Điều trị trật khớp háng bẩm sinh ở trẻ

Trật khớp háng bẩm sinh là tình trạng chỏm xương đùi của một hoặc cả hai bên khớp háng bị trật ra khỏi vị trí bình thường của khớp háng. Tỉ lệ mắc dị tật này là 1/800 – 1.000 trẻ sơ sinh. Xảy ra ở nữ nhiều hơn ở nam. Nếu được phát hiện sớm, việc điều trị sẽ đơn giản hơn nhiều.

Hiện nay, nguyên nhân cụ thể dẫn đến dị tật bẩm sinh này vẫn còn được nghiên cứu. Có một số giả thuyết cho rằng, đột biến nhiễm sắc thể, tình trạng nhiễm trùng của mẹ khi mang thai, tư thế thai nhi bất thường có thể là nguyên nhân. Khảo sát cho thấy, những trường hợp có nguy cơ cao là sinh ngược và sinh con so. Cho đến nay, chưa có cách nào để phòng ngừa dị tật trật khớp háng bẩm sinh. Vì vậy, việc phát hiện sớm rất quan trọng trong điều trị trật khớp háng bẩm sinh ở trẻ.

Những dấu hiệu của trật khớp háng bẩm sinh

Trật khớp háng có thể phát hiện ngay sau sinh hoặc một vài tuần đầu sau sinh. Có 8 dấu hiệu giúp phát hiện sớm ngay sau sinh là:

Chênh lệch chiều dài hai chân: Chân bên bị trật khớp háng ngắn hơn bên đối diện. Nhưng nếu trật khớp háng cả hai bên sẽ khó phát hiện.

Hình ảnh trật khớp háng trái trên phim chụp Xquang.
Hình ảnh trật khớp háng trái trên phim chụp Xquang.

Hình ảnh trật khớp háng trái trên phim chụp Xquang.

Nếp lằn mông, đùi ở chân bên trật ít hơn và cao hơn bên lành.

Bàn chân đổ ngoài khi trẻ nằm duỗi chân.

Tư thế gấp gối, khớp gối bên trật thấp hơn.

Hạn chế gấp và dạng khớp háng bên trật.

Dáng đi khập khiễng nếu trật khớp háng hai bên.

Khi gấp và khép háng, chỏm xương đùi trượt ra ngoài ổ khớp tạo nên tiếng kêu “lục cục” (ở trẻ dưới 6 tháng tuổi).

Khi dạng và duỗi khớp háng, chỏm xương đùi trượt ra khỏi ổ khớp tạo nên tiếng kêu “lục cục” (ở trẻ dưới 6 tháng tuổi).

Ngoài ra, nếu chụp khớp háng hoặc siêu âm khớp háng có thể giúp chẩn đoán trật khớp háng.

Biến chứng do trật khớp háng

Nếu trẻ bị trật khớp háng bẩm sinh mà không được điều trị thì sẽ bị một số biến chứng như sau:

Thoái hóa khớp háng bên trật khớp gây đau, làm dáng đi trở nên bất thường; Hai chân có chiều dài không cân xứng, trẻ trở nên chậm chạp ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày. Đối với trẻ gái, trật khớp háng sẽ gây biến dạng khung chậu làm ảnh hưởng đến vấn đề sinh đẻ sau này. Gây gù, vẹo cột sống do tình trạng bất cân xứng của chi dưới.

Dấu hiệu trật khớp háng bên trái
Dấu hiệu trật khớp háng bên trái

Dấu hiệu trật khớp háng bên trái.

Điều trị trật khớp háng bẩm sinh

Điều trị trật khớp háng bẩm sinh tốt nhất là can thiệp sớm ngay sau khi sinh. Nếu dị tật này được phát hiện ngay sau khi sinh, việc điều trị chỉ đơn giản là duy trì tư thế khớp háng dạng và đầu gối gấp, trong khoảng 2 tháng. Có thể duy trì tư thế này bằng các phương pháp như:

Đóng bỉm vệ sinh, dùng tã gấp dày để giữ cho khớp háng dạng ra; Cõng hoặc địu trẻ; Đặt trẻ nằm sấp khi ngủ; Đối với trẻ bị tật này từ 1 đến 6 tháng tuổi, việc điều trị cũng được thực hiện theo cách trên và thông thường sau từ 3 đến 4 tuần, khớp háng sẽ trở lại vị trí bình thường. Kỹ thuật này cho phép thành công từ 90 – 95% trường hợp.

Trong trường hợp cần có can thiệp toàn diện, có thể bó bột, thực hiện các bài tập vận động, sử dụng nẹp chỉnh hình. Khi điều trị bảo tồn thất bại cần phẫu thuật chỉnh hình sớm.

Nẹp chỉnh hình: Nẹp khớp háng làm bằng xốp mềm điều trị trật khớp háng một hoặc hai bên. Thời gian đeo nẹp: Ngay sau sinh đến khi trẻ 12 tháng tuổi. Liên tục đeo cả ngày và đêm trong 6 tháng đầu. Đeo nẹp vào đêm trong 6 tháng tiếp theo.

Bó bột chỉnh hình: Bó bột chỉnh hình được chỉ định cho trẻ trật khớp háng bẩm sinh dưới 6 tháng tuổi. Thời gian bó bột khoảng 2 tuần/ đợt, thực hiện khoảng 10 – 15 đợt. Bố mẹ hoặc người chăm sóc trẻ cần lưu ý theo dõi sau bó bột tại nhà. Nếu thấy hiện tượng các ngón chân sưng, tím, khiến trẻ đau, quấy khóc cần tháo bột ngay tránh hoại tử. Sau tháo bột cần tắm rửa sạch sẽ, bôi cồn iốt vào chỗ xước loét.

Phẫu thuật chỉnh hình: Nếu từ khi sinh đến 18 tháng, trẻ bị trật khớp bẩm sinh không được can thiệp gì, chỉ định điều trị là phẫu thuật chỉnh hình. Phẫu thuật chỉnh hình sớm nếu điều trị bảo tồn không có kết quả, giúp trẻ cải thiện dáng đi sau này.

Trật khớp háng bẩm sinh ở trẻ lớn, điều trị phẫu thuật rất nhiều khó khăn với nhiều kỹ thuật khác nhau: tạo hình ổ cối, sửa trục cổ – chỏm xương đùi… Tuy nhiên, kết quả còn rất hạn chế. Vì vậy, đối với dị tật trật khớp háng bẩm sinh phát hiện sớm rất cần thiết, giúp cho việc điều trị dễ dàng đạt kết quả tốt.

BSCKII. Phùng Ngọc Hòa – ThS. Dương Đình Toàn

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận