Cách xử trí đau bụng do lạnh không cần thuốc

Thời tiết chuyển lạnh, khi cơ thể chưa thích nghi kịp làm hệ miễn dịch con người bị suy giảm, dễ mắc nhiều bệnh, trong đó có chứng đau bụng. Để trị đau bụng lạnh, dưới đây các chuyên gia sẽ cho bạn một số cách đơn giản.
Gừng là vị thuốc có công dụng chữa được các bệnh hư nhiệt, phong hàn. Ảnh: T.L

Đau bụng quằn quại vì lạnh

Mấy ngày gần đây thời tiết thay đổi lúc nóng lúc lạnh, chị Diệu Thiện (ở Hà Nội) cảm thấy bụng đau dù trong việc ăn uống, chị đã rất cẩn thận hâm nóng các đồ ăn. Nhiều lúc chị đau quằn quại, buồn nôn, tay chân lạnh không muốn sờ vào bất cứ việc gì. Tới bệnh viện khám, các bác sỹ nhận định chị bị đau bụng do lạnh.

Theo ThS.BS Trần Thuấn (Trưởng khoa Đông Y, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội đau bụng có thể do rối loạn tiêu hóa, đau bụng kinh, đau bụng dạ dày, viêm ruột thừa… mỗi loại đau bụng sẽ có những dấu hiệu đặc trưng. Vào trời lạnh nếu không giữ cơ thể được ấm, đặc biệt là phần bụng dễ dẫn tới bị đau bụng do lạnh. Khi bụng bị nhiễm lạnh, cơ trơn của dạ dày, đường ruột bị khí lạnh kích thích rất dễ dẫn đến co bóp mạnh, gây ra đau bụng. Nhiều người chủ quan ra ngoài đường không mặc ấm, tắm muộn hoặc uống nước đá quá lạnh… cũng dễ bị đau bụng.

Đau bụng do thời tiết lạnh còn gọi ngoại hàn. Khi hàn tà xâm nhập vào cơ thể làm tổn thương dương khí xuất hiện các chứng trạng sợ lạnh. Hàn tà mà tụ lại ở gân xương sẽ gây đau, lưu lại tạng phủ sẽ khó chữa hơn. Có khi hàn tà lại kết hợp với phong tà trở thành phong hàn xâm phạm thân thể. Nhiệt độ thấp ngày giá lạnh, hàn trệ đọng trong đường ruột sinh ra đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa.

Khi đau bụng do lạnh, người bệnh thường có biểu hiện đầy bụng, ăn không tiêu, tiêu chảy, buồn nôn, lạnh tay chân… Khi đó cần xử lý nhanh với biện pháp xoa dầu làm ấm vùng bụng bị lạnh và tay chân, ngoài ra có thể sử dụng muối rang nóng chườm vào giữ ấm vị trí lạnh hoặc dùng lá ngải cứu sao lên kết hợp với muối nóng. Tuy nhiên, do đau bụng cũng có nhiều nguyên nhân nên sau khi xử lý nhanh mà không thấy đỡ bạn cần thăm khám để có hướng điều trị kịp thời, tránh hậu quả nghiêm trọng.

Xử lý đơn giản không cần thuốc

Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Việt Nam) cho biết, những ngày thời tiết thất thường hoặc trở lạnh, cơ thể dễ bị ảnh hưởng của khí phong hàn (gió và lạnh) gây ra một số bệnh về đường hô hấp như cảm lạnh, ho; bệnh về đường tiêu hóa như lạnh bụng, tiêu chảy; đau nhức xương khớp do phong thấp thể hàn. Đau bụng do lạnh nếu càng gặp lạnh càng đau, gặp nóng sẽ giảm đau.

Gặp trường hợp đau bụng do lạnh có thể sử dụng gừng. Gừng trong y học cổ truyền là một vị thuốc. Gừng tươi gọi là sinh khương, gừng khô đã chế biến gọi là can khương. Đây là vị thuốc tính ấm, có công dụng chữa được các bệnh hư nhiệt, phong hàn. Nó vẫn được dùng nhiều nhất để trị chứng rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, đầy bụng, lạnh bụng. Bên cạnh gừng còn kích thích vị giác, giúp ăn ngon miệng hơn ngày đông.

Cách sử dụng gừng có thể theo một trong hai bài thuốc như sau: Bài 1: Dùng gừng tươi 50g – 80g rửa sạch, cắt mỏng, sao chín vàng, giã nát, hòa với một tách nước sôi, uống ấm từng ngụm nhỏ hoặc có thể hòa với một ít mật ong hay đường để dễ uống. Bài 2: Dùng gừng khô 12g, củ riềng 15g-20g đem nấu với 500ml nước, sắc còn 300ml, chia 2 lần uống ấm trước bữa ăn.

Khi uống có thể kết hợp xoa ấm vùng bụng, quanh rốn hoặc lấy bột lá ngải cứu quấn thành điếu, đốt cháy rồi hơ ấm lỗ rốn và chung quanh 5-10 phút. Đau bụng do cảm lạnh cũng có thể dùng một ít củ gừng đem nướng rồi đắp lên phía dưới rốn, khi đắp lót miếng giấy mỏng để không bị bỏng da hoặc lấy một ít gừng nướng rồi nhai nuốt nước.

Lương y Vũ Quốc Trung cũng lưu ý: “Để tránh lạnh bụng khi ngủ cần giữ ấm vùng bụng, tránh ăn các thức ăn sống lạnh như: Nghêu, sò, ốc, hến, rau sống, thức ăn để nguội qua đêm hoặc các đồ nguội chế biến sẵn. Về ăn uống nên chú ý, dùng các món bổ khí, huyết như canh gà, xúp gà nấu gừng, gà kho sả, xúp hải sâm, xúp hải sản, nấm tuyết ngân nhĩ… để tăng sức đề kháng. Ngày rét nên uống nước ấm, không uống trà, cà phê đặc”.

Ngoài vị gừng, trong y học cổ truyền cũng có thể sử dụng tỏi để làm bớt cơn đau bụng lạnh. Các gia đình nên chuẩn bị sẵn vị thuốc đơn giản này.

– Tỏi 50g, gừng sống 50g, dấm 250g, mật ong vừa đủ. Tỏi bóc vỏ rửa sạch; gừng tươi rửa sạch thái lát, tất cả cho vào bình đổ dấm và mật ong vào ngâm 30 ngày rồi dùng dần. Khi đau bụng, ăn tỏi gừng và uống 15ml nước cốt.

– Tỏi dấm 500g, rượu vàng 250g, mật ong: Tỏi bóc vỏ rửa sạch, cho vào bình có miệng rộng, đổ rượu vàng và mật ong, ngâm 10 ngày. Khi đau bụng dùng lúc đói và liên tục trong vòng 1 tuần.

Để phòng tránh các bệnh nói chung và đau bụng lạnh nói riêng, các chuyên gia khuyến cáo mọi người khi ra ngoài bạn nên giữ ấm toàn cơ thể, nhất là ở đầu, cổ, chân. Trong nhà luôn trữ dầu gió, gừng và tỏi tươi/khô để sử dụng khi đau bụng đột ngột. Nên ngủ đủ, tập thể dục đều đặn để tăng sức đề kháng. Ngoài ra cần tránh ăn thức ăn để trong tủ lạnh chưa được hâm nóng, tránh uống nước lạnh vì lạnh bụng sẽ dẫn đến đầy bụng, ăn uống không tiêu, đại tiện lỏng, khiến các bệnh tiêu hóa càng nặng hơn.

Thời tiết như hiện nay, trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc bệnh nhất. Vùng rốn trẻ rất nhạy cảm dễ bị lạnh bụng nên cha mẹ chú ý mặc cho trẻ quần cạp cao để trẻ không bị hở bụng khi chơi. Khi ngủ, trẻ thường hay đạp chăn khỏi người nên cần kiểm tra trẻ thường xuyên để trẻ con không bị lạnh. Những người hay bị đau bụng, khi trở trời, trước khi đi ngủ nên thoa dầu vào vùng bụng và vùng phía trên thắt lưng để tránh bị nhiễm lạnh.

Món ăn tốt cho đau bụng lạnh

– Canh thịt bò củ riềng: Thịt bò thái vừa ăn, riềng rửa sạch, gừng, muối vừa đủ cho vào nồi. Đổ nước sâm sấp hầm chín kỹ rồi ăn với cơm.

– Canh cật dê: Cật dê, nhục thung dung 50g, thảo quả 10g cùng hạt tiêu, mì sợi, xì dầu, hành, gia vị. Cật dê sơ chế thái mỏng, nhục thung dung, thảo quả, hạt tiêu cho vào túi vải bỏ vào nồi nước, đun kỹ mới cho cật dê vào. Trước khi bắc xuống cho thêm mì sợi.

Lương y Vũ Quốc Trung

Hà My

Nguồn: giadinh.net.vn

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận