hội Âm. Khi châm nên cứu.

5.2.3. Phương kinh nghiệm

* Rượu Dâm Dương Hoắc: Dâm Dương Hoắc 30g tẩm với 500g rượu, uống lâu ngày hiệu quả tốt.

Dâm dương hoắc điều trị yếu sinh lý
Dâm dương hoắc điều trị yếu sinh lý

* Địa Phu Tử, Dương Khởi Thạch nghiền nhuyễn, mỗi thứ 6g hòa với rượu uống mỗi ngày 2 lần, dùng trị chứng mệnh môn hỏa suy.

* Thiên Hùng, Thỏ Ty Tử nghiền thành bột, mỗi thứ 6g hòa với rượu chữa mệnh môn hỏa suy gây dương nuy.

* Ngưu Biên 1 gốc, Hạt Hẹ 25g, Dâm Dương Hoắc 15g, Thỏ Ty Tử 15g trộn lẫn thành bột, mỗi tối hòa vào rượu uống 5g.

* Đuôi Tắc Kè 10g, Lộc Nhung 10g trộn lận thành bột chia làm 10 bao, mỗi lần nửa bao uống trước khi ăn.

* Tàm Nga 25g đốt lửa nhỏ cho đến khi khô thì nghiền thành bột, mỗi tối uống 3g.

* Xà Sàng Tử 30g, Ngũ Bội Tử 15g, Thỏ Ty Tử 30g nghiền thành bột trộn lại, hòa với rượu uống ngày 2 lần, mỗi lần 6g.

5.2.4. Rượu thuốc

(1) Thận dương hư:

* Rượu Lộc Nhung: Nhung hươu non 6g, Sơn Dược 10g, rượu trắng 500ml. Đem nhung hươu và Sơn Dược cắt miếng cho vào hũ rượu đậy kín, thường xuyên lắc đều, 7 ngày sau thì dùng được, mỗi lần 10-20ml, mỗi ngày sáng chiều 1 lần.

* Rượu Tiên Linh Tỳ: Tiên Linh Tỳ 60g, rượu trắng 500ml. Cắt vụn Tiên Linh Tỳ cho vào hũ rượu đậy kín để ở nơi khô mát, thường xuyên lắc đều, 7 ngày sau dùng được, mỗi lần 20-30ml, sáng chiều 1 lần.

* Rượu Hải Cẩu Thận: Hải Cẩu Thận 60g, rượu trắng 500ml. Đem Hải Cẩu Thận xay nhuyễn cho vào túi vải buộc chặt, bỏ vào hũ sạch miệng rộng rồi đổ rượu vào đậy kín nắp lại, để ở nơi khô ráo tránh ánh nắng, thường xuyên lắc đều, 7 ngày sau dùng được, sáng chiều 1 lần, mỗi lần 20-30ml.

(2) Can thận âm hư: rượu Kỳ Tử Sinh Địa: Kỳ Tử 250g, Sinh Địa 30g, rượu trắng 1500ml. Các thuốc đảo đều cho vào hũ đậy kín lại đến 15 ngày sau thì bỏ cặn là dùng được; mỗi ngày sáng chiều 1 lần, mỗi lần uống ấm 10-20ml khi bụng trống.

(3) Tinh huyết bất túc: Rượu Ngũ Tử: Phúc Bồn Tử, Thỏ Ty Tử, Kim Anh Tử, Kỷ Tử, Chử Thực Tử, Tang Phiêu Tiêu mỗi thứ 60g, rượu trắng 2500ml. Các thuốc trên đập vụn cho vào túi vải, buộc chặt lại, cho vào trong vại rồi đổ rượu vào đậy kín, để nơi khô ráo thoáng mát, mỗi ngày lắc đều thường xuyên. 14 ngày sau mở nắp, lọc bỏ cặn cho vào bình sạch rồi đậy kín lại là dùng được. Mỗi sáng chiều 1 lần, mỗi lần 20-30ml.

Chú ý: bài rượu này có tác dụng thu sáp rất mạnh, người nào âm hư hay dương hư rõ rệt thì phải cẩn thận khi dùng.

(4) Đa tạng hư tổn: Thiên Khẩu Nhất Bối Tửu: Nhân Sâm, Thục Địa, Kỷ Tử mỗi thứ 15g, Tiên Linh Tỳ, Viễn Chí, Đinh Hương, Sa Uyển Tật Lê mỗi thứ 9g, Trầm Hương 3g, Lệ Chi Nhục 7 cái. Các thuốc trên dùng 1000ml Hoàng Tửu tẩm 3 ngày, đậy thật kín. Trước khi uống đem rượu đun đến khi sôi, uống 10ml từng hớp một, lưỡi cảm thấy có vị rượu thì uống tiếp hớp nữa. Bài rượu này có tác dụng bồi bổ hạ nguyên, dưỡng tâm huyết; thích hợp dùng trong trường hợp hạ nguyên hư tổn, tâm huyết bất túc gây liệt dương.

5.2.5. Dùng ngoài

(1) Đắp rốn: Tiểu Hồi Hương 5g, Bào Khương 5g nghiền thành bột trộn lẫn với ít muối ăn và sữa người (có thể dùng mật ong hoặc máu gà), đắp lên rốn, dùng giấy vải và băng keo cố định, 5-7 ngày sau thì gỡ ra.

(2) Bôi lên huyệt: Cấp Tính Tử 1g, Thiềm Tô 3g, Nha Phiến 3g, Xạ Hương 0,5g, Thông Bạch lượng vừa phải. 3 vị đầu nghiền thành bột rồi trộn lẫn với Xạ Hương, cho ít giọt nước để nặn thành 1 viên hoàn, hành nghiền nhuyễn ra rồi bọc lấy viên hoàn, ngoài dùng giấy ướt bao thêm 1 lớp rồi lùi trong lửa than gỗ khoảng 3-5 phút, lấy ra đổi giấy ướt; cứ thế làm 7 lần xong bỏ lớp giấy và hành đi, lấy thuốc ra nặn thành viên cỡ hạt đậu xanh là dùng được. Trước khi ngủ lấy ra 3 viên, hòa với ít rượu trắng đem bôi lên huyệt Thần Khuyết, Khúc Cốt, đầu dương vật, mỗi tối 1 lần có hiệu quả ngay tức thì. Nhưng không được dùng lâu, dễ dẫn đến suy nhược thần kinh.

6. Điều dưỡng & dự phòng

– Lập chí hướng, thư giãn tâm hồn. Thanh tâm quả dục, tâm tình thoáng đạt, tinh thần vui vẻ, tập thể thao, luyện khí công tăng cường thể chất nhưng cũng phải biết kết hợp chế độ nghỉ ngơi hợp lý.

– Ăn uống điều độ, sinh hoạt hợp lý, điều tiết đời sống tình dục, chú ý bảo tinh dưỡng khí, bỏ tật thủ dâm và tránh các thuốc dẫn đến liệt dương.

– Khi mắc bệnh, nam nữ cả hai người đều phải hiểu rõ và cùng đối mặt, tìm ra nguyên nhân, tích cực điều trị. Người nữ phải thật đồng tình thông cảm cho người nam, tránh cái nhìn miệt thị, chỉ trích. Có thế người nam mới có được nghị lực và tự tin, có lợi cho điều trị. Đối với liệt dương do nguyên nhân tâm lý, có thể phối hợp với người nữ để giáo dục phương pháp tâm lý trị liệu và kiến thức tình dục để giúp đỡ người nam trị bệnh.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận