Cụ ông’nuốt’ cả hàm răng giả khi đang ăn sáng

Các bác sĩ BVĐK tỉnh Quảng Trị vừa tiến hành nội soi gắp dị vật là cả hàm răng giả trong thực quản vùng cổ cho cụ ông bị hóc khi đang ăn sáng.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Phan Văn Tú – Phó trưởng khoa Tai-mũi-họng, người trực tiếp lấy dị vật cho biết: 8 giờ 15 phút ngày 7/9, khoa Tai-mũi-họng của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị đã tiếp nhận ông N.V.M.- 62 tuổi, ở phường 3, thành phố Đông Hà vào viện trong tình trạng nuốt đau xóc vùng cổ, nuốt vướng nghẹn kèm cảm giác khó thở do bị hóc hàm răng giả khi đang ăn sáng.

Nội soi vùng hạ họng-thanh quản chưa thấy dị vật, thấy có ứ đọng nước bọt, ấn vùng cổ hai bên cảm thấy đau tức, lọc cọc thanh quản-cột sống cổ dấu hiệu không rõ ràng; chụp X-quang thực quản cổ nghiêng thấy hình ảnh dị vật cản quang lớn ở phần mềm trước đốt sống cổ.

Hàm răng giả được lấy ra từ thực quản vùng cổ của bệnh nhân

Với chẩn đoán xác định dị vật thực quản vùng cổ do hóc răng giả, khoa Tai-mũi-họng đã tiến hành nội soi thực quản cấp cứu kiểm tra, gắp lấy toàn bộ dị vật là hàm răng giả có móc kim loại cứng sắc nhọn dài hơn 5 centimet ở thực quản cổ của ông N.V.M.

Theo BS Tú, trong thực tế, các trường hợp bị hóc răng giả không hiếm nhưng rơi nguyên hàm răng giả có khung thép sắc nhọn xuống thực quản thì rất hy hữu. Khi rơi xuống thực quản cổ, hàm răng giả sắc nhọn sẽ gây thủng nhiều mạch máu ở thực quản, làm áp-xe vùng cổ, phù nề, chèn ép, khó thở, tràn mủ xuống thanh-khí quản ở phía trước và cả vùng trung thất nên người bệnh có nguy cơ tử vong. Tuy bị hóc hàm răng giả sắc nhọn có kích thước khá lớn nhưng nhờ người bệnh vào viện sớm mà thực quản vùng cổ chưa có phù nề, chưa có giả mạc nên thuận lợi khi soi gắp dị vật.

Để tránh bị hóc tương tự, người sử dụng răng giả tháo lắp nói chung cần cẩn trọng khi đánh răng, nên tháo răng giả trước khi ngủ, kiểm tra trước đối với các thức ăn cứng và nhai kỹ khi ăn,…

(Theo SK&ĐS)

Nguồn Vietnamnet

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận