Cây Cam thảo dây | Vị thuốc đông y

CAM THẢO DÂY

HÌNH ẢNH, TÁC DỤNG, VỊ THUỐC NAM, ĐÔNG Y, BÀI THUỐC DÂN GIAN CHỮA BỆNH, THUỐC BẮC

Tên khoa học: Abrus precatorius L. Họ: Đậu (Fabaceae).

Tên khác: Dây cườm cườm, Cườm thảo, Dây chi chi, Tương tư đằng, Cảm sảo(Tày).

Cách trồng: Cây được trồng bằng hạt hoặc dây. Chọn đất cao ráo, thoát nước, đào hốc sâu 40-50cm, rộng 40x40cm, trộn đất với phân chuồng hoai lấp gần đầy hố. Gieo mỗi hốc 3-4 hạt. Khi cây cao 10-15cm, nhổ bớt, chỉ để mỗi hốc 2-3 cây khỏe nhất. Nếu trồng bằng dây thì cắt đoạn thân gần gốc, có rễ, dài 25-30cm đem trồng. Làm giàn hoặc dựng cọc cho cây leo. Sau khi trồng 3 tháng cỏ thể thu hoạch. Cây này mọc hoang phổ biến ở các lùm cây vùng trung du, đồng bằng nên thu hái từ thiên nhiên là chính.

Bộ phận dùng và cách bào chế: Thân, rễ, lá, hạt.

Thân, rễ, lá thu hái tốt nhất lúc cây mới ra hoa, đem rửa sạch, chặt thành từng đoạn ngắn, phơi khô dùng dần. Lá hái quanh năm. Hạt hái lúc đã chín, phơi khô.

Tác dụng và liều dùng: Thân, lá, rễ có tác dụng chữa ho, giải cảm, giải độc, điều hòa các vị thuốc khác, chữa viêm gan do siêu vi trùng.

Ngày dùng 8-16g dạng thuốc sắc.

Bài thuốc ứng dụng:

Bài 1: Chữa cảm nắng, ho khan, viêm họng:

Lá cam thảo dây15g, sắc uống.

Bài 2: Chữa hen, suyễn lên cơn do cảm nhiễm phong hàn:

Cam thảo dây 12g, Hành hoa 12g, Gừng sống 12g, Quế chi 12g, Tía tô 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 3: Chữa cảm cúm:

Cam thảo dây 12g, Nam sài hồ 12g, Củ xương bồ (cắt mỏng, sấy khô)10g, vỏ quýt 12g, Bạc hà 12g, Phèn chua( phi hết nước) 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 4: Chữa viêm phế quản mạn tính:

Cam thảo dây 10g, Vỏ quýt( sao vàng) 10g, Vỏ vối (sao thơm) 10g, Hạt cải trắng 10g, Bán hạ chế 8g, Gừng tươi 4g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 5: Chữa viêm bàng quang:

Cam thảo dây 12g, Bồ công anh 20g, Thài lài tía 12g, Hạt dành dành 12g, Rau má 12g, Mã đề 16g, Râu ngô 12g, Mộc thông 12g. Sắc uống ngày 1 thang.