[Bệnh học] Chấn thương đầu (chẩn đoán và điều trị)

Chấn thương là nguyên nhân thường gặp nhất gây tử vong ở người trẻ, và chấn thương đầu chiếm một nửa trong số các chấn thương gây tử vong. Tiên lượng sau chấn thương đầu phụ thuộc vào vị trí và mức độ tổn thương não. Tình trạng ý thức giúp cho tiên lượng vì mất ý thức trên một hoặc hai phút nói lên tiên lượng nặng nề hơn các dấu hiệu khác. Tương tự, mức độ suy sụp và mất trí nhớ sau chấn thương chỉ ra một chấn thương nặng và có tiên lượng xấu. Không có vỡ xương sọ cũng không loại trừ khả năng chấn thương nặng của đầu. Khi thăm khám cần phải đánh giá mức độ ý thức và phạm vi của rối loạn thân não.

Chú ý: bệnh nhân mất ý thức trên 2 phút sau chấn thương đầu cần phải đưa vào viện để theo dõi, những bệnh nhân có dấu hiệu khu trú, ngủ lịm, hoặc vỡ xương sọ cũng phải đưa vào viện theo dõi. Nếu không đưa vào viện những người có trách nhiệm trong gia đình cần được hướng dẫn một cách cẩn thận về sự cần thiết và cách kiểm tra người bệnh thường xuyên (hàng giờ) và hỗ trợ y tế nếu cần.

Chụp sọ thường và chụp cắt lớp sọ có thể thấy vỡ xương. Do chấn thương đốt sống có thể xảy ra trong chấn thương đầu nên cần chụp đốt sống cổ (đặc biệt tư thế nghiêng) ở bệnh nhân hôn mê, và ở bệnh nhân đau dữ dội vùng cổ hoặc có các dấu hiệu thần kinh có thể do ép tủy. Chụp cắt lớp sọ não có vai trò quan trọng trong chẩn đoán chảy máu não và có thể thấy phù não và di lệch đường giữa.

Chấn thương sọ não

Chấn thương sọ não và biện pháp điều trị được tóm tắt ở bảng. Tăng áp lực nội sọ có thể do tắc nghẽn thông khí, vị trí bất thường của cổ, động kinh, hạ natri máu, hoặc phù não, một khối máu tụ nội sọ cần phẫu thuật lấy máu tụ cũng có thể gây tăng áp lực nội sọ. Các phương pháp khác để làm giảm áp lực nội sọ gồm tăng thông khí, truyền mannitol, tiêm furosemid tĩnh mạch; corticosteroid không có tác dụng trong trường hợp này.

Rách da đầu và vỡ xương sọ

Rách da đầu và lún sọ hoặc lún do vỡ xương sọ cần điều trị ngoại khoa thích hợp. Vỡ xương sọ đơn thuần không cần điều trị đặc hiệu. Dấu hiệu lâm sàng của vỡ nền sọ gồm tím quanh hốc mắt (dấu hiệu đeo kính râm), chảy máu ở ống tai ngoài (dấu hiệu Battle), và chảy dịch não tủy (được xác định bằng nồng độ glucose) ở tai hoặc mũi. Liệt các dây thần kinh sọ, đặc biệt là dây I, II, III, IV, V, VII và dây VIII. Có thể tổn thương một hay nhiều dây.

Nếu rò dịch não tủy thì điều trị bảo tồn bằng nâng cao đầu, hạn chế dịch vào cơ thể, và dùng acetazolamid (250 mg ngày 4 lần) thường có tác dụng; nếu vẫn tiếp tục rò sau vài ngày thì có thể dẫn lưu dịch não tủy ở thắt lưng. Dùng kháng sinh nếu có nhiễm khuẩn, dựa vào cây và kháng sinh đồ, chỉ có một số ít các trường hợp là cần phải khâu màng cứng bị rách do rò dịch kéo dài hoặc viêm màng não tái phát.

Bảng. Các di chứng của não trong chấn thương sọ

Các biến chứng muộn của chấn thương đầu

Mối liên quan của chảy máu mạn tính dưới màng cứng với chấn thương đầu thường là không rõ. Ở rất nhiều người già không có tiền sử chấn thương, nhưng ở các trường hợp khác một chấn thương đầu thường là không nặng lắm xảy ra trước khi có các triệu chứng của tụ máu mạn tính dưới màng cứng vài tuần. Biểu hiện lâm sàng thường là thay đổi ý thức như là chậm chạp, ngủ gà, đau đầu, lú lẫn, rối loạn trí nhớ, thay đổi nhân cách, hoặc thậm chí là sa sút trí tuệ. Dấu hiệu thần kinh khu trú như liệt nửa người, hoặc rối loạn cảm giác nửa người cũng có thể có nhưng ít gặp hơn. Chụp cắt lớp sọ có ý nghĩa quan trọng cho việc phát hiện máu tụ. Điều trị bằng mổ lấy máu tụ để ngăn ngừa chèn ép não và thoát vị não. Não úng thủy áp lực bình thường có thể xảy ra sau chấn thương đầu cũng như chảy máu dưới nhện, hoặc viêm não màng não.

Các biến chứng muộn khác của chấn thương đầu gồm động kinh sau chấn thương và đau đầu sau chấn thương.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận