[Cơ xương khớp] Phác Đồ Chẩn Đoán, Điều Trị Viêm Khớp Dạng Thấp

PHÁC ĐỒ CHẨN ĐOÁN, ĐIỀU TRỊ VIÊM KHỚP DẠNG THẤP

1. ĐẠI CƯƠNG

Viêm khớp dạng thấp (VKDT – Rheumatoid Arthritis) là một bệnh lý khớp tự miễn, nguyên nhân chưa rõ, diễn biến mạn tính và tiến triển với các biểu hiện tại khớp, ngoài khớp và toàn thân ở nhiều mức độ khác nhau, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh hoạt và lao động của người bệnh. Do hậu quả nặng nề, cần điều trị tích cực ngay từ đầu với mục đích kiểm soát các đợt tiến triển, tránh tàn phế.

2.BIỂU HIỆN LÂM SÀNG

Tổn thương tại khớp: Viêm màng hoạt dịch thường ở các khớp ngoại biên, đối xứng, tiến triển từng đợt, có xu hướng nặng dần gây hủy hoại sụn khớp, đầu xương, biến dạng khớp.

Tổn thương ngoài khớp: Khô mắt (H/c Sjogren). Viêm màng ngoài tim, viêm nội tâm mạc, viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim, viêm mạch máu. Tràn dịch màng phổi, xơ phổi, viêm phổi mô kẽ. Hội chứng ống cổ tay, chèn ép tủy cổ do trật khớp đội – trục, viêm đa dây thần kinh. Nốt thấp …

Tổn thương toàn thân: Mệt mỏi, sụt cân, thiếu máu, sốt kéo dài, suy nhược …

3. CHẨN ĐOÁN

Có 2 bộ tiêu chuẩn thường được áp dụng.

3.1. Tiêu chuẩn hội thấp khớp học Hoa Kỳ 1987 (ACR 1987).

Độ nhạy 91 – 94%, độ đặc hiệu 89%.

1. Cứng khớp buổi sáng kéo dài trên 1 giờ.

2. Viêm (sưng phần mềm hay tràn dịch) tối thiểu 3 trong số 14 khớp (hai bên) sau: Khớp liên đốt gần bàn tay, khớp bàn ngón tay, khớp cổ tay, khớp khuỷu, khớp gối, khớp cổ chân, khớp bàn ngón chân.

3. Viêm các khớp ở bàn tay: Sưng tối thiểu một trong số các nhóm khớp cổ tay, khớp liên đốt gần, khớp bàn ngón.

4. Viêm khớp đối xứng.

5. Hạt dưới da.

6. Yếu tố dạng thấp (RF) dương tính.

7. Xquang: Hình ảnh bào mòn xương, hốc, khuyết đầu xương, hẹp khe khớp lớn, mất chất khoáng đầu xương.

Chẩn đoán xác định: Khi có ≥ 4/7 yếu tố.

Triệu chứng viêm khớp (yếu tố 1 – 4) cần có thời gian diễn biến > 6 tuần và được xác định bởi thầy thuốc.

3.2. Tiêu chuẩn hội thấp khớp hoc Hoa Kỳ và Liên đoàn chống Thấp khớp Châu âu 2010 (ACR/EULAR 2010)

Tiêu chuẩn này áp dụng trong trường hợp bệnh ở giai đoạn sớm, trước khi có tổn thương khớp trên Xquang.

A. Biểu hiện tại khớp.

Số lượng khớp

Điểm

1 khớp lớn

0

2 – 10 khớp lớn

1

1 – 3 khớp nhỏ (có hoặc không có biểu hiện tại các khớp lớn)

2

4 – 10 khớp nhỏ (có hoặc không có biểu hiện tại các khớp lớn)

3

> 10 khớp (ít nhất phải có 1 khớp nhỏ)

5

B. Huyết thanh.

Chỉ số huyết thanh

Điểm

RF và Anti CCP âm tính:

0

RF hoặc Anti CCP dương tính thấp (1 – 3 lần chỉ số bình thường)

2

RF hoặc Anti CCP dương tính cao (> 3 lần chỉ số bình thường)

3

C. Chỉ số viêm giai đoạn cấp.

Chỉ số viêm

Điểm

Vs và CRP bình thường

0

Vs hoặc CRP tăng

1

D. Thời gian hiện diện các triệu chứng.

Thời gian

Điểm

< 6 tuần

0

> 6 tuần

1

Chẩn đoán xác định khi có 6/10 điểm.

3.3 Xét nghiệm cận lâm sàng cần chỉ định.

– Xét nghiệm thường qui cơ bản: Huyết đồ, tốc độ máu lắng, CRP, chức năng gan, thận, xquang tim phổi, điện tâm đồ …

– Các xét nghiệm đặc hiệu:

. Yếu tố dạng thấp RF: Độ nhạy 60 – 70%, độ chuyên 60%.

. Anti CCP: Độ nhạy 75 – 80%, độ chuyên > 90%.

. Xquang khớp: Thường chụp 2 bàn tay thẳng hoặc các khớp bị tổn thương.

3.4. Chẩn đoán phân biệt

Lupus ban đỏ hệ thống (ANA có thể dương tính trong một số trường hợp VKDT hoặc ngược lại).

Thoái hóa khớp.

Viêm khớp trong bênh gút mạn tính.

Viêm cột sống dính khớp.

Viêm khớp vảy nến.

4. ĐIỀU TRỊ

4.1. Mục tiêu điều trị:

– Giảm đau kháng viêm.

– Bảo tồn chức năng vận động.

– Duy trì chất lượng sống.

– Phòng ngừa biến dạng khớp.

4.2. Nguyên tắc:

– Điều trị toàn diện, tích cực, dài hạn và theo dõi thường xuyên.

4.3. Điều trị triệu chứng:

Nhằm cải thiện triệu chứng viêm, giảm đau, duy trì khả năng vận động.

Ức chế không chọn lọc COX2

Ức chế chọn lọc (chuyên biệt) COX2

Diclofenac 100 – 150mg/ngày

Meloxicam 7,5 – 15 mg/ngày

Piroxicam 20mg/ngày

Celecoxib 200 – 40mg/ngày

Etoricoxib 60 – 120mg/ngày

Lưu ý: Thận trọng khi dùng cho các bệnh nhân > 65 tuổi, tiền sử bệnh lý dạ dày ruột, hen phế quản, tim mạch. Điều trị dài ngày cần theo dõi chức năng gan, thận và bảo vệ dạ dày bằng các thuốc ức chế bơm proton.

Corticoid (prednisolone, Prednisone, Methylprednisolone): Thường điều trị ngắn hạn trong lúc chờ đợi các thuốc điều trị cơ bản có hiệu lực. Chỉ định khi có đợt tiến triển.

Đôi khi chỉ định dài hạn, khi không đáp ứng điều trị triệu chứng thông thường (lưu ý giảm liều theo bậc).

Khởi đầu: 20 – 40mg Prednisone hoặc 16 – 32mg Methylprednisolon. uống hàng ngày vào 8 giờ sáng, sau ăn. Tùy theo tình trạng lâm sàng có thể dùng liều cao 40 mg Methylprednisolone TM mỗi ngày.

Tình trạng cấp đe dọa tính mạng (kèm viêm mạch máu, biểu hiện ngoài khớp nặng): Bắt đầu 500 – 1000 mg Methylprednisolone truyền tĩnh mạch trong 30 – 45 phút/ngày x 3 ngày liên tục. Sau đó chuyển về liều điều trị thông thường.

Khi đạt đáp ứng lâm sàng và xét nghiệm, giảm dần liều, duy trì liều thấp nhất có tác dụng (<5mg hàng ngày hoặc cách ngày) sau đó ngưng (nếu có thể) khi điều trị cơ bản có hiệu lực.

4.4. Điều trị cơ bản:

* Các thuốc DMARDs làm chậm hoặc ngưng tiến triển, cần điều trị lâu dài và theo dõi triệu chứng lâm sàng, cân lâm sàng mỗi tháng trong 3 tháng đầu, sau đó mỗi 3 tháng trong suốt thời gian điều trị. Cần làm các XN tầm soát Lao và Viêm gan siêu vi trước khi điều trị.

> Methotrexate viên 2,5 mg. Khởi đầu 7,5 mg/1lần/1tuần. Liều thông dụng trong khoảng 5 – 25 mg/ tuần. MTX được coi là thuốc chọn lựa đầu tay và cơ bản. Cần T/D huyết đồ, transaminases, chức năng thận và hô hấp mỗi 1-2 tháng. Khi dùng liều cao, nên dùng thêm acid folic 1-4mg/ngày để phòng ngừa tác dụng phụ.

> Sulfasalazin viên 500mg. Khởi đầu 500 mg/ngày, tăng mỗi 500mg/tuần, duy trì ở liều 1000mg 2 lần/ngày. Theo dõi công thức bạch cầu mỗi 6 tháng.

> Leflunomide viên 100mg và 20mg. Khởi đầu với liều tải 100mg/ngày, sau đó duy trì 10mg-20mg/ ngày. Phụ nữ cần được ngừa thai trong thời gian điều trị.

> Hydroxychloroquine viên 200mg. Liều thông dụng 200-400mg/ ngày. Kiểm tra mắt mỗi 6 tháng.

Có thể kết hợp Methotrexate với Sulfasalazin, lefflunomide hoặc Hydroxychloroquine, hoặc kết hợp 2-3 loại trên.

* Điều trị sinh học:

Thể nặng, không đáp ứng hoặc đáp ứng kém với phác đồ điều trị cơ bản kinh điển, hoặc có yếu tố tiên lượng nặng. Sau 6 tháng Methotrexate 7,5 – 25 mg/tuần kết hợp với 1 trong các thuốc sinh học tới đây:

– Anti TNF a: Etanercept 50mg/tuần TDD hoặc Iníliximab 2 – 3 mg/kg mỗi 4 – 8 tuần

– Anti IL6: Tocilizumab 8 mg/kg 1 tháng 1 lần TTM. Tocilizumab có thể đơn trị liệu nếu kém dung nạp methotrexate.

– Anti CD20 (antiLympho B): Rituximab 500 – 1000 mg 2 lần cách nhau 2 tuần/1 năm (có thể sử dụng 2 liệu trình /năm).

4.5. Các điều trị khác:

4.5.1 Các biện pháp ngoài thuốc:

+ Tập luyện, hướng dẫn vận động chống cứng khớp. Trong đợt viêm cấp, để khớp nghỉ ở tư thế cơ năng, tránh kê độn tại khớp. Khuyến khích tập ngay khi triệu chứng viêm thuyên giảm, cả chủ động và thụ động.

+ Phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, tắm suối khoáng.

4.5.2. phẫu thuật chỉnh hình: Cắt xương sửa trục, thay khớp (khi có chỉ định).

4.5.3. Phòng ngừa và điều trị các biến chứng của điều trị, và các bệnh kèm theo.

+ Viêm loét ống tiêu hoá. Thường dùng ức chế bơm proton hay misoprostol.

+ Phòng ngừa và điều trị loãng xương. Khi sử dụng corticoid trên 1 tháng cần chỉ định điều trị dự phòng loãng xương. Tùy theo mức độ loãng xương, tuổi, giới và điều kiện cụ thể của BN mà lựa chọn thuốc phù hợp (Bisphosphonate, Calcitonin).

+ Biến chứng tim mạch.

+ Thiếu máu thiếu sắt.

5. THEO DÕI VÀ TIÊN LƯỢNG

– Xét nghiệm khi cần thiết, tùy theo diễn biến của bệnh.

– Khi Transaminase tăng trên 2 lần chỉ số bình thường nên ngừng methotrexate.

– Tiên lượng nặng khi: Tổn thương viêm nhiều khớp, bệnh nhân nữ, RF và/hoặc Anti CCP dương tính cao, có các biểu hiện ngoài khớp, HLADR4 dương tính.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận