Cây Cam thảo đất | Vị thuốc đông y

CAM THẢO ĐẤT

HÌNH ẢNH, TÁC DỤNG, VỊ THUỐC NAM, ĐÔNG Y, BÀI THUỐC DÂN GIAN CHỮA BỆNH, THUỐC BẮC

Tên khoa học: Scoparia dulcis L. Họ: Hoa mõm chó (Scrophulariaceae).

Tên khác: Cam thảo nam, Dã cam thảo, Thổ cam thảo, Dạ kham( Tày).

Cách trồng: Trồng bằng hạt. Hạt được gieo thẳng hoặc gieo trong vườn ươm vào tháng 2-3. Cây dễ mọc trên mọi loại đất, nên sau khi cày, bừa kỷ, lên luống, bón lót ít phân chuồng, sau đó gieo hạt hoặc bứng cây từ vườm ươm trồng. Quá trình cây lớn lên, thỉnh thoảng làm cỏ, xới quanh gốc, tưới nước nếu có hạn hán. Cây này mọc hoang khắp nơi, nên thu hái từ thiên nhiên là chính.

Thu hái và bào chế: Dùng tươi:Thu hái thân, lá cây trưởng thành quanh năm.

Dùng khô: Cắt thân cây trưởng thành phần trên mặt đất, đem phơi hoặc sấy khô. Khi dùng cắt ngắn 2cm-4cm.

Công dụng và liều dùng: Bổ tỳ, nhuận phế, thanh nhiệt giải độc. Dùng chữa các chứng bệnh như sốt, ho, viêm họng, mẩn ngứa, ban sởi…

Liều dùng: 8g-12g dược liệu khô, 20g-40g tươi/ngày.

Bài thuốc ứng dụng:

Bài 1: Chữa mẩn ngứa ở trẻ nhỏ:

Cam thảo đất 20g, Kim ngân hoa 20g, Kinh giới 15g. Tất cả rửa sạch sắc với 300ml nước còn 100ml chắt lấy nước, bỏ bã, chia 3 lần cho trẻ uống trong ngày. Uống liên tục từ 3-5 ngày.

Bài 2: Chữa phù thũng do viêm cầu thận:

Cam thảo đất 20g, Lá tía tô 12g, Lá tre 8g, Củ sắn dây 12g, Hành tăm 12g, Lá chanh 10g, Gừng tươi 2g, Bông mã đề 20g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 3: Chữa di tinh, khát nước, tiểu tiện đỏ:

Cam thảo đất 12g, Tỳ giải 16g, Ý dĩ 12g, Hoàng bá nam 12g, Bồ công anh 16g, Mẫu lệ 12g, Củ mài 16g, Cỏ nhọ nồi 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 4: Chữa hỗ trợ bệnh sởi khi mới phát:

Cam thảo đất 12g, Lá diếp cá 16g, Rau rệu 16g. Sắc ngày 1 thang, chia uống 3 lần.