Chế độ dinh dưỡng các mẹ cần điều chỉnh khi con thừa cân béo phì

Trẻ thừa cân béo phì có nguy cơ phải hứng chịu hàng loạt ảnh hưởng về trí óc và sức khỏe.

Trẻ thừa cân béo phì có nguy cơ phải hứng chịu hàng loạt ảnh hưởng về trí óc và sức khỏe. Bởi thế, một chế độ dinh dưỡng phù hợp cho trẻ là mối quan tâm hàng đầu của nhiều bậc làm cha mẹ…

Trẻ béo phì, thừa cân cũng nguy hiểm không kém suy dinh dưỡng. Ảnh minh họa

Con béo phì vì thói quen của mẹ

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm (Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia) cho biết những năm gần đây, tỷ lệ trẻ báo phì gia tăng nhanh chóng, nhất là ở những thành phố lớn. Nếu năm 2000, tỷ lệ trẻ em thừa cân béo phì chỉ là 0,62% thì đến năm 2010 đã tăng lên 5,6%. Đặc biệt, tại thành phố TP. HCM, tỷ lệ trẻ nhỏ béo phì cao hơn mức trung bình toàn cầu với 9,6% năm 2010 và đến năm 2014 đã tăng lên trên 12%.

Với tâm lý con béo còn hơn gầy, béo để phòng trừ những lúc ốm đau bị gầy đi, các bậc phụ huynh thường nhồi nhét cho con ăn những thực phẩm giàu dinh dưỡng, lượng đường và lượng chất béo cao. Như bé Khánh Linh nhà chị Nguyễn Hải Châu (trú tại Kim Giang, Hoàng Mai, Hà Nội) chỉ mới 4 tuổi mà đã nặng 28kg. Chị Châu lo lắng bé còi xương nên ngay từ bé đã “nhồi nhét” cho con ăn những thực phẩm giàu dinh dưỡng, bé đòi ăn gì đều cho ăn thoải mái. Khánh Linh thích uống nước ngọt, ăn bánh kẹo và rất lười vận động. Các bữa ăn của bé hầu như chỉ thích ăn đồ chiên rán và rất lười ăn rau xanh. Bé cả ngày có thể ngồi, nằm xem ti vi, chơi điện tử mà không cần ra ngoài chơi như các bạn cùng trang lứa… Đó chính là lý do dẫn tới tình trạng bé quá thừa cân như hiện nay.

Theo PGS.TS Lâm, sở dĩ tỷ lệ trẻ em béo phì gia tăng là do phụ huynh chưa nắm 4 nhóm thực phẩm thiết yếu cho trẻ gồm: nhóm tinh bột, nhóm chất béo + protein, nhóm vitamin và chất khoáng mà chỉ con ăn nhiều theo chính tiêu chuẩn tự đặt ra. Bởi vậy, nhiều trẻ từ khi còn rất nhỏ đã thích và ăn các món ăn giàu tinh bột, bánh ngọt, kẹo và thức ăn nhanh dẫn tới việc tăng cân không thể kiểm soát. Điều khó khăn hơn là nhiều cha mẹ không nghĩ con mình béo phì mà luôn mong con nặng hơn tiêu chuẩn để phòng những lúc ốm đau, bệnh tật.

Thay đổi tư duy của các bậc phụ huynh trong việc bổ sung thực phẩm và dinh dưỡng cho con là một điều vô cùng quan trọng. Bởi trẻ thừa cân, béo phì thường chậm chạm, không thông minh và tư duy logic kém hơn những trẻ có cân nặng bình thường. Những trẻ này còn có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, bệnh mạn tính cao hơn khi trưởng thành.

Điều chỉnh chế độ ăn và luyện tập

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm

Thừa cân, béo phì ảnh hưởng tới sự phát triển toàn diện của trẻ và thay đổi chế độ dinh dưỡng là điều cần thiết giúp trẻ phát triển tốt hơn, phòng tránh nhiều căn bệnh sau này. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ béo phì cũng không thể áp dụng như chế độ giảm cân của người trưởng thành mà vẫn phải đủ dinh dưỡng. Trẻ đang trong giai đoạn phát triển nên việc cung cấp đầy đủ dưỡng chất như canxi, sắt, kẽm… là vô cùng quan trọng. Bởi vậy, phụ huynh có con thừa cân, béo phì nên cho trẻ ăn đa dạng thức ăn, không chỉ tập trung vào rau quả hay nhóm thực phẩm nào khác. Cũng không được để quá đói hay bắt trẻ nhịn đói, việc làm này là phản khoa học và càng khiến trẻ thèm ăn, ăn nhiều khi được ăn.

Các mẹ cũng chú ý không nên cho trẻ ăn theo ý thích với những món ăn chiên xào rán nhiều dầu mỡ, thay vào đó là các món luộc, hấp, canh. Cũng hạn chế đồ ăn vặt, nhất là những đồ ăn nhanh như bánh kem, kẹo và cho trẻ ăn ít dần về chiều và tối. Bổ sung rau xanh và hoa quả ít ngọt vào chế độ ăn của trẻ, hạn chế tinh bột bằng cách cho trẻ ăn ngô, khoai và ăn ít cơm. Thay sữa nhiều đường bằng sữa không đường, sữa tách bơ và tuyệt đối không cho trẻ uống sữa đặc có đường vì loại sữa này rất dễ tăng cân.

Với những trẻ em nhỏ dưới 24 tháng tuổi, các mẹ nên cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Không nhồi nhét trẻ uống nhiều sữa mà cần tìm hiểu đúng lượng sữa từng độ tuổi. Khi trẻ ăn dặm cũng không bổ sung nhiều chất béo như bơ, sữa béo, pho mát, dầu mỡ hay thịt vào cháo, bột của trẻ. Những loại nước ngọt có ga, thực phẩm giàu đường, béo như phô mai, kem, mật…đều tránh dùng. Không nên cho trẻ ăn trước khi đi ngủ bởi dễ tích tụ chất béo gây tăng cân và tích mỡ ở trẻ.

Theo bà Lâm, ngoài chế độ dinh dưỡng thì tăng cường vận động ở trẻ là vô cùng cần thiết. Trẻ cần phải hạn chế việc ngồi ì chơi điện tử, xem video bằng những hoạt động thể chất. Phụ huynh nên cho trẻ ra công viên để được chạy nhảy, đu dây, đá bóng và vui đùa với các bạn cùng trang lứa. Khi mẹ làm việc nhà, hãy khuyến khích bé cùng làm như quét nhà, tưới cây, nấu ăn… Ngoài ra, hãy gọi bé dậy sớm vào mỗi buổi sáng và tập thể dục. Những cách vận động này vừa giúp trẻ bớt tích tụ năng lượng, giảm cân lại giúp bé khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần.

Cân nặng chuẩn cho con theo WHO

Cân nặng chuẩn cho bé trai theo WHO (bé gái có thể nhẹ hơn một chút)

Trẻ sơ sinh nặng: 3- 3,6 kg

6 tháng tuổi: 7,3 – 8,5 kg

12 tháng tuổi: 0,9- 10,4kg

24 tháng tuổi: 11,2 – 13,1 kg

36 tháng: 13,4 – 15,5 kg

4 tuổi: 15,1 – 17,7 kg

5 tuổi: 17 – 20,3 kg

6 tuổi: 19 – 23 kg

7 tuổi: 21,1 – 25,8 kg

8 tuổi: 23,4 – 28,8 kg

Nguyễn Hà

Nguồn: giadinh.net.vn

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận