[Chứng trạng] Chứng Thận tinh bất túc trong Y học cổ truyền

Chứng Thận tinh bất túc là tên gọi chung cho những biểu hiện lâm sàng do Thận tinh suy tổn, tuỷ hải rỗng không dẫn đến phát dục chậm, chưa già đã yếu trước, chân tay mềm yếu v.v… Bệnh phần nhiều do tiên thiên bất túc, hậu thiên mất điều dưỡng hoặc do lao thương quá độ gây nên.

Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là chóng mặt, ù tai, lưng gối yếu mỏi, dương nuy, không thụ thai; ở trẻ em thì sinh trưởng phát dục chậm chạp, trí khôn và động tác trì trệ, khớp xương mềm yếu, thóp mục lâu không kín – ở người lớn thì mau già yếu, hai chân yếu mỏi, đi lại khó khăn, tinh thần đần độn, động tác chậm chạp, mạch Tế vô lực.

Chứng Thận tinh bất túc thường gặp trong các bệnh Giải lư, Ngũ trì ngũ nhuyễn, Nuy chứng, Huyễn vậng, Hư lao, Dương nuy, Bất dựng.

Cần chẩn đoán phân biệt với chứng Thận âm hư.

Phân tích

Đối với những tật bệnh khác nhau xuất hiện chứng Thận tinh bất túc, cần phải phân biệt. Như bệnh Giải lô (thóp mụ) ở trẻ em, lâm sàng có đặc điểm là thóp mụ lõm rộng không kín, đầu và trán nổi nhiều gân xanh, tinh thần đần độn, mắt không lấp lánh, sắc mặt nhợt; phần nhiều do thai bẩm tiên thiên bất túc, hoặc sau khi sinh ốm kéo dài thể lực yếu, thận tinh bất túc, tuỷ hải không đầy gây nên, như sách Âu ấu tập thành nói: “Thận chủ não tuỷ. Thận suy thì não tuỷ bất túc, cho nên thóp mụ không kín”; điều trị nên bổ Thận ích tuỷ, ích khí dưỡng huyết, cho uống bài Bổ Thận địa hoàng hoàn (Chứng trị chuẩn thằng).

Trong bệnh Ngũ trì, Ngũ nhuyễn ở trẻ em, có đặc điểm là đủ tháng tuổi mà vẫn chưa mọc răng, chưa đi đứng được, kết hợp với thóp mụ hở, kém trí khôn, tinh thần trì trệ và gầy còm; phần nhiều do phú bẩm tiên thiên không đầy đủ, thiếu chăm sóc bú mớm hậu thiên, Thận tinh thiếu thốn, khí huyết hư yếu gây nên, như mục Âu khoa tâm pháp yếu quyết sách Y tông kim giám nói: Chứng Ngũ trì ở trẻ em, phần nhiều do khí huyết của cha mẹ hư yếu, tiên thiên sút kém, đến nỗi trẻ em sau khi sinh ra gân xương mềm yếu, đi lại khó, răng mọc chậm, ngồi không vững, chủ yếu đều do Thận bất túc cho nên như vậy; Điều trị phải bổ Thận đầy đủ tinh và ích khí dưỡng huyết, chọn dùng bài gia vị Lục vị địa hoàng hoàn (Y tông kim giám).

Nếu trong chứng Nuy xuất hiện chứng Thận tinh bất túc, có đặc điểm là chi dưới yếu liệt dần dần, lưng và cột sống yếu mềm, đồng thời chóng mặt, di tinh hoặc đái dầm, bệnh phần nhiều do phòng lao quá độ hoặc ốm lâu tinh khí suy hao, Can Thận hư tổn gây nên; Trương Cảnh Nhạc nói: Nguyên khí tổn thương thì tinh hư không tưới khắp được; Huyết hư không doanh dưỡng được, cũng không phải là ít. Điều trị nên bổ ích Can Thận, chọn dùng bài Hổ tiềm hoàn (Đan Khê tâm pháp).

Chứng Thận tinh bất túc xuất hiện trong bệnh Huyễn vậng, có đặc điểm là chóng mặt, tinh thần uỷ mị, hay quên, lưng gối mềm yếu, tai ù tai điếc, mạch Huyền Tế; Bệnh do tiên thiên bất túc hoặc là tuổi cao khí suy, hoặc là phóng túng hao thương, Thận tinh bất túc, tuỷ hải rỗng không, cả trên và dưới đều hư gây nên, như mục Hải luận sách Linh Khu nói: “Tuỷ hải bất túc, óc quay cuồng ù tai, choáng váng và chân vô dụng, mắt không tỏ mệt nhọc chỉ muốn nằm”; điều trị nên bổ Thận ích tinh, cho uống bài Tả quy hoàn (Cảnh Nhạc toàn thư).

Trong các bệnh Hư lao, Dương nuy và Bất dựng khi xuất hiện chứng Thận tinh bất túc, có thể thấy di tinh, hoạt tinh, tai ù, tai điếc, dương nuy (liệt dương) mỏi mệt yếu sức, phụ nữ hành kinh lượng ít hoặc bế kinh, không thụ thai… Điều trị nên ích Thận, bù đắp tinh khí, chọn dùng các bài Đại bổ nguyên tiễn (Cảnh Nhạc toàn thư) Hà sa đại tạo hoàn (Y phương tập giải).

Xuất hiện chứng Thận tinh bất túc thường ở mỗi người lứa tuổi có khác nhau, ở trẻ em, sự phát dục chậm chạp, thể lực, trí lực và thể trạng thường khác với lứa tuổi nhi đồng; ở người lớn thì có hiện tượng mau già như tinh lực không dẻo dai, trí nhớ giảm sút, răng tóc sớm rụng, cơ năng sinh lý bạc nhược, cần phân tích kỹ.

Thận tiật chất cơ bản để duy trì sự sinh trưởng phát dục và giữ gìn giống nòi và mọi hoạt động sinh lý bình thường của tạng phủ toàn thân, đồng thời có thể hoá khí sinh huyết. Vì vậy trong quá trình diễn biến bệnh cơ chứng Thận tinh bất túc, thường do Thận tinh suy hư dẫn đến chứng khí huyết đều hư, xuất hiện các chứng trạng sắc mặt trắng nhợt không tươi, đoản hơi mỏi mệt, chân tay yếu ớt, tự ra mồ hôi, mạch Tế Nhược. Khi điều trị, ngoài biện pháp bổ Thận tinh, cần chú ý cả ích khí dưỡng huyết.

Chẩn đoán phân biệt

Chứng Thận ám hư với chứng Thận tinh bất túc, cả hai đều thuộc Hư chứng. Tinh thuộc Âm, chứng Thận bất túc lệ thuộc vào chứng Thận âm hư, nguyên nhân và cơ chế bệnh của hai chứng về phương diện lâm sàng biểu hiện gần giống nhau, nhưng cũng có điều khác nhau. Theo lý luận mà nói, chứng Thận âm hư bao gồm hàm nghĩa rộng hơn chứng Thận tinh bất túc, loại sau chỉ là một phương diện của loại trước. Chứng Thận tinh bất túc chỉ là biểu hiện Thận khí bất túc mà chứng Thận âm hư thì ngoài biểu hiện Thận tinh suy hư còn có khi do Thận suy mà sinh ra hiện tượng hoả vượng. Theo nguyên nhân bệnh để phân tích, hình thành chứng Thận tinh bất túc nguyên nhân chủ yếu là phú bẩm tiên thiên bất túc, hậu thiên mất sự điều dưỡng; Hoặc là do mất huyết, mất tân dịch, âm tinh suy tốn, hoặc là buông thả tình dục làm cạn kiệt tinh khí, như mục tà khí Tạng Phủ bệnh hình sách Linh Khu nói: “Nhập phòng quá độ thì hại Thận”; Hoặc là tổn thương do thất tình, sợ hãi làm hại Thận, như mục cử thống luận sách Tố Vấn nói: “Sợ thì hại Thận”. Thận tinh rỗng không thì váng óc, tai ù, tai điếc, chóng mặt. Thận chủ sinh tuỷ, Thận tinh suy hư thì liệt dương, giảm xút sinh lý, không thụ thai. Thận chủ về sự mạnh mẽ và kỹ sảo. Thận hư thì chân tay mềm yếu vô dụng. Tinh là vật chất tất yếu cho sinh trưởng phát dục của trẻ em, tinh suy thì phát dục trẻ em chậm chạp, tạo thành các chứng ngũ trì, ngũ nhuyễn, thóp mụ không kín. Chứng Thận Âm hư ngoài những nguyên nhân bệnh nói trên, cũng có khi do Ôn bệnh nhiệt phạm vào Hạ tiêu, tân dịch của Can Thận bị hun đốt gây nên; Hoặc do Phế âm bất túc phát triển thêm một bước. Lại xem xét từ biểu hiện lâm sàng, hai chứng tuy đều có hiện tượng Hư, nhưng chứng Thận tinh bất túc, biểu hiện chủ yếu là tinh khí suy tổn, tuỷ hải rỗng không. Còn chứng Thận âm hư lại có phần nghiêng về chứng trạng âm hư hoả vượng như ngũ tâm phiền nhiệt, miệng khô họng ráo, ra mồ hôi trộm, chất lưỡi đỏ, mạch Tế Sác. Vì vậy, phân biệt hai chứng không mấy khó khăn!

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận