Bố mẹ coi thường sổ mũi “xoàng”, trẻ có nguy cơ bị điếc

Viêm tai giữa là bệnh viêm cấp tính ở lớp niêm mạc lót trong tai giữa, thường xuất hiện sau viêm mũi họng. Bệnh thường hay gặp ở trẻ nhỏ và rất dễ xảy ra biến chứng nếu không được điều trị kịp thời, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thính lực của trẻ.

Thấy cô con gái 2 tuổi thỉnh thoảng bị chảy nước mũi, chị Nguyễn Thị Hòa (trú tại Chương Mỹ, Hà Nội) chỉ nghĩ đơn giản con bị sổ mũi nhẹ nên thường bắt con xì mũi rồi lau sạch bằng khăn giấy. Sau đó, khi bé ngày càng sụt sịt nhiều hơn, chị Hòa liền ra hàng thuốc cạnh nhà mua thuốc cảm cúm về cho con uống, đồng thời dùng thuốc nhỏ mũi để giúp thông mũi cho con.

Thế nhưng, hơn 1 tuần sau đó, bé nhà chị không những không khỏi sụt sịt mũi mà còn kêu ngứa ngáy ở trong tai. Lúc ấy, chị Hòa mới vội vàng cho con đi khám thì nhận được thông tin con chị đang ở giai đoạn đầu của bệnh viêm tai giữa, cần nhập viện để theo dõi, điều trị.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, trường hợp trẻ bị biến chứng viêm tai giữa do bệnh đường hô hấp kéo dài không khỏi như con chị Hòa không phải là hiếm. Đây là bệnh thường gặp ở trẻ, phổ biến sau các bệnh viêm đường hô hấp.

Nguyên nhân gây bệnh có thể do vi khuẩn và virus. Ở giai đoạn đầu, biểu hiện của bệnh viêm tai giữa không rõ rệt, trẻ không sốt, không đau tai nên rất khó phát hện.

Đến giai đoạn sau, các triệu chứng rõ ràng hơn như trẻ bị sốt cao (39-40 độ C), quấy khóc, ăn kém, nôn trớ… Nếu được phát hiện và điều trị ở giai đoạn này, bệnh sẽ khỏi sau 1-2 tuần, không để lại di chứng.

Các chuyên gia khuyến cáo, khi trẻ bị các bệnh liên quan đến đường hô hấp, cần được điều trị dứt điểm, tránh biến chứng gây ra bệnh viêm tai giữa. Ảnh: N.Mai

Giai đoạn đặc trưng của viêm tai giữa là khi trẻ có các biểu hiện như sốt cao, tai có mủ, thậm chí bị đau khi dùng tay ấn vào vùng tai hoặc kéo vành tai của trẻ. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng 2 yếu tố để chẩn đoán chắc chắn bệnh là viêm và có tiết dịch ở tai giữa. Dấu hiệu quan trọng nhất là khi soi tai thấy màng nhĩ phồng lên, thấy ứ dịch, mủ đục bên trong. Một số trường hợp còn thấy chảy nước, mủ ra tai ngoài.

Nếu không được điều trị ở giai đoạn đầu, viêm tai giữa sẽ biến chứng thành những bệnh nguy hiểm như viêm tai giữa mạn tính, viêm xương chũm, viêm màng não dẫn đến nguy cơ bị điếc ở trẻ. Nguy hiểm hơn, với những trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi nếu không được điều trị viêm tai giữa triệt để sẽ làm giảm khả năng phản ứng lại với môi trường xung quanh, lâu dần sẽ mất khả năng nói, trở nên câm điếc.

Bên cạnh đó, theo PGS.TS Võ Thanh Quang, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, trong nhiều trường hợp trẻ bị viêm tai giữa, dù đã uống thuốc đặc trị nhưng không khỏi và có ứ mủ. Tình trạng này xuất hiện có thể do trẻ bị viêm mũi hoặc viêm Amidan quá nặng.

Do vậy, để điều trị những trường hợp như vậy, ngoài việc tuân thủ uống thuốc theo đơn của bác sĩ tai mũi họng, trẻ nhỏ cần được hút rửa mũi cho sạch. Nếu tai bị viêm ứ mủ nhiều, điều trị lâu không khỏi, có thể phải trích rạch màng nhĩ để tháo mủ ra. Sau khi khỏi cần xem xét và có thể phải nạo viêm Amidan.

Vì vậy, để phòng bệnh viêm tai giữa cho trẻ, người lớn phải giữ gìn vệ sinh mũi họng hằng ngày cho bé sạch sẽ, hạn chế tối đa trẻ bị viêm mũi họng; chữa dứt điểm các bệnh đường hô hấp, tránh để vi trùng, vi khuẩn lây lan lên tai. Khi thấy tai có các biểu hiện như ngứa, khó chịu, chảy nước, dịch vàng, sờ vào thấy đau thì nên đi khám và điều trị kịp thời.

Mai Thùy

Nguồn: giadinh.net.vn

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận