Cây Húng chanh | Vị thuốc đông y

HÚNG CHANH

HÌNH ẢNH, TÁC DỤNG, VỊ THUỐC NAM, ĐÔNG Y, BÀI THUỐC DÂN GIAN CHỮA BỆNH, THUỐC BẮC

Tên khoa học: Coleus amboinicus Lour. Họ: Bạc hà (Lamiaceae).

Tên khác: Rau tần lá dày, Rau thơm lông, Dương tử tô.

Cách trồng: Nhân giống bằng cành. Vào tháng 2-3, chọn những cây tương đối già, có rễ ở các đốt, cắt thành từng đoạn 2-3 đốt để làm giống. Có thể áp cành xuống mặt đất cho ra rễ rồi cắt lấy giống như trên. Đất trồng cần tơi, xốp, cao ráo, thoát nước. Bón lót bằng phân chuồng mục, đánh luống rồi đặt hom giống trồng nghiêng, cây cách cây 20-30cm, vùi 2/3 đoạn dưới. Có thể phủ rơm, rạ lên trên để giữ ẩm, sau 5-7 ngày cây mọc thì dỡ bỏ. Tưới nước sau khi trồng và xới bón trong quá trình cây phát triển. Sau 2-3 tháng là thu hoạch những lá bánh tẻ.

Bộ phận dùng và bào chế: Dùng lá tươi hoặc phơi âm can dùng dần.

Chưng cất tinh dầu hoặc nấu cao thì thu hái lá tươi.

Công dụng và liều dùng: Chữa cảm cúm, ho, hen, viêm họng, sốt không ra mồ hôi, nôn ra máu, chảy máu cam. Dùng ngoài lá tươi giã nát, đắp lên vết thương do rết và bò cạp cắn.

Liều dùng: 10-16g lá tươi hoặc 4-8g lá khô/ngày dạng thuốc sắc.

Bài thuốc ứng dụng:

Bài 1: Chữa ho, viêm họng, khản tiếng:

Lá húng chanh tươi nhai với ít muối, ngậm rồi nuốt dần hoặc 20g lá tươi giã nhỏ, thêm nước chín, vắt uống trong ngày.

Bài 2: Chữa ho gà:

Húng chanh 10g, Mạch môn 12g, Vỏ rễ dâu 12g, Bách bộ 10g, Rau sam 10g. Sắc uống ngày 1 thang. Uống liên tục 10-30 thang. Hoặc chế thành siro, ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 thìa canh. Trẻ em uống 1 thìa cà phê.

Bài 3: Chữa cảm mạo do lạnh:

Húng chanh 10g, Bách bộ 12g, Tía tô 12g, Xạ can 10g, Gừng tươi 8g, Vỏ quýt 8g, Bạch chỉ 6g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 4: Chữa rết, bọ cạp cắn: Giã lá tươi đắp lên vết thương.