[Chứng trạng] Chứng Vị nhiệt trong Đông y

Chứng Vị nhiệt còn gọi là chứng Vị hỏa, do ăn các thức cay nóng nồng hậu, hoặc ngũ chí quá cực, hóa hỏa sinh nhiệt, hoặc ngoại tà hóa nhiệt, phạm Vị đến nỗi Vị nhiệt quá thịnh, ngấu nhừ đồ ăn, Vị khí nung nấu gây nên các chứng trạng chủ yếu như chóng tiêu hay đói, khát nước hôi miệng v.v…

Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là ăn nhiều hay đói, khát nước ưa uống lạnh, Vị quản đau hoặc có cảm giác nóng rát, hôi miệng táo bón, chân răng sưng đau, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch Sác hữu lực.

Chứng Vị nhiệt thường gặp trong các bệnh Vị quản thống, Tiêu khát, Chân răng sưng đau, Ẩu thố v.v…

Cần chẩn đoán phân biệt với các chứng Dương minh Kinh chứng, chứng Dương minh Phủ thực chứng.

Phân tích

Nhiệt với hỏa đều thuộc Dương tà (Dương thịnh thì nhiệt) chỉ có khác nhau tý chút; Nhiệt cực là Hỏa, cho nên đều có đặc điểm của Hỏa là phát bệnh nhanh, tính chất bốc lên, rất dễ thương Âm. Vị là táo thổ, “ưa nhuận ghét táo, Kinh Túc Dương minh Vị lại là Kinh nhiều huyết và nhiều khí; Dương minh bị tà khí rất dễ hóa nhiệt, cho nên chứng Vị nhiệt, lâm sàng thường thấy các chứng Lý nhiệt. Nhưng trong tật bệnh khác nhau, biểu hiện lâm sàng cũng không giống nhau.

– Chứng Vị nhiệt trong bệnh Vị quản thống, có thể thấy chứng trạng Vị quản nóng rát và đau từng cơn, tình thế bệnh cấp bách, có thêm chứng khát ưa uống nước lạnh, táo bón tiểu tiện đỏ. Bởi vì nhiệt tà thương Vị, Vị hỏa thịnh một phía, khí cơ không thư sướng, tà nhiệt hun đốt tân dịch, Đại trường mất sự nhu nhuận gây nên; Điều trị nên thanh nhiệt yên Vị, cho uống bài Tiểu hãm hung thang (Thương hàn luận) gia giảm.

– Trong bệnh Tiêu khát – Trung tiêu – xuất hiện chứng Vị nhiệt, phần nhiều thấy các chứng trạng ăn nhiều mau đói, sút cân, kèm theo chứng uống nước nhiều, tiểu tiện nhiều, đại tiện khô, toàn thân mỏi mệt, nguyên nhân ăn uống buông thả đồ cay nóng béo ngọt, Tỳ Vị bị tổn hại mất chức năng vận hóa nung nấu thành nội nhiệt, nhiệt tích ở Trung tiêu, Vị hỏa găng mạnh cho nên lâm sàng có những biểu hiện dễ tiêu hay đói, ngấu nhừ nhanh; Hỏa nhiệt lại có thể hao thương huyết và tân dịch, cơ bắp không được nuôi dưỡng cho nên ngày càng gầy còm; điều trị theo phép thanh Vị tả hỏa, dưỡng âm sinh tân, cho uống bài Ngọc nữ tiễn (cảnh Nhạc toàn thư) và Tiêu khát phương (Đan Khê tâm pháp).

– Chân răng sưng đau gặp trong chứng Vị nh lâm sàng có thể thấy chân răng sưng đau thậm chí loét nát, hôi miệng, do Vị hỏa đi theo đường Kinh Dương minh bốc lên, hun đốt gậm nhấm gây nên, điều trị theo phép Thanh nhiệt tả hỏa, dùng bài Thanhvị tán (Lan thất bí tàng).

Chứng Vị nhiệt xuất hiện trong bệnh Au thố, lâm sàng thấy phát bệnh đột ngột cấp tính, ăn vào thổ ra ngay, lượng nhiều, mùi hôi, kèm theo chứng đại tiện khô, tiểu tiện đỏ, bệnh do Vị hỏa cang thịnh, Vị mất hòa giáng, Vị khí theo hỏa nghịch lên gây nên; Điều trị nên tả hỏa giáng nghịch chỉ ẩu, cho uống bài Trúc diệp thạch cao thang ( thương hàn luận) bỏ Nhân sâm gia Đại giả thạch. Chứng này hay gặp ở người ăn cay nóng quá mức hoặc đồ ăn cao lương nồng hậu; Nghiện rượu nghiện thuốc cũng thường tăng Vị nhiệt; Cho nên ăn uống thanh đạm, bỏ rượu thuốc cũng có thể giảm nhẹ Vị nhiệt.

Chứng này vì Vị nhiệt quá thịnh, hỏa nhiệt hun đốt tân dịch, tiếp sau đó có thể xuất hiện kiêm chứng tân dịch bất túc, tức là Hư thực lẫn lộn(Trong thực có hư). Ôm lâu không khỏi, Vị nhiệt làm thương tân dịch sẽ chuyển biến thành chứng Vị âm hư, biểu hiện là âm hư hỏa vượng, cho nên biết là giữa Thực hỏa và Hư hỏa có quan hệ nhân quả với nhau.

Chẩn đoán phân biệt

– Chứng Dương minh Kinh chứng và chứng Vị nhiệt: Nguyên nhân của Dương minh Kinh chứng phần nhiều do biểu tà vào lý hóa nhiệt khiến cho nhiệt làm tổn thương Kinh mạch của Dương minh, đặc điểm lâm sàng chủ yếu có chứng mình nóng, ra nhiều mồ hôi, khát nước nhiều, mạch Hồng Đại, chứ không có chứng chóng tiêu hay đói. Nhiệt tà của chứng Vị nhiệt phần nhiều từ trong sinh ra, không có chứng mình nóng ra mồ hôi, mà có các chứng chóng tiêu hay đói, khát nước và hôi miệng. Chứng Vị nhiệt chỉ là đơn thuần Vị nhiệt, còn Dương minh Kinh chứng là do tà khí hỏa nhiệt vô hình tràn lan, hun bốc… căn cứ vào đó có thể phân biệt được.

– Chứng Dương minh Phủ Thực với chứng Vị nhiệt: Chứng Dương minh Phủ Thực do ngoại tà truyền biến mà có; Ngoại tà hóa nhiệt vào lý, Vị Trường nhiệt kết, hỏa tà với cặn bã ở trong ruột câu kết với nhau, lâm sàng biểu hiện hiện tượng hỏa nhiệt so với chứng Vị nhiệt nặng hơn, có đặc điểm là bụng đầy cự án, phiền táo nói sảng, về chiều nóng từng cơn, đại tiện bí kết khó bài tiết. Việc đại tiện bài tiết khó khăn cũng không giống với đại tiện khô của chứng Vị nhiệt nói chung, mà nó là hỏa tà lý nhiệt câu kết với phân táo, làm cho Phủ khí không thông cho nên đồng thời có kiêm chứng bụng đầy cự án; Phiền táo nói sảng là do hỏa nhiệt hun đốt quá thịnh kèm theo khí uế trọc công lên, quấy rối tâm thần gây nên; Thời gian xế chiều chính là lúc vượng thịnh của Dương minh Kinh chứng, cho nên xu thế nhiệt tà nhân đó mà bốc lên, đây là cơ sở để phân biệt hai chứng này.

– Chứng Vị âm hư với chứng Vị nhiệt: tham khảo chứng Vị âm hư.

Trích dẫn y văn

– Nhiệt khí lưu ở Vị, Vị nhiệt thì dễ tiêu, thức ăn tiêu thì hay đói (Đại hoặc luận – Linh Khu).

Nhiệt của Vị, môi lưỡi đỏ, miệng hôi, mạch Hữu quan tất Hồng Sác (Bút hoa y kính).

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận