Cây Gấc | Vị thuốc đông y

GẤC – MỘC MIẾT TỬ

HÌNH ẢNH, TÁC DỤNG, VỊ THUỐC NAM, ĐÔNG Y, BÀI THUỐC DÂN GIAN CHỮA BỆNH, THUỐC BẮC

Tên khoa học: Momordica chochinchinensis ( Lour.) Spreng. Họ: Bầu bí (Cucurbitaceae).

Tên khác: Mộc miết tử, Mác khẩu( Tày).

Cách trồng: Trồng bằng hạt (dùng hạt đã đồ xôi) hoặc giâm cành, nhưng phương pháp giâm cành được áp dụng phổ biến vì sớm có quả. Chọn những cành bánh tẻ của cây 2-3 năm tuổi, cắt thành từng đoạn dài 40-50cm, khoanh tròn lại rồi giâm vào hốc đã chuẩn bị sẵn. Hốc được đào sâu 50-60cm, đường kính 50cm. Bón lót bằng phân chuồng mục trộn với đất bùn ao phơi khô hoặc đất màu mỡ cho đầy hố rồi trồng hom giống vào, lấp đất dày 3-5cm. Dùng rơm, rạ mục phủ lên trên, tưới đủ ẩm. Khi mầm cao 40-50cm thì làm giàn cho cây leo. Thường đầu năm trồng thì cuối năm thu hoạch. Quả chín thu hoạch xong thì đốn hết thân lá, chỉ để lại gốc 40-50cm, năm sau cây lại tái sinh. Hàng năm, cần bón thúc 2-3 lần, mỗi lần 10-15 kg phân chuồng hoai, mục. Về mùa mưa, cần vun cao gốc tránh bị ngập úng.

Bộ phận dùng và cách bào chế: Dầu gấc, rễ và nhân hạt gấc.

Quả : Thu hái khi quả đã chín đỏ, bổ ra lấy hết hạt và màng đỏ phơi khô.

Cách chế dầu gấc:

Màng đỏ hạt gấc 200g, Dầu lạc (hoặc dầu dừa) 500ml.

Đun cả hai ở nhiệt độ 60-700C, cho đến khi màu đỏ của màng hạt gấc chuyển sang màu vàng nhạt thì gạn lấy dầu, để nguội cho vào chai màu để dùng dần.

Hạt: Bóc màng đỏ bao quanh hạt, đem phơi khô.

Rễ: Sau khi thu lấy hết quả, đào bớt rễ, rửa sạch, thái mỏng phơi khô.

Công dụng và liều dùng:

Dầu gấc: Làm thuốc bổ, chữa trẻ em chậm lớn, còi xương, suy dinh dưỡng, chữa mụn nhọt vết thương lâu lành, chữa mắt khô, quáng gà.

Rể gấc: Chữa đau nhức khớp xương.

Hạt(nhân hạt gấc): Chữa mụn nhọt, phụ nữ sưng vú, tiêu ứ huyết khi bị té ngã, bong gân.

Bài thuốc ứng dụng:

Bài 1: Chữa trẻ em chậm lớn, bổ dưỡng cho phụ nữ có thai, đang cho con bú, chữa vết thương lâu lành, mờ mắt quáng gà, người mới ốm dậy:

Dầu gấc ngày uống 10-20 giọt chia làm 2 lần trước bữa ăn.

Bài 2: Chữa mụn nhọt, phụ nữ sưng vú, té ngã bị bầm dập:

Nhân hạt gấc 20 nhân, Rượu 400 150ml.

Hạt gấc đem nướng cháy bên ngoài, giã nhỏ, ngâm vào rượu 5 ngày trở lên. Khi mụn nhọt chưa vỡ mủ, sưng vú, bầm dập thì lấy bông tẩm rượu thuốc đắp lên vị trí bị tổn thương.

Bài 3: Chữa đau nhức khớp xương:

Rễ gấc 20g, Rễ lá lốt 12g, Cây mã đề 8g, Rễ cỏ xước 8g, sắc uống ngầy 1 thang.

Bài 4: Chữa lông quặm:

Nhân hạt gấc 1 hạt giã nát, gói lại trong gạc sạch nhét vào mũi. Lông quặm bên này nhét vào mũi bên kia và ngược lại.

Bài 5: Chữa đau răng, bị bệnh quai bị:

Đau răng: Nhân hạt gấc mài với dấm thanh, rồi nhét vào răng đau.

Bệnh quai bị: Nhân hạt gấc 4-5 hạt mài vào 10ml dấm thanh hoặc rượu rồi đem bôi vào vùng tổn thương nhiều lần trong ngày.

Bài 6: Chữa sốt rét lâu năm:

Hạt gấc, vẩy trút số lượng như nhau tán nhỏ, rây thành bột mịn, mỗi lần uống 12g với rượu gạo lúc đói.

Bài 7: Chữa táo bón:

Uống dầu gấc 1-2ml /ngày hoặc ăn cháo gấc nấu gạo nếp vào bữa ăn sáng, buổi tốt trước khi đi ngủ.

Bài 8: Phòng chống ung thư: Ăn xôi gấc từng đợt hoặc ăn hàng ngày hoặc uống dầu gấc mỗi ngày 1ml.

Bài 9: Chữa bệnh trĩ sưng to, đau nhức:

Hạt gấc giã nát trộn giấm thanh gói vào vải sạch đắp vào hậu môn. Mỗi đêm đắp thuốc 1 lần.

Bài 10: Chữa da bàn chân bị dày cộm, đi lại đau nhức do bị tê thấp:

Lấy 5 hạt gấc, bóc lớp vỏ cứng bên ngoài, giã nhỏ, hòa với rượu sền sệt rồi đắp vào vùng da bị chai, băng lại, mỗi ngày đắp 1 lần.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận