[Chứng trạng] Chứng Khí thoát trong chẩn đoán bệnh chứng Đông y

Khái niệm

Chứng Khí thoát là tên gọi chung chỉ chính khí của cơ thể suy yếu, nguyên khí sút kém, khí theo huyết thoát, âm dương muốn chia lìa, xuất hiện nhiều chứng trạng nguy cấp. Chứng này phần nhiều do ngoại cảm hoặc nội thương, ốm lâu không khỏi chính khí không thắng nổi tà khí, hoặc là bị ngoại thương, băng huyết, sau khi đẻ bị mất nhiều máu gây nên Khí thoát – Thường là bệnh tình biến hóa đột ngột xuất hiện chứng hậu nguy cập cho nên cần phải tích cực cấp cứu.

Biểu hiện chủ yếu của chứng Khí thoát là mồ hôi bỗng dưng vã ra đầm đìa, tinh thần ủy mị, mắt nhắm miệng há, sắc mặt tái xanh, đoản hơi không đủ để thở, đại tiểu tiện không tự chủ, chất lưỡi nhạt bệu, mạch Tế Vi hoặc Khâu Đại…

Chứng Khí thoát gặp rải rác trong các bệnh biến “hôn mê”, “chiến hãn”, “trúng phong”, “băng lậu”, “sản hậu huyết vậng”.

Nên phân biệt chứng Khí thoát với các “chứng vong âm”, “chứng vong dương” và “chứng Khí quyết”.

Phân tích

Vì nguyên nhân bệnh, cơ chế gây bệnh của các loại tật bệnh phát triển đến chứng này khác nhau nên biểu hiện lâm sàng cũng không giống nhau.

– Ví dụ chứng Khí thoát có thể thấy trước khi xảy ra hôn mê, phần lớn do ngoại cảm nhiệt bệnh chưa khỏi, tà nhiệt lẩn quẩn hun đốt tân dịch gây nên; lúc này nếu lầm dùng các thuốc hãn thuốc hạ, có thể thấy ra mồ hôi mà tả hạ, tinh thần mỏi mệt, mắt nhấm đoản hơi, chân tay co giật, mạch khí hư yếu, lưỡi tía ít rêu, từng lúc muốn thoát; điều trị nên tăng dịch dẹp phong, ích khí cố thoát, cho uống bài Đại định phong châu (Ôn bệnh điều biện)gia giảm. Cũng có thể do cơ thể vốn Thận hư, nguyên khí bất túc, ốm lâu không khỏi gây nên, lúc này nếu lầm dùng thuốc hãn, thuộc hạ, có thể ra mồ hôi đầm đìa, tinh thần vật vã, sắc mặt trắng bệch, mạch Vi Tế, chất lưỡi nhạt bệu; điều trị nên ích khí cố thoát, cho liễm cứu nghịch cho uống Độc sâm thang (Thập dược thần thư) hoặc Sâm Phụ Long Mẫu thang (Nghiệm phương) gia giảm.

– Lại như vì “Chiến hãn” thái quá đến nỗi xuất hiện chứng Khí thoát phần nhiều do ôn tà trước sau vẫn lưu luyến ở khí phận, chưa phạm vào Doanh phận, lúc này chính khí còn thịnh mà tà khí chưa rút, muốn thông qua “chiến hãn” (rét run) để đẩy bệnh tà ra ngoài thì khỏi. Chiến hãn là chính khí và tà khí tranh dành nhau, toàn thân run rẩy mà ra mồ hôi, khiến cho bệnh tà theo mồ hôi mà thấu đạt ra ngoài, sau cơn chiến hãn, đương lúc ra mồ hôi, chân tay lạnh, tinh thần tỉnh táo, nằm co, mạch Hư Hoãn hoà, nếu điều trị và chăm sóc hợp lý, đợi chính khí hồi phục sẽ có hướng khỏi. Nếu ra mồ hôi chân tay lạnh, phiền táo không yên, mạch Cấp Tật, đó là dấu hiệu chính khí hư thoát sau khi chiến hãn, cần tích cực cứu chữa, điều trị nên ích khí nuôi tân dịch để cứu thoát, cho uống ngay Độc sâm thang hoặc Sinh mạch tán, (Nội ngoại thương biện hoặc luận) gia giảm.

– Chứng này còn gặp ở Thoát chứng của bệnh Trúng phong, sách Y kinh xô hồi tập viết “trúng phong không phải là phong tà từ ngoài tới, nó vốn là Khí bệnh”. Con người ở lứa tuổi tứ tuần, sắp tới lúc khí suy, hoặc là do lo mừng cáu giận làm tốn thương khí, đa số bị bệnh này. Đó là vì nghỉ ngơi sai qui cách, nguyên khí thiếu thốn, Can Thận bất túc, hư phong nội động gây nên, có triệu trứng bỗng dưng ngã lăn, sắc mặt tái xanh, mắt nhắm miệng há, tay xoè chân lạnh, đại tiểu tiện tự vãi ra, miệng mắt méo xếch, bán thân bất toại, lưỡi mềm không nói được, mạch Tế Vi, điều trị nén ích khí cứu thoát, cho uống Độc sâm thang hoặc Sâm Phụ thang (Phụ nhân lương phương) gia giảm.

– Chứng Khí thoát lâm sàng thường gặp ở người dương khí vốn hư, ốm lâu không khỏi, cao tuổi thể trạng yếu. Như các bệnh “băng trung”, “xuất huyết nhiều sau khi đẻ” thường bị khí theo huyết thoát mà xuất hiện chứng này.

– Chứng “Huyết băng” đến nỗi khí thoát, phần nhiều tổn thương do ăn uống mệt nhọc, hoặc tư lự quá độ đến nỗi Tỳ Vị khí hư, nguyên khí tổn thất lớn, khí không nhiếp huyết, Xung Nhâm không bền, có triệu chứng kinh nguyệt quá nhiều, sắc nhạt như nước, hai mắt tối xầm, chóng mặt, sắc mặt trắng bệ tinh thần bạc nhược, biếng ăn thiểu khí, mỏi lưng chân tay yếu, lưỡi nhạt bệu, mạch Tế Vị.

– Nếu “sau khi đẻ huyết mất quá nhiều” đến nỗi Khí thoát phần nhiều do đẻ dầy, hoặc bào cung tổn thương, xung nhâm rỗng không, nguyên khí suy hao, mất quá nhiều huyết, khí theo huyết thoát, có chứng trạng sau khi đẻ huyết ra không dứt, ác lộ dằng dai, mồ hôi lạnh đầm đìa, tinh thần khốn đốn yếu sức, mắt trũng mặt nhợt, đoản hơi chân tay lạnh, lưỡi nhợt, mạch Hư Đại mà khâu.

– Trong Nhãn khoa có trường hợp do Khí thoát mà bị mù. Quyết khí thiên sách Linh Khu viết: “Khí thoát thì mắt không tỏ” ở đây nêu rõ sự hư thoát do tinh khí của năm tạng, bởi vì tinh khí của năm tạng bị suy kiệt, không còn gì để làm tuơi tốt lên mắt gây nên, sẽ xuất hiện hai mắt khô rít, hai mắt không to, hoặc là đồng tử giãn to.

– Trong Nhi khoa, vì trẻ em phú bẩm bất túc, nguyên khí hao tổn, thể trạng trĩ dương rất dễ bị ngoại tà xâm phạm mà sốt cao đột ngột, ra mồ hôi, cánh mũi phập phồng thở gấp, hoặc hạ lỵ không dứt, tinh thần ủy mị, đoản hơi không tiếp nối cũng là biểu hiện chứng khí thoát.

– Cần phải nêu rõ chứng Khí thoát có quan hệ chặt chẽ với ba tạng, Phế, Tỳ, Thận, L phần nhiều do Phế Tỳ khí hư, đột nhiên ra mồ hôi đầm đìa mà gây nên chứng này; Cũng có khi do Tỳ Thận khí hư, bỗng dưng hạ lợi không dứt mà thành chứng này. Cho nên chứng Khí thoát có thể do khí hư bất túc phát triển nên. Ra mồ hôi có thế do khí hư không bền tấu lý thưa hở gây nên. Khí thuộc dương, dương khí không bảo vệ bên ngoài mà tiết ra ngoài cũng gây nên ra mồ hôi, cho nên ra mồ hôi đầm đìa thì tổn hại dương khí; Khí thoát cũng có thể dẫn đến vong dương, đó là tình huống thứ nhất. Mồ hôi là sự biến hóa của tâm dịch, khí hư không bền, ra mồ hôi không dứt, tân dịch tiết ra ngoài sẽ làm tân tổn thương, dịch mất đi, nói lên Khí thoát cũng có thể dẫn đến vong âm, đó là tình huống thứ hai. Đương nhiên, hạ lợi vô độ cũng có thể hao khí và thoát dịch, xuất hiện tình huống chuyển qui hai loại nói trên. Lâm sàng nên coi trọng việc cấp cứu chứng Khí thoát, đợi sau khi nguyên khí được hồi phục, nên nắm vững nguyên nhân tạo thành chứng bệnh và chứng trạng xuất hiện trong lâm sàng, hoặc là di chứng để tiến hành điều trị đối phó lại, nếu không, chứng Khí thoát sẽ lại xuất hiện lần nữa, bệnh ngày càng nguy hiểm thêm.

Chẩn đóan phân biệt

– Chứng Vong âm với chứng Khí thoát, cả hai đều là chứng hậu nguy cấp, hơn nữa đều biểu hiện mồ hôi ra đầm đìa.

Chứng Vong âm phần nhiều do tà nhiệt hãm ở trong, chân âm hun đốt hoặc và ra quá nhiều mồ hôi, hạ lợi không ngừng tạo thành âm dịch hao kiệt, âm không chế-dương, âm dương chia lìa, có chứng trạng thần trí hôn mê, tinh thần khốn đốn, ra mồ hôi như dầu, hoả bốc lên gò má đỏ, họng khô, lưỡi đỏ tía, rêu lưỡi bóc mảng, mạch Hư Tế Đới Sác, Chứng Khí thoát phần nhiều do mồ hôi ra đầm đìa khiến tân dịch hao tổn, khí hư mà thoát, nhưng nó chỉ là tinh thần ủy mị, chưa xuất hiện hôn mê. Cho nên chứng Khí thoát khả năng là tiền đề của chứng Vong âm – Nên phân biệt hai chứng ở chỗ này.

– Chứng Vong dương với chứng Khí thoát, cả hai đều có chứng hậu nguy cấp và đều biểu hiện ra mồ hôi đầm đìa. Chứng Vong dương phần nhiều do chân dương suy vị, hoặc ra mồ hôi quá nhiều, ỉa chảy không ngừng tạo nên tình huống dương khí suy kiệt, dương không đi với âm, âm dương chia lìa, có chứng trạng hôn mê bất tỉnh, ra mồ hôi, da lạnh, mắt nhắm miệng há, tay xoè chân quyết lạnh, đại, tiểu tiện tự són ra, mũi thở nhẹ, chất lưỡi nhạt, mạch Vi Tế muốn tuyệt. Còn chứng Khí thoát thì do vã mồ hôi đầm đìa khiến cho khí hư muốn thoát nhưng chưa xuất hiện chứng trạng hôn mê, mới chỉ khốn đốn tinh thần mà thôi. Vì vậy, chứng Khí thoát xem như chứng hậu tiền đề của chứng Vong dương. Đây là điều phân biệt của hai chứng.

– Chứng Khí quyết chứng Khí thoát, cả hai đều là chứng hậu nguy cấp, hơn nữa có liên quan tới biến hóa bệnh lý của Khí. Chứng Khí quyết phần nhiều do tổn thương thất tình, tức giận sợ hãi, Can uất không điều đạt; Giận thì khí đưa nên nghẽn tắc vùng ngực, khí cơ bị nghịch loạn, quấy rối thần minh gây nên, có chứng trạng ra hôn mê ngã lăn đột ngột, bất tỉnh nhân sự, chân tay lạnh và co giật. Chứng Khí thoát thời do nguyên khí bất túc, khí không cố nhiếp cho nên xuất hiện chứng trạng ra mồ hôi đầm đìa, tinh thần khốn đốn. Vì vậy, loại trên là thuộc Thực chứng; Loại sau là thuộc Hư chứng. Chúng khác nhau từ nguyên nhân bệnh, cơ chế bệnh và chứng trạng… là điều chẩn đóan phân biệt không mấy khó khăn.

Trích dẫn y văn

– Âm Dương đều thoát thì chết đột ngột không biết người (Thông thiên thiên – Linh Khu)

– Chứng Thoát dương, xem như thấy qủy ở bên trong (Nạn thứ 20Nạn Kinh)

– Mạch Trầm Tiểu Trì gọi là Thoát khí, người bệnh đi nhanh thì thở hổn hển, chân tay nghịch lạnh, đầy bụng, nặng hơn thì đại tiện lỏng, ăn không tiêu (Huyết tý hư lao bệnh mạch chứng trị – Kim Quỹ yếu lược)

– Sau khi đẻ, bào thai đã ra, khí huyết đều mất máu, bỗng nhiên hoa mắt tối xầm, hôn mê cấm khẩu, bất tỉnh nhân sự. Cổ nhân phần nhiều cho là ác lộ nhân chỗ hư yếu mà xông lên gây nên Huyết vậng, không biết chúng có hai loại: Một là Huyết vậng; Hai là Khí thoát. Nếu lấy Khí thoát coi là Huyết vậng mà dùng các bài thuốc cay thơm trục huyết hóa đàm thì chết lập tức, không thể không cẩn thận (Phụ nhân quy – Cảnh Nhạc toàn thư).

– Từ Linh Thai nhận định: Có tên là Thoát chỉ là dương khí vượt ra đột ngột, âm dương chia lìa, ra mồ hôi như dầu, sáu bộ mạch sắp dứt, là chứng trạng cấp bách nhất thời, mới gọi là Thoát (Thoát-Lâm chứng chỉ nam y án).

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận