[Phương thang] Cấu tạo một bài thuốc đông y

Ta lấy một vị thuốc hoặc nhiều vị thuốc bào chế theo một phương pháp nhất định để chữa một bệnh nào đó thì thuốc đó gọi là một bài thuốc.

Có bài thuốc chỉ có một vị, người xưa đã từng dùng như cao Tỳ bà diệp, cao Tang chi, cao Kim anh tử, thuốc sắc Độc sâm thang hoặc như thuốc viên Hoàng liên, Diên hồ sách, thanh nhiệt tiêu viêm (chỉ một vị Bồ công anh chế thành) hoặc là thuốc tiêm Bản lam căn, hoặc thuốc lưu truyền trong dân gian như vị mã xỉ nghiễn (rau sam) chữa đau bụng đi tả, ngư tinh thảo chữa bệnh ủng phổi, xú ngô đồng chữa huyết áp cao v.v… Bài thuốc một vị có đặc điểm chủ yếu là chuyên chữa một bệnh, nguồn thuốc tại chỗ, nhân dân lao động dễ học biết và sử dụng, dễ nghiên cứu tính năng tác dụng và hiệu quả của vị thuốc đó, là cơ sở hình thành các bài thuốc có nhiều vị.

Có bài thuốc nhiều vị. Từ xưa đến nay dùng thuốc để chữa bệnh đều bắt đầu từ một vị thuốc. Đến khi thấy chỉ dùng một vị để chữa bệnh không đủ hiệu nghiệm mới dần dần dùng hai vị hoặc nhiều vị phối hợp lại, cùng dùng hai vị thuốc một lúc có thể bổ sung hạn chế của vị thuốc kia (như cùng dùng Ngô thù với Hoàng liên), khử được chất độc của vị thuốc (như cùng dùng Sinh khương với Bán hạ), làm dịu chất mạnh của thuốc (như cùng dùng Đại táo với Đình lịch) hoặc phối hợp phát huy hiệu quả lớn hơn (như cùng dùng Can khương với Phụ tử, qua việc ghép vị (phối ngũ) như vậy tác dụng của nó không giống như dùng một vị thuốc riêng lẻ. Qua thực tế chữa bệnh nhiều năm do kinh nghiệm tích lũy được mà hình thành các bài thuốc. Nắm vững nguyên tắc ghép vị thuốc thì sử dụng thuốc tốt hơn hợp với các chứng bệnh phức tạp nâng cao được kết quả điều trị. Đó là đặc điểm của y dược học Trung Quốc, chữa bệnh theo phép biện chứng. Những bài thuốc hiệu nghiệm do người xưa để lại rất là quý báu cần được khai thác, phát huy và nâng cao lên.

Nguyên tắc tạo thành bài thuốc

Bài thuốc đông y được tạo thành bởi 3 thành phần:

Vị thuốc chủ

Căn cứ bệnh tình chọn một, hai vị thuốc chủ yếu làm nòng cốt chữa bệnh, đó là thành phần chủ yếu. Như bài Tam thừa khí thang lấy Đại hoàng làm vị thuốc chủ tức là xác định cách chữa công hạ thực nhiệt ở vị tràng.

Vị thuốc phù trợ

Căn cứ đặc điểm của bệnh, cân nhắc chọn vị thuốc chủ rồi lại chọn những vị thuốc khác ghép vào để vị thuốc chủ phát huy được tác dụng cần thiết đề điều trị càng sát hợp với bệnh tình. Như bài Ma hoàng thang lấy Quế chi làm vị phù trợ cho Ma hoàng để tăng thêm tác dụng tân ôn giải biểu; bài Xạ can Ma hoàng thang lấy Xạ can làm vị phù trợ để giảm tác dụng tân ôn hòa giải biểu của Ma hoàng mà tăng thêm công hiệu tuyên phế bình suyễn.

Vị thuốc gia thêm theo bệnh

Tức là theo bệnh thứ yếu của bệnh nhân mà cho thêm vị thuốc vào như ho thêm Hạnh nhân, tiêu hóa không tốt thêm Lục thần khúc, Mạch nha.

Điều cần nói thêm là: Vị thuốc chủ và vị thuốc phù trợ trong bài thuốc không hạn chế một hay hai vị, rất nhiều bài có đến hai, ba vị tạo thành. Nhưng lúc có vị thuốc chủ hoặc vị thuốc phù trợ có từ hai vị trở lên, có thể xảy ra hai tình huống!

Một là sau khi ghép vị rồi có thể tăng cường hạn chế hoặc cải biến tác dụng của vị thuốc chủ hoặc vị thuốc phù trợ như Ngân hoa cùng dùng với Liên kiều trong bài: Ngân kiều tán thì tác dụng thanh nhiệt sẽ được tăng lên, vì hai vị đó dược tính tương tự như nhau; Ma hoàng cùng dùng với Thạch cao trong bài Ma hạch thạch cam thang là để hạn chế nhau vị Ma hoàng thì tân ôn còn Thạch cao thì tân hàn, khí vị tương phản để tạo thành bài thuốc khai phế thanh nhiệt, Quế chi và Bạch thược trong bài Quế chi thang là vị thuốc chủ nhưng khí vị tương phản cốt để điều hòa dinh vệ: Tình huống khác là ứng dụng kết hợp một lúc hai cách chữa bệnh như bài Đại thừa khí thang lấy Hậu phác, Chỉ thực ghép vị Đại hoàng là ứng dụng kết hợp một lúc hai cách chữa công hạ và hành khí, phá khí, tác dụng của nó càng mạnh hơn. Như bài Hoàng long thang lấy Nhân sâm, Đương quy để ích khí dưỡng huyết phối vị với Đại hoàng để công hạ, đó là kết hợp ứng dụng giữa công và bổ, trở thành bài thuốc vừa công vừa bổ. Cũng có thể gọi vị thuốc nói trên là “sứ dược”, tức là chọn vị thuốc nào đó có tác dụng đến một phủ tạng, kinh lạc nào đấy, dẫn thuốc đến thẳng nơi bị đau như Kiết cánh dẫn thuốc đi lên, Ngưu tất dẫn thuốc đi xuống. Cũng có vị thuốc có tác dụng điều hòa giữa các vị thuốc như thường dùng Cam thảo trong nhiều bài thuốc nhưng không phải bài nào cũng dùng nó.

Tóm lại, nguyên tắc tạo thành bài thuốc là một bộ phận trong phép chữa bệnh biện chứng của đông y, là cách vận dụng cụ thể của “Lý, phép, phương, dược”. Chỉ có chẩn đoán chính xác, phân biệt rõ bệnh tình nặng nhẹ, thư cấp, bệnh nào chính phụ quyết định nguyên tắc điều trị, chọn đúng vị thuốc chủ, vị thuốc phù trợ có mục đích thì mới tạo nên một bài thuốc hiệu nghiệm.

Nguyên tắc ghép vị thuốc

Bài thuốc được tạo nên là do việc ghép các vị thuốc lại với nhau. Dùng một vị hoặc nhiều vị phối hợp với nhau phải tuân theo phương pháp chọn vị thuốc. Do việc ghép vị thuốc khác nhau mà tạo nên tác dụng khác nhau như Quế chi ghép với Ma hoàng thì ra mồ hôi nhưng ghép với Thược dược thì ngừng ra mồ hôi. Qua việc ghép vị thuốc, có cái tăng thêm hiệu lực của thuốc như Đại hoàng ghép với Mang tiêu thì tác dụng tả hạ càng mạnh, có cái có thể giảm bớt tính năng của thuốc như Phụ tử dùng chung với Địa hoàng thì Địa hoàng hộ âm, cơ thể giảm bớt tính tân nhiệt cương tác và suy âm của Phụ tử; có vị thuốc có thể khiên chế độc tính của vị thuốc khác để giảm bớt tác dụng phụ, như Bán hạ phối hợp với Sinh khương thì Sinh khương khiên chế chất độc của Bán hạ để nó có thể phát huy được tác dụng ngừng nôn khử đờm.

Cần phải nêu rõ, cách tạo bài thuốc và ghép vị thuốc không phải bài nào cũng chặt chẽ, hoàn chỉnh mà phải nhìn một cách tổng hợp toàn diện để đánh giá tác dụng mỗi bài thuốc, có bài tạo nên tác dụng hợp đồng, tập trung như 4 vị trong bài Hoàng liên giải độc thang đều là vị thanh nhiệt tả hỏa, 8 vị trong bài Bát chính tán đều là vị thanh nhiệt thông lâm; có bài tạo thành tác dụng ngược lại như cùng dùng Quế chi và Thược dược trong bài Quế chi thang; có bài cùng dùng vị hàn nhiệt (như bài Tả kim hoàn), cùng chữa bổ tả (như Hoàng long thang), biểu lý đồng trị (như bài Phòng phong thông kinh tán) v.v…, đều là do bệnh tình phức tạp mà định cách chữa thích hợp; có bài thuốc ở dạng chiếu cố toàn diện như bài điều hòa khí huyết và bổ ích khí huyết trong thân thể bệnh nhân.

Định lượng mỗi vị thuốc trong thang nhiều ít, chủ yếu do bệnh tình mà định, nếu bệnh đơn giản hoặc cách chữa cần chuyên một thời gian, thì lượng thuốc cần ít nhưng tinh; nếu bệnh phức tạp cần có hai cách chữa phối hợp thì vị thuốc tất nhiên phải nhiều lên. Nếu quá nhiều vị trong một thang, có 1 lúc nó sẽ khiên chế nhau, ảnh hưởng nhau, cần phải chú ý, cho nên khi bốc thuốc cần chú ý trọng điểm, lại phải chiếu cố thỏa đáng toàn diện, sao cho “nhiều mà không tạp, ít mà tinh chuyên”.

Định lượng mỗi vị thuốc trong một bài thuốc thông thường định lượng vị thuốc chủ nhiều hơn các vị khác, thuốc phản tá (tức là dược tính phản lại với vị thuốc chủ, thuốc phù trợ khiên chế vị thuốc chủ) thuốc điều hòa thuốc dẫn kinh thì định lượng thường ít hơn các vị thường dùng nhưng phải xem tình hình cụ thể của bệnh và thuốc mà định. Như bài Tả kim hoàn thì Hoàng liên là thuốc chủ, Ngô thù là thuốc phản tá (cũng có thể gọi là thuốc dẫn kinh) thì tỷ lệ của 2 vị thuốc là 6/1. Bài Đại tiểu thừa khí thang đều lấy Hậu phác, Chỉ thực là thuốc phù trợ, nhưng do bệnh tình khác nhau nên định lượng Hậu phác, Chỉ thực trong bài Thừa khí thang nhiều hơn gấp đôi mức thường dùng. Do vậy, định lượng vị thuốc không chỉ phân biệt vị thuốc chủ và thuốc phù trợ mà còn căn cứ bệnh tình mà gia giảm.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận