[Chứng trạng] Can huyết hư

Chứng Can huyết hư là tên gọi khái quát cho những chứng trạng là do Can huyết bất túc gân mạch mất nuôi dưỡng, xuất hiện gân mạch co rút, mắt nhìn mọi vật lờ mờ, móng tay chân gẫy ròn, chất lưỡi nhợt, mạch Huyền Tế v.v…Bệnh phần nhiều do mất huyết quá nhiều hoặc nguồn sinh hóa ra huyết bất túc và ốm lâu bị hao thương Can huyết gây nên.

Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là sắc mặt xanh nhợt hoặc vàng bủng, thể trạng gầy còm, hai mắt khô rít, quáng gà hoặc nhìn vật lờ mờ, hoa mắt ù tai, tay chân tê dại, hoặc gân mạch co rút, móng tay chân không tươi, đối với phụ nữ có thể thấy hành kinh lượng ít sắc nhợt thậm chí bế kinh, miệng môi và chất lưỡi trắng nhợt, mạch Tế hoặc Huyền Tế.

Chứng Can huyết hư thường gặp trong các bệnh Hư lao, Huyễn vậng, Bất mị, Ma mộc, Tước manh, Kinh nguyệt không điều, Thống kinh v.v…

Cần chẩn đoán phân biệt với các chứng Tâm huyết hư, chứng Huyết hư sinh phong, chứng Can âm hư và chứng Can uất huyết hư.

Phân tích

Chứng Can huyết hư có thể gặp trong nhiều loại tật bệnh, biểu hiện lâm sàng không hoàn toàn giống nhau, cần phân tích kỹ.

Trong bệnh Kinh nguyệt không điều của Phụ nữ xuất hiên chứng Can huyết hư thì có đặc điểm là hành kinh ra muộn, lượng ít, chất loãng, thậm chí Bế kinh; đây là do Can huyết bất túc huyết hải rỗng không thể đầy đủ theo đúng thời gian đã định nên thành bệnh, điều trị nên theo phép bổ Can dưỡng huyết điều kinh, chọn dùng bài Tiểu doanh tiễn (Cảnh Nhạc toàn thư).

Nếu Can huyết hư gặp trong bệnh Thống kinh, có đặc điểm là khi đang hành kinh hoặc sau khi hành kinh, bụng dưới đau âm ỉ liên miên, ưa xoa bóp, lưng gối yếu, chóng mặt ù tai, mạch Trầm Huyền mà Tế; bệnh phần nhiều do Can huyết bất túc,tổn hại tới Thận tinh, hai mạch Xung Nhâm đều hư, Bào mạnh mất sự nuôi dưỡng gây nên bệnh; điều trị nên điều bổ Can Thận, dùng bài Điều can tán (Hòa tễ cục phương).

Trong bệnh Hư lao gặp chứng Can huyết hư, biểu hiện lâm sàng có những đặc điểm sắc mặt không tươi, thể trạng gầy còm chân tay mình mẩy tê dại hoặc gân mạch co rút, móng tay chân khô ròn, thậm chí biến dạng, đó là do Can huyết bất túc, gân mạch không được nuôi dưỡng gây nên bệnh; điều trị nên bổ huyết dưỡng Can, cho uống bổ Can thang (Y tông kim giám).

Trong bệnh Tước manh (quáng gà) gập chứng Can huyết hư, thường có những chứng trạng đặc điểm là nhìn sự vật tối xầm, về tối quáng gà, tròng mắt khô sáp mà đau lan tỏa đến cả xương quầng mắt, bệnh phần nhiều do Can huyết bất túc, thanh khiếu không được nuôi dưỡng gây nên; Sách Bút hoa y kính có nói: Can bị hư là do Thận thủy không hàm mộc làm cho huyết thiêu, mạch ở tả quan tất phải Nhược hoặc Đại mà rỗng không, có các chứng trạng đau sườn, chóng mặt, mắt khô và xương quầng mắt đau v.v…điều trị nên tư Can dưỡng huyết làm cho sáng mắt, cho uống bài Tứ vật thang (Thai bình huệ dân hòa tế cục phương)

Chứng Can huyết hư gặp trong bệnh Bất mỵ, có những chứng trạng đặc điểm như mất ngủ, hay mê, dễ sợ hãi, chóng mặt hoa mắt, mạch Huyền Tế; phần nhiều do Can huyết bất túc, thần thức không được nuôi dưỡng, hồn không chỗ ẩn náu, mà thành bệnh; điều trị nên dưỡng huyết, bổ Can,an thần, cho uống bài Toan tảo nhân thang (Kim Quỹ yếu lược) gia giảm.

Chứng Can huyết hư thường được gặp ở người bị mất huyết quá nhiều, doanh hóa huyết sinh bất túc, nhất là phụ nữ hay mắc chứng này, biểu hiện lâm sàng có các chứng trạng hành kinh ít, sắc nhợt, hành kinh muộn, bế kinh, sau khi hành kinh đau bụng, thai động không yên, thiếu sữa và không thụ thai v.v…

Can chứa huyết, chủ về sơ tiết, lấy huyết làm gốc “thể âm mà dụng dương”; Nếu huyết dịch đầy đủ thì Can có chỗ chứa, chức năng sơ tiết mới được bình thường, trái lại Can huyết bất túc, Can mất sự nuôi dưỡng thì sự sơ tiết thiếu thốn, từ đó mà xuất hiện các chứng trạng ngực sườn trướng đầy, hậm hực không vui, đa nghi cả nghĩ, thậm chí rầu rĩ muốn khóc, đó là thuộc về chứng Can khí uất kết. Nếu huyết hư dương trôi nổi, hư nhiệt từ trong sinh ra, thì xuất hiện các chứng trạng về Can dương thượng cang như nóng nảy hay giận, mất ngủ hay mê, đầy trướng đau, hoa mắt chóng mặt v.v…

Lại như Can tàng huyết, Thận chứa tinh, “Tinh huyết cùng một nguồn”, trong quá trình diễn biến bệnh cơ, chứng Can huyết hư lâu ngày không khỏi, thường có thể dẫn đến Thận tinh suy hư, mà biểu hiện các chứng trạng chóng mặt ù tai, lưng gối mềm yếu, tóc rụng răng trồi, nam giới thì không sinh dục, nữ không thụ thai…đó là phạm vi chứng Can Thận suy tổn.

Trường hợp Can huyết bất túc, khí cơ không thư sướng, huyết đi sáp trệ, thường có kiêm cả chứng khí trệ huyết ứ, biểu hiện các chứng trạng sườn đau nhói, cố định không di chuyển, da dẻ tróc vẩy, ven lưỡi tía tối hoặc có nốt ứ huyết; Nếu ứ huyết trở trệ, huyết mới không sinh ra được, lại dẫn đến Can huyết suy hư, hai loại ảnh hưởng lẫn nhau, khiến cho bệnh dằng dai lâu khỏi.

Chẩn đoán phân biệt

Chứng Tâm huyết hư với chứng Can huyết hư: Tâm chủ huyết mạch, Can chứa huyết; Nếu Tâm huyết bất túc, thường thấy cả Can huyết hư; Nếu Can huyết bất túc, Tâm huyết cũng do đó mà bị tổn hại. Cho nên trên lâm sàng hai chứng này có chỗ gần giống nhau, đều có thể xuất hiện các chứng trạng về huyết hư như sắc mặt trắng nhợt hoặc vàng bủng, môi miệng và móng tay chân nhợt, chóng mặt, chất lưỡi nhợt, mạch Tế v.v…Vì vậy cần phải chẩn đoán phân biệt.

Nói theo nguyên nhân gây bệnh, chứng Tâm huyết hư phần nhiều do mất nhiều máu, nguồn sinh hóa ra huyết không đủ; cho đến tư lượng quá độ, hao thương Tâm huyết gây nên bệnh ;Tâm huyết bất túc,Tâm mất sự nuôi dưỡng cho nên hồi hộp, thậm chí sợ hãi liên tục; Tâm chứa thần, chủ yếu về thần chí, huyết không nuôi Tâm, thần không chốn ở cho nên mất ngủ, hay mê, chóng mặt, chóng quên, thần chí không yên.

Chứng Can huyết hư cũng có thể do mất nhiều huyết, nguồn hóa sinh huyết bất túc, cho đến ốm lâu làm hao thương Can huyết gây nên bệnh. Can chủ về gân, vẻ tươi đẹp hiện ra ở móng tay chân, khai khiếu lên mắt; Can huyết bất túc không nuôi dưỡng được các khiếu, cho nên hai mắt khô rít, nhìn mọi vật lờ mờ, quáng gà, nặng hơn thì mắt mờ; Can huyết suy hư không nuôi dưỡng được gân mạch thì tay chân tê dại, hoặc gân mạch co rút, móng tay chân kém tươi; Can là huyết hải, Can huyết bất túc thì huyết hải rỗng không, không có gì để hóa sinh ra kinh huyết, cho nên hành kinh thường muộn, lượng ít, thậm chí bế kinh; Huyết là mạch của Can, Tế là mạch thuộc huyết hư, chứng Can huyết hư phần nhiều thấy mạch Huyền Tế. Tóm lại, tính chất hai chứng bệnh tuy giống nhau, nhưng bộ vị mắc bệnh khác nhau; một bệnh ở Can, một bệnh ở Tâm, có thể chẩn đoán phân biệt được.

Chứng Huyết hư sinh phong với chứng Can huyết hư, cả hai đều do huyết hư gây nên, đều biếu hiện lâm sàng Can huyết bất túc như các chứng trạng hai mắt khô rít, mắt trông lờ mờ không tỏ, sắc mặt không tươi, chân tay tê dại hoặc gân mạch co rút, chất lưỡi nhạt, mạch Huyền Tế v.v…

Nhưng hai chứng này có nặng nhẹ khác nhau. Huyết hư sinh phong phần nhiều do chứng Can huyết hư phát triển thêm một bước, bệnh tình nặng hơn, bởi vì Can huyết suy hư, gân mạch không được nuôi dưỡng, hư phong nội động đến nỗi ngoài da ngứa ngáy, tứ chi lẩy bẩy nặng hơn thì co giật, chân tay tê dại, khác hẳn với chứng Can huyết hư chỉ đơn thuần là huyết hư, không có hiện tượng phong động; chẩn đoán phân biệt không khó.

Chứng Can âm hư với chứng Can huyết hư; Can huyết là chỉ huyết dịch chứa ở tạng Can, thuộc Âm. Cho nên Can huyết hư có thể phát triển thành chứng Can âm hư. Hai chứng này vị trí bệnh ở tạng Can, cùng thuộc Hư chứng của Can; Nguyên nhân bệnh, cơ chế bệnh, biểu hiện lâm sàng mười phần giống nhau.

Chứng Can phần nhiều do mất nhiều máu, nguồn hóa sinh ra huyết bất túc, do ốm lâu bệnh nặng hao thương, Can huyết gây nên bệnh.Còn chứng Can âm hư có thể từ chứng Can huyết hư phát triển thêm một bước, cũng có thể do Thận âm suy hao, thủy không hàm mộc, tinh không hóa ra huyết, hoặc thời kỳ cuối của bệnh nhiệt bị hun đốt âm dịch, cho đến Can uất hóa hoả, ngấm ngầm làm hao tổn Can âm gây nên bệnh.

Đặc điểm lâm sàng không giống nhau: Chứng Can huyết hư, là vì huyết hư không làm tươi tốt đầu mặt cho nên sắc mặt trắng nhợt hoặc úa vàng, môi nhợt; Còn chứng Can âm hư là vì âm không chế dương, hư nhiệt từ trong sinh ra, cho nên sắc mặt đỏ bừng, môi đỏ miệng khô; có thêm cả chứng trạng âm hư nội nhiệt như ngữ tâm phiền nhiệt, hư phiền mất ngủ, triều nhiệt mồ hồi trộm, tiểu tiện vàng, đại tiên khô v.v…

Chứng Can huyết hư phần nhiều có chất lưỡi nhợt, mạch Huyền Tế, chứng Can âm hư thì chất lưỡi đỏ tươi và ít rêu, mạch Huyền Tế Sác. Về phụ nữ mà nói, Can huyết hư thì huyết hải không đầy, có thể biểu hiện chứng kinh nguyệt ra muộn, lượng ít, sắc nhợt, thậm chí bế kinh; Do âm hư nội nhiệt, nhiệt ẩn náu ở Xung Nhâm, có thể nung nấu âm huyết mà có chứng hành kinh ra muộn, lượng kinh hoặc nhiều hoặc ít, hoặc bế kinh… Cũng có thể do hư nhiệt bức huyết đi càn mà có chứng kinh nguyệt thấy trước kỳ, lượng nhiều sắc đỏ tươi, thậm chí có chứng trạng băng lậu. Chứng Can huyết hư là do Can huyết bất túc đơn thuần, không có hiện tượng âm hư nội nhiệt. Chứng Can âm hư ngoài những chứng trạng do âm huyết khuy tổn, hiện tượng âm hư nội nhiệt rõ rệt, đó là mấu chốt để chẩn đoán phân biệt.

Chứng Can uất huyết hư với chứng Can huyết hư: Cả hai đều có biểu hiện Can huyết bất túc, nhưng về bệnh nhân và bệnh cơ trên lâm sàng có đặc điểm khác nhau. Chứng Can uất huyết hư thường do ưu tư tích uất, óan hận không tháo dỡ được, doanh âm ngấm ngầm, tạng âm hao thương mà thành bệnh, chứng trạng chủ yếu do ba tạng Tâm Can Thận âm huyết hư suy không nuôi dưỡng được Tâm thần như buồn thương muốn khóc hoặc cười khóc thất thường tinh thần hoảng hốt khó kiềm chế được; hoặc nhìn mà như không thấy gì, nghe mà không biết nghe gì, có lúc ngáp vặt, biểu lộ tính chất ranh mãnh ma lanh. Sách Kim quĩ yếu lược nói: “Phụ nữ bị tạng táo, lo mừng muốn khóc giống như ma làm, thường vươn vai và ngáp luôn, bài Cam mạch đại táo thang chủ chữa bệnh ấy”, so với chứng Can huyết bất túc đơn thuần chẩn đoán phân biệt không mấy khó khăn.

Trích dẫn y văn

Can mắc bệnh… hư chứng thì mắt lờ mờ không tỏ, tai không nghe được, dễ sợ hãi như có người sắp đến bắt (Tạng khí pháp thời luận – Tố Vấn).

Can hậu lên mắt mà chứa huyết. Huyết thì nuôi dưỡng mắt. Tạng Phủ bị mệt nhọc, huyết khí đều hư, khí của năm Tạng bất túc không nuôi dưỡng được mắt, cho nên mới nói mắt mờ(Hư lao bệnh chư hậu thượng – Chư bệnh nguyên hậu luận).

Có mười chứng thuộc Can hư; ngực sườn đau thuộc Can huyết hư; Rút gân thuộc huyết hư; Tầm mắt nhìn không xa, thuộc Can huyết hư và chân âm Thận thủy bất túc; Mắt hoa thuộc Can huyết hư có nhiệt kiêm cả chân âm Thận thủy bất túc… Mất huyết quá nhiều, uốn ván, thuộc Can huyết hư có nhiệt… Mắt tối xầm chóang váng, thuộc huyết hư kiêm cả Thận thủy chân âm bất túc (Bản thảo kinh sơ, quyển 2).

Huyết hư sinh phong, không phải là có phong đích thực. Sự thật là vì huyết không nuôi gân, gán mạch co rút, co duỗi không được như bình thường, cho nên chân tay co giật giống như phong động, cho nên gọi là nội hư ám phong, thông thường gọi là Can phong, bệnh Ôn nhiệt giai đoạn cuối cùng thường có chứng này, đó là vì nhiệt làm tổn hại huyết dịch (Lục kinh phương dược – Thông tục Thương hàn luận).

Phụ nữ lấy huyết làm chủ yếu, huyết đủ thì đầy mà mộc khí thịnh; huyết suy thì nhiệt mà mộc khí găng quá. Mộc thịnh hay mộc găng quá, đều dễ sinh giận dữ… Nhưng cơn giận bốc lên thì Can huyết tất tổn hại nhiều; Cơn giận bị nén lại thì Can huyết hao tổn ngấm ngầm, bởi vì Giận là kẻ thù của huyết (Bút hoa y kính – quyển 4).

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận