Chị em “ôm hận” khi sử dụng mỹ phẩm rởm

Trên thị trường hiện nay có hàng loạt mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, thành phần kèm những lời quảng cáo có cánh, đánh lừa các chị em.

Hốt hoảng khi thấy da mặt đột nhiên xuất hiện vài mẩn đỏ kèm ngứa, chị Mai Anh (22 tuổi, ngụ Tiền Giang) đã ra cửa hàng mua mỹ phẩm được người bán giới thiệu, vừa hết bệnh lại còn giúp dưỡng và trắng da.

Da đỏ, ngứa, cảm giác châm chích khắp mặt khi sử dụng mỹ phẩm rởm

Sau 2 tuần sử dụng, da mặt chị bắt đầu xuất hiện các mụn nước, bóng nước li ti khắp mặt, tình trạng đỏ da kèm bỏng rát ngày càng tăng. Chị Anh liền tới BV thăm khám.

Một trường hợp khác là chị Thanh Đào (25 tuổi, ngụ TP.HCM) đến khám trong tình trạng da nổi mẩn đỏ, bong vảy, kèm mụn ở mặt sau khi dùng kem thoa da không rõ loại.

Đào kể, khi thấy trên mặt nổi vài mẩn đỏ, lo sợ không biết bị gì nhưng ngại đến khám bác sĩ nên đã lên mạng tìm hiểu thì thấy có loại kem với quảng cáo bôi vào sẽ hết nổi mẩn đỏ, hết ngứa và có tác dụng dưỡng da, trắng mịn da, với giá 900.000 đồng/hộp.

Qua 1 tuần bôi liên tục, tình trạng Đào càng nặng nề hơn với các triệu chứng như da đỏ, ngứa, cảm giác châm chích khắp mặt và đặc biệt mụn nổi nhiều trên mặt.

Người bệnh đã được bác sĩ chỉ định sử dụng một số loại thuốc chống dị ứng, kháng sinh, kháng viêm cùng một số loại kem dưỡng nhằm ổn định lại tình trạng da.

Có cảm giác da mặt bị lão hóa nên muốn dùng một số loại mỹ phẩm để dưỡng da, làm trắng da, chị Ngọc Quỳnh (45 tuổi, ngụ Cà Mau) ra nhà thuốc tây tìm mua mỹ phẩm làm đẹp.

Người bán giới thiệu loại kem bôi 55.000 đồng có tác dụng dưỡng, làm trắng mịn da, chống lão hóa và được hướng dẫn sử dụng một lần vào buổi tối trước khi ngủ. Những ngày đầu, thật sự rất có hiệu quả đúng như lời giới thiệu của người bán.

Tuy nhiên sau khoảng 3 tuần, chị Quỳnh thấy bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như da mặt lúc nào cũng ửng đỏ, cảm giác ngứa, châm chích khắp mặt và da bị mỏng dần đi.

Khi tới khám, chị mới tá hỏa khi BS nói loại kem đó có thành phần corticoide, nếu bôi nhiều sẽ để lại nhiều tai biến cho da.

Bên cạnh đó, chị cũng được chỉ định sử dụng các thuốc chống dị ứng, kem dưỡng da…hoặc phải tránh nắng, không trang điểm và không sử dụng các loại mỹ phẩm nào khác nhằm cải thiện lại tình trạng da.

Làm gì khi bị dị ứng mỹ phẩm rởm?

Mỹ phẩm dởm, da mặt, nám, làm đẹp, lừa chị em, kem dưỡng da

Khi tình trạng bệnh diễn tiến nặng cần đến khám bác sĩ để có hướng điều trị tối ưu.

BS Trần Thiên Tài, Phòng khám Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng BV Đại học Y dược TP.HCM cho hay, trên thị trường hiện nay có rất nhiều sản phẩm mỹ phẩm phục vụ cho các mục đích chăm sóc da, dưỡng da, làm đẹp và cả dùng để điều trị bệnh. Tùy vào từng loại sản phẩm, mục đích sử dụng, hãng sản xuất mà có những thành phần riêng.

Một số thành phần có thể gây kích ứng da, dị ứng da thường hiện diện trong các loại mỹ phẩm có thể kể đến như chất bảo quản (paraben, formaldehyde…), chất tạo màu, chất tạo mùi, retinol…

Riêng những loại mỹ phẩm “dỏm” không xuất xứ, không nhãn mác thì có thể có trộn thêm những thành phần rất độc hại cho da nếu sử dụng không đúng cách và trong thời gian dài (corticoide).

Một vấn đề khác cần hiểu rõ hơn là tình trạng dị ứng còn phụ thuộc vào từng người, từng cá thể, thường gọi là “yếu tố cơ địa”, nghĩa là 1 sản phẩm A dùng cho người này thì không sao, nhưng dùng cho người khác thì có thể gây dị ứng mà đây là những phản ứng không thể dự đoán trước được.

Các dấu hiệu thường thấy khi da bị kích ứng, dị ứng với mỹ phẩm là sau khi sử dụng vài phút hoặc nhiều giờ, người bệnh bắt đầu có các biểu hiện như ngứa, nổi mẩn đỏ, cảm giác châm chích, bỏng rát, sưng phù, nổi mụn, bóng nước, bong vảy da…

Theo BS Tài, ngay khi có một trong các triệu chứng kể trên thì phải ngưng sử dụng ngay lập tức, rửa sạch vùng da dùng mỹ phẩm nhằm hạn chế tác động, không sử dụng các loại mỹ phẩm khác (phấn trang điểm…), không sờ nặn, hạn chế tiếp xúc ánh nắng…

Khi được xử trí kịp thời, các triệu chứng sẽ thuyên giảm, nếu trường hợp diễn tiến nặng tăng dần cần đến khám bác sĩ để có hướng điều trị tối ưu.

BS Tài khuyến cáo, trước khi sử dụng bất kỳ loại mỹ phẩm nào, chị em cần tìm hiểu kỹ xuất xứ, nguồn gốc, ưu tiên chọn lựa loại sản phẩm của những thương hiệu uy tín, chất lượng.

Bên cạnh đó, các loại mỹ phẩm phải có đầy đủ nhãn mác, hạn sử dụng và thành phần được ghi rõ ràng để người dùng nắm rõ. Tuyệt đối không nên tự ý dùng các loại mỹ phẩm không có đầy đủ các tiêu chuẩn kể trên hoặc dùng theo kiểu truyền miệng các loại sản phẩm gia truyền, tự bào chế mà chưa qua kiểm định.

Trước khi sử dụng mỹ phẩm, cần thử trước các phản ứng kích ứng, dị ứng bằng cách thoa 1 lượng nhỏ trên vùng da phía trong cẳng tay, chờ đợi một thời gian (vài giờ đồng hồ) xem có biểu hiện gì không rồi mới quyết định tiếp tục sử dụng.

Mới đây, Sở Y tế TP.HCM cùng lúc ban hành tới 8 văn bản về việc đình chỉ lưu hành và thu hồi mỹ phẩm của 8 doanh nghiệp đóng trên địa bàn TP hoặc có sản phẩm phân phối trên thị trường TP không đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn cũng như các quy định hiện hành.

Mỗi năm, cơ quan chức năng cũng đình chỉ, buộc thu hồi hàng trăm sản phẩm mỹ phẩm nhưng chỉ là bề nổi. Hàng ngàn mỹ phẩm không nguồn gốc, kém chất lượng, thậm chí độc hại vẫn chưa dẹp xuể trên thị trường.

Cụ thể như cơ sở ở quận 7 sản xuất mỹ phẩm làm trắng da siêu tốc “nổ” là nhập khẩu từ Hàn Quốc, nhưng khi cơ quan chức năng ập vào kiểm tra phát hiện toàn dung dịch, bột, hương liệu, hóa chất, tem nhãn không có nguồn gốc…

Văn Đức

Nguồn Vietnamnet

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận