Cần bỏ túi 2 thứ này để tự cứu mình khi cảm lạnh ngoài đường

Thời tiết này rất dễ bị cảm lạnh, hãy luôn bỏ túi 2 “bảo bối” này để tự cứu mình, cứu người khi choáng váng, mệt lả, ngất xỉu, buồn nôn… ngoài đường.

Gừng nướng

Cảm lạnh rất dễ mắc khi đi mưa, gặp gió, ngồi điều hòa, bị quạt thốc… Ở nhà thì rất dễ xử lý, nhưng mắc cảm lạnh ở ngoài đường nếu không có “bảo bối” trong túi thì sẽ rất khổ sở.

Nếu đột nhiên thấy ớn lạnh dọc xương sống, nhức đầu, mệt mỏi uể oải, sợ lạnh, đi tiêu phân lỏng, có sốt nhẹ, hoặc hạ đường huyết, bủn rủn chân tay, toát mồ hôi, chân không đứng vững… là đã bị nhiễm lạnh.

Mọi người hay dùng cách uống nước đường – gừng tươi nóng. Nhưng lúc đang đi đường, trú mưa… thì không dễ gì kiếm được nước đường – gừng tươi nóng để uống.

Lương y quốc gia Anh Đào (nguyên bác sĩ Viện Y học cổ truyền Quân đội, bác sĩ Phòng khám đông y 138A Giảng Võ, Hà Nội), khuyên: Hãy nướng sẵn một củ gừng, cho vào túi mang theo người. Đi đường lỡ gặp mưa, thấy gai người, ớn lạnh sống lưng, buồn nôn… chỉ cần nhấm ăn dần – gừng nướng dễ ăn hơn gừng tươi. Chỉ cần ăn hết nửa củ gừng nướng thì đã đánh bay được hết các triệu chứng khó chịu của cảm lạnh để tiếp tục hành trình mà không bị ảnh hưởng tới sức khỏe.

Khi về nhà thì chế biến nước đường – gừng tươi nóng uống ngay, hoặc đánh gió bằng gừng tươi giã nhỏ, trộn với tóc rối, bọc vào miếng vải đánh xuôi từ trên xuống để giải cảm.

Cảm lạnh không phải bệnh nghiêm trọng, nhưng ảnh hưởng tới sức khỏe và sinh hoạt. Đánh cảm sẽ nhanh khỏi và trong vong 5-7 ngày nên bồi bổ, giữ ấm tốt.

Dầu gió rất tốt, nhưng cần dùng đúng cách

Dầu gió có nhiều loại, nhưng cao sao vàng, dầu khuynh diệp… được các bác sĩ khuyên dùng hơn cả, bởi nó rất hữu hiệu khi bị cảm cúm, nhức đầu, sổ mũi, đau khớp, đau gân, đau cơ bắp, tụ máu, thâm tím, đầy hơi, chậm tiêu, khó tiêu, chống lạnh đường hô hấp… nói chung là các chứng bệnh thông thường.

Nhưng cần sử dụng dầu gió đúng cách, vì đã có những trường hợp bị ngộ độc.

Những người sau nên tránh dùng dầu gió để không bị ngộ độc:

– Trẻ dưới 2 tuổi, phụ nữ có thai, đang cho con bú không nên dùng (muốn đánh cảm cho lứa tuổi này nên dùng trứng luộc nhét đồng bạc, hoặc rượu gừng – tóc rối).

– Trẻ lớn trên 2 tuổi,khi dùng nhất thiết phải có sự theo dõi của người lớn.

– Người bị lở ngứa, ra mồ hôi, sốt cao, vừa ốm dậy, người suy nhược, táo bón, tăng huyết áp… không nên dùng.

– Người bình thường cũng không nên lạm dụng, dùng quá thường xuyên sẽ gây “nhờn”, giảm tác dụng.

Biểu hiện khi ngộ độc dầu gió

Sau khi xoa dầu gió, tùy liều lượng mà trong vòng 5 -90 phút sau khi sử dụng sẽ có những triệu chứng ngộ độc xuất hiện. Biểu hiện sớm là bỏng miệng, hầu họng, buồn nôn, nôn mửa, lừ đừ, sau đó là co giật, hôn mê, suy hô hấp nặng. Nếu không được điều trị kịp thời, có thể dẫn đến tử vong.

Do đó sau khi sử dụng, hoặc phát hiện trẻ uống phải dầu gió, nghi ngờ ngộ độc, người nhà cần đưa bé đến cơ sở y tế chuyên khoa nhi gần nhất để được xử lý càng sớm càng tốt.

– Chỉ dùng ngoài da, tuyệt đối không được uống.

– Không dùng nhiều hơn 3 – 4 lần trong ngày.

– Không dùng thường xuyên mà phải ngừng ngay khi cơn đau đã chấm dứt.

– Không bôi lên niêm mạc, vùng mắt, vết thương hở, chỉ bôi ở điểm đau, vùng đau.

– Người có bệnh mạn tính cần có sự tư vấn của các bác sĩ trước khi dùng.

Ngọc Hà

Nguồn: giadinh.net.vn

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận