Bị vật nhọn đâm, trường hợp nào cần đi tiêm uốn ván ngay?

GiadinhNet – Các chuyên gia khuyến cáo, nếu bị đâm hoặc giẫm phải vật nhọn (thủy tinh, đinh, kim loại…) gây rách da, chảy máu, không nên chủ quan vì vết thương này dễ dẫn đến nhiễm trùng uốn ván.

Thông thường những trường hợp bị dị vật như gai nhọn, mảnh thủy tinh, dằm, kim loại… đâm vào tay, chân, nhiều người thường chủ quan vì nghĩ đó là vết thương nhỏ, không nghiêm trọng. Tuy nhiên, theo ThS.BS Nguyễn Trung Cấp – Phó Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương), những vết thương tưởng chừng như nhỏ bé đó lại có thể gây hại nếu không được xử lý đúng cách và kịp thời.

BS Nguyễn Trung Cấp cho biết, nếu không may bị vật nhọn đâm vào người, sau khi xử lý vết thương, nên đến cơ sở y tế để tiêm uốn ván vì không biết trong dị vật đó có vi trùng gây uốn ván hay không.

Nhiều người thường lầm tưởng chỉ có giẫm phải đinh sắt, kim loại gỉ mới bị uốn ván, nhưng thực tế những vết thương trầy xước nhỏ cũng dễ gây ra tình trạng này.

Các chuyên gia khuyến cáo, nếu bị đâm hoặc giẫm phải vật nhọn gây rách da, chảy máu, không nên chủ quan vì vết thương này dễ dẫn đến nhiễm trùng uốn ván. Ảnh minh họa

Uốn ván là một bệnh nhiễm trùng cấp tính có tỷ lệ tử vong từ 25 đến 90%. Bệnh do một loại vi khuẩn có tên Clostridium tetani gây ra. Vi khuẩn gây uốn ván có ở mọi nơi trong đất, cát; phân gia súc, gia cầm; nơi cống rãnh…

Tại đây, vi khuẩn uốn ván dễ dàng xâm nhập vào các vết thương hở dù chỉ là trầy xước nhỏ. Chúng phát triển ở điều kiện yếm khí (vết thương bị dập nát dính bẩn, không có không khí, vết thương bị băng bó chặt…). Sau đó, sẽ xâm nhập vào cơ thể, đi vào hệ thần kinh và gây ra co cứng cơ hoặc co giật cơ khi có kích thích, rất nguy hiểm.

Do đó, ngay khi bị các vật nhọn đâm vào người, cần phải tiến hành sơ cứu vết thương đúng cách, tránh để vi khuẩn có cơ hội xâm nhập. Một số việc cần làm trong trường hợp giẫm hoặc bị vật nhọn đâm:

Không nên cố rút vật nhọn ra nếu nó đã cắm sâu vào cơ thể, điều này có thể khiến vết thương trầm trọng hơn và dẫn tới chảy máu.

– Dùng một miếng gạc hoàn toàn vô trùng bọc xung quanh vật nhọn (vật nhọn dài, cắm sâu)

– Đặt các tấm lót chèn xung quanh vật nhọn để nó khỏi di động.

– Hạn chế tối đa việc vận động mạnh.

– Đưa bệnh nhân tới các cơ sở y tế để được sơ cứu kịp thời.

– Trường hợp vật nhọn nông, có thể rút ra trực tiếp bằng tay, phải rửa sạch tay trước khi chạm vào vết thương. Nếu vết thương chảy ít máu, để vùng đang chảy máu dưới vòi nước mát trong vài phút. Bằng cách này, những yếu tố có thể gây nhiễm khuẩn sẽ bị loại bỏ và rửa trôi, giảm khả năng đi vào máu.

– Không cọ vết thương khi rửa vì có thể làm vết thương nặng hơn. Không dùng miệng để hút chất bẩn trong vết thương. Lau khô và che phủ vết thương.

– Sử dụng dụng cụ vô trùng để lau khô và ngay sau đó dùng băng chống thấm nước che phủ vết thương. Nhiều người thường không băng bó vết thương vì nghĩ rằng nó không quá nặng. Nhưng tốt nhất hãy băng lại để tránh nhiễm trùng và bụi bẩn xâm nhập về sau, nhất là khi bị đâm ở lòng bàn chân hoặc tay.

Những trường hợp cần đi tiêm phòng uốn ván

Phụ nữ có thai: Tiêm phòng uốn ván cho những phụ nữ có thai để bảo vệ đứa trẻ sau khi sinh ra không bị uốn ván sơ sinh. Chỉ cần 2 mũi tiêm sẽ giúp cả mẹ và bé cùng an toàn.

Nông dân, người làm việc trong các trang trại: Đây là những đối tượng dễ bị uốn ván do phải tiếp xúc thường xuyên với môi trường đồng ruộng, bùn đất, phân gia súc, gia cầm, dị vật …có nhiều vi khuẩn trú ngụ. Do đó, khi gặp phải các vết thương nhỏ như xước da, chảy máu trong quá trình lao động, việc nhiễm khuẩn uốn ván rất có thể sẽ xảy ra. Tiêm phòng là cần thiết để phòng bệnh.

Công nhân xây dựng các công trình: Những người thường xuyên phải tiếp xúc với kim loại, bê tông, sắt thép. Nguy cơ bị thương do các vật nhọn đâm là khó tránh khỏi. Vì vậy, nên đi tiêm phòng uốn ván để bảo vệ bản thân khỏi các sự cố đáng tiếc.

Mai Thùy

Nguồn: giadinh.net.vn

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận