Cây Sắn dây | Vị thuốc đông y

CÁT CĂN, SẮN DÂY

HÌNH ẢNH, TÁC DỤNG, VỊ THUỐC NAM, ĐÔNG Y, BÀI THUỐC DÂN GIAN CHỮA BỆNH, THUỐC BẮC

Tên khoa học: Pueraria lobata (Willd). Ohwi. Họ: Đậu (Fabaceae).

Tên khác: Bạch cát, Khau cát(Tày).

Cách trồng: Trồng bằng đoạn thân cây. Chọn thân cây bánh tẻ, cắt thành từng đoạn có 3-5 mắt, trồng thích hợp nhất là vào mùa đông. Hố trồng đào sâu 50cm, đường kính 1-1,2m, bón lót bằng rơm, rạ mục, phân chuồng thật hoai trộn lẫn với tro bếp và đất, lấp đầy hố, rồi trồng hom giống vào. Sau khi trồng, dùng rơm, rạ phủ kín và tưới nước đủ ẩm. Khi cây lên mầm, cần tỉa bớt, chỉ để 2-3 mầm khỏe nhất và hướng mầm leo lên giàn. Nếu cho cây bò trên đất, phải thường xuyên nhấc thân cây lên để chống tạo rễ phụ, làm củ chậm lớn. Cần chăm sóc để cây đủ ẩm và không bị úng, ngập. Thu hái vào khoảng tháng 10 hoặc tháng 4 năm sau.

Bộ phận dùng và cách bào chế: Lá, củ.

Lá dùng tươi.

Củ phơi khô hoặc xay thành bột. Đào lấy rễ củ, rửa sạch, cạo hết lớp vỏ giấy, cắt thành khúc dài 15-20cm rồi phơi khô. Nếu dùng bột thì đem củ tươi, giã, lọc lấy bột (như lọc bột sắn). Lấy tinh bột phơi khô dùng dần.

Công dụng và liều dùng: Chữa sốt, khát nước, nhức đầu, cứng gáy do phong nhiệt, bị kiết lỵ, ban sởi mới mọc. Lá chữa ngộ độc nấm. Ngoài ra trong những công trình nghiên cứu gần đây, sắn dây còn có tác dụng tăng lưu lượng máu trong động mạch vành và động mạch não.

Liều dùng: 12 – 20g/ngày.

Bài thuốc ứng dụng:

Bài 1: Chữa cảm mạo, sốt cao, nhức đầu, họng đau:

Củ sắn dây 20g, Lá dâu 15g, Kinh giới 15g, Cúc hoa 4g, Bạc hà 6g, Cam thảo dây 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 2: Chữa trẻ em sốt cao:

Củ sắn dây 20g, Cam thảo dây 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 3: Chữa khát nước, say bia, rượu:

Bột sắn dây 10g hòa vào trong một chén nước đun sôi để nguội, thêm ít đường uống. Ngày uống 2 lần.

Bài 4: Chữa sốt, khát nước, kiết lỵ ra máu:

Củ sắn dây 10 – 20g sắc uống.

Bài 5: Chữa chứng nôn khan không dứt:

Giã củ sắn dây vắt nước uống.

Bài 6: Phòng trị tăng huyết áp, bệnh xơ vữa động mạch vành:

Bột sắn dây 30g, Vừng đen 15g, Gạo tẻ 30g, Mật ong lượng thích hợp.Vừng rửa sạch phơi khô, sao thơm, giã mịn rồi nấu cháo với bột sắn dây và gạo. Khi cháo chín, hoà mật ong vào, ăn hàng ngày.

Bài 7: Chữa cao huyết áp kèm đau cổ gáy:

Củ sắn dây khô 500g tán mịn, sắc 3 lần lọc lấy nước cô thành cao đặc, trộn mật ong vừa ngọt, ngày uống 2 lần, mỗi lần 15g.

Bài 8:Phòng chống tắc nghẽn mạch máu não:

Củ sắn dây 30g, Địa long 20-30g, Hồng hoa 15-20g. Sắc nước uống mỗi ngày 1 thang.

Bài 9: Chữa rắn độc cắn, ngộ độc nấm:

Giã 10 – 20g lá sắn dây tươi vắt lấy nước uống, bã đắp vào vết rắn cắn.

Bài 10: Chữa loét miệng lưỡi thể thực hỏa với các triệu chứng: Vết loét sưng đỏ, nóng rát, đau nhức, miệng khô, hôi, chất lưỡi đỏ, nước tiểu đỏ, đại tiện táo bón:

Cát căn, Cỏ mực, Mè đen, Rau đắng đất mỗi vị 20g, Cam thảo nam, Lá tre mỗi vị 16g. Tất cả đem sắc uống ngày 1 thang. Dùng từ 5-7 thang.

Bài 11: Chữa ban, sởi:

Củ sắn dây tươi 16g, Bông kinh giới tươi 12g, Cam thảo nam tươi 12g, Lá nọc sởi (sao qua) 6g, Dây mướp (sao vàng) 10g, Củ riềng(sao qua) 6g. Sắc uống ngày 1 thang.

Kiêng thức ăn tanh, béo, cay, kiêng ra gió và nước.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận